“Bối rối” vì người khuyết tật được ưu tiên tuyển sinh
(Dân trí) - Theo quy chế tuyển sinh Cao đẳng - Đại học năm nay, người khuyết tật nặng trở thành đối tượng ưu tiên xét tuyển. Tuy nhiên, các trường thì “bối rối” vì chẳng biết làm sao để xét tuyển.
“Đặc cách”
Việc sửa đổi, bổ sung NKT nặng vào nhóm đối tượng được ưu tiên xét tuyển thẳng khi tuyển sinh Cao đẳng - Đại học (CĐ, ĐH) bắt đầu từ Thông tư liên tịch số 42/2013/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC quy định chính sách về giáo dục đối với NKT. Theo Thông tư 42, hiệu trưởng các trường CĐ - ĐH mà NKT đăng ký học sẽ căn cứ kết quả học tập ở phổ thông của học sinh (qua học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét và quyết định tuyển thẳng vào học.
Tuy nhiên, theo các trường thì quy định này rất mơ hồ và khó thực hiện. Bởi cho đến nay, NKT nặng vẫn là một khái niệm chưa được quy định cụ thể, chưa có cơ quan nào đứng ra xác nhận nên việc Bộ GD-ĐT giao cho các trường nhiệm vụ xác định tình trạng tật của thí sinh là rất khó. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đề nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về vấn đề này thì các trường mới thực hiện được.
Trong khi đó, cộng đồng NKT ở TPHCM cũng “bối rối” vì quy định này. Thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan, một NKT đồng thời là Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) cho rằng: “Nếu hiểu theo một nghĩa nào đó thì việc ưu tiên xét tuyển thẳng này là “đặc cách” cho NKT. DRD có làm việc với nhiều nhóm sinh viên khuyết tật và thấy các em đều “bối rối” vì “đặc cách” này”.
Theo bà Loan, việc “đặc cách” này khiến các sinh viên khuyết tật không còn cảm thấy tự hào khi mình bước vào được giảng đường ĐH bằng chính nỗ lực của bản thân. Nhiều sinh viên khuyết tật còn cảm thấy việc “đặc cách” này không khác gì phân biệt giữa sinh viên khuyết tật và sinh viên không khuyết tật, phủ nhận năng lực học tập của NKT, đặc biệt là NKT vận động vì họ chỉ bị hạn chế trong sinh hoạt chứ năng lực tư duy không hề bị “khuyết tật”.
Lợi hay hại?
Thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan, Phó giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD) cho rằng: “Bộ GD-ĐT nên “ưu tiên” bằng cách tạo điều kiện cho NKT được có cơ hội cạnh tranh công bằng với các thí sinh không khuyết tật. Đơn giản như thí sinh khiếm thị thì có giám thị đọc đề, cho họ làm bài bằng chữ nổi và kéo dài thời gian làm bài; sinh viên yếu tay, viết chậm thì tăng thời gian làm bài; sinh viên liệt chân thì cho thi ở phòng tầng trệt… Trong quá trình học tập thì ưu tiên bố trí phương tiện và người hỗ trợ để NKT có thể tiếp cận lớp học cũng như các tài liệu học tập dễ dàng như người không khuyết tật…”. |
Bà Loan cho rằng: “Trừ người khiếm thính và thiểu năng trí tuệ là học tập rất khó khăn, các dạng tật còn lại như vận động, khiếm thị… thì khả năng học tập của NKT không khác gì người không khuyết tật. Họ chỉ bất tiện trong một số vấn đề như tiếp cận kiến thức (người khiếm thị ít có giáo trình bằng chữ nổi, sách nói), người bị liệt tay thì viết chậm, liệt chân thì khó đến lớp vì công trình không tiếp cận… Nhưng về mặt tư duy họ không bị hạn chế. Vậy vì sao phải “ưu tiên” không cho họ thi cử”.
Từ lý luận trên, Thạc sĩ Lưu Thị Ánh Loan đánh giá quy định ưu tiên xét tuyển NKT là “lợi bất cập hại”. Vì nó không giúp cộng đồng NKT phát triển vững mạnh hơn mà còn có nguy cơ kéo lùi ý chí tiến thủ của cộng đồng này. Bà nhắc lại một giai đoạn ngành Sư phạm ưu tiên tuyển thẳng sinh viên khiếm thị, để rồi khi ra trường không cấp bằng cho họ mà chỉ cấp chứng nhận không có giá trị pháp lý.
Bà Loan nói: “Dù trong quy định mới Bộ GD-ĐT yêu cầu cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên khuyết tật được tuyển thẳng. Thế nhưng, chắc chắn doanh nghiệp, người sử dụng lao động sẽ đánh giá tấm bằng của NKT không cao vì theo họ đó chính là tấm bằng được “đặc cách” mà có. Nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đánh giá năng lực NKT và khả năng tìm việc của NKT sau này”.
Tùng Nguyên