"Bỏ xét tuyển sớm để không làm rối loạn các trường phổ thông"
(Dân trí) - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân Võ Thanh Hải đề xuất bỏ xét tuyển sớm với lý do học sinh lớp 12 nói chung và học sinh trường chuyên nói riêng ỷ vào trúng tuyển sớm mà lơ là học tập.
"Xét tuyển sớm khiến học sinh đỗ vào trường chuyên là coi như xong"
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức tọa đàm với các chuyên gia, đại diện cơ sở giáo dục đại học, Sở GD&ĐT để lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Tại sự kiện này, nhiều trường đại học đề xuất không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong 20% mà nên bỏ luôn.
Phân tích tác động tiêu cực của xét tuyển sớm đến chất lượng giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu thực trạng nhiều học sinh có kết quả trúng tuyển sớm ở học kỳ 1, sang học kỳ 2 thì không học nữa, đến lớp chỉ ngủ.
Chương trình giáo dục phổ thông kéo dài 6 học kỳ, việc bỏ mất một học kỳ nhất định sẽ không đảm bảo chất lượng đầu ra.
Theo thứ trưởng, điều này càng thấy rõ hơn ở học sinh trường chuyên.
"Nhiều em đỗ được vào trường chuyên là yên tâm trúng tuyển đại học rồi, chỉ học cái gì mình thích khiến chất lượng càng ngày càng đi xuống. Hiện chúng ta có thể không cảm nhận được ngay nhưng chúng ta sẽ phải trả giá", ông Sơn nói.
Cùng nhận định, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Đại học Duy Tân - phản ánh tình trạng nhiều học sinh đỗ vào trường chuyên có tâm lý "vô được là xong", không phải chú tâm học hành nữa.
Nhiều em học lệch hoàn toàn, chỉ học môn chuyên và môn phục vụ xét tuyển, dẫn đến gặp nhiều khó khăn ở bậc đại học. Trong khi đó, việc học đại học đòi hỏi kiến thức toàn diện của nhiều môn học khác ở bậc phổ thông".
Từ thực tế này, đại diện Đại học Duy Tân, Học viện Tài chính đề xuất bỏ luôn xét tuyển sớm thay vì siết chỉ tiêu xuống 20%.
TS Võ Thanh Hải cho rằng chỉ giữ lại xét tuyển sớm theo phương thức tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế. Đây là nhóm học sinh tài năng xứng đáng có sự ưu tiên.
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính, nói: "Nên bỏ hẳn chứ không cần phải giới hạn ở 20% làm gì. Đưa 20% vào thì không có ý nghĩa gì nhiều. Thà mạnh dạn bỏ luôn để tạo sân chơi chung an toàn cho tất cả các trường".
Ông Tùng cũng cho rằng, việc xét tuyển sớm "làm rối loạn dưới các trường phổ thông". Khi các trường cạnh tranh xét tuyển sớm, học sinh lớp 12 ra Tết là không học hành gì nữa.
"Chúng tôi không muốn vì cạnh tranh mà ở dưới xáo trộn", ông Tùng phát biểu.
Đại diện nhiều trường đại học khác cũng đề xuất bỏ hẳn xét tuyển sớm. Theo đó, việc xét tuyển sớm chỉ làm gia tăng áp lực cho học sinh. Trước đây, học sinh chỉ áp lực với một kỳ thi duy nhất là tốt nghiệp THPT, nay học sinh áp lực ngay từ lớp 10 để chuẩn bị cho các điều kiện xét tuyển sớm, đáp ứng yêu cầu riêng của từng trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng việc bỏ hẳn ngay năm nay là không nên để tránh dư luận phản ứng. Nhiều gia đình, nhiều học sinh đã chuẩn bị cho xét tuyển sớm trong suốt 3 năm, không thể nói bỏ là bỏ luôn.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT - đưa ra một đề xuất khác, đó là không giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm trong 20% nhưng chỉ cho phép công bố kết quả trúng tuyển sớm cùng đợt công bố chung.
Điều này vừa đảm bảo quyền tự chủ của các trường, vừa đảm bảo học sinh lớp 12 không lơ là việc học tập.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cũng đặt ra một vấn đề cần quan tâm xét ở khía cạnh tâm lý học sinh, phụ huynh: "Dư luận xã hội có thể sẽ có ý kiến rằng, đồng ý cần tạo cơ hội tiếp cận công bằng đối với mọi học sinh trong tuyển sinh đại học. Nhưng những người có điều kiện nắm thêm cơ hội mà ta hạn chế họ thì có chính đáng hay không?".
"Phương thức xét tuyển nào không thể quy đổi về thang điểm chung thì nên bỏ"
Đây là quan điểm của TS Lê Trường Tùng. Ông ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc cần quy đổi các phương thức xét tuyển về một thang điểm chung để đảm bảo công bằng cho tất cả các thí sinh. Nếu các trường có phương thức nào không thể quy đổi được thì không nên dùng.
TS Võ Thanh Hải cho rằng cần bàn kỹ về công thức quy đổi. Muốn quy đổi được phải có nhiều cứ liệu đầu vào mới đảm bảo sự công bằng giữa các phương thức. Việc tiết giảm phương thức xét tuyển là điều các trường cần tính đến, bởi càng nhiều phương thức khác nhau càng khó quy đổi.
Nhìn chung, ý kiến từ các trường đại học đa số ủng hộ các nội dung trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng. Trong đó, các trường đại học thống nhất quan điểm, kỳ tuyển sinh đại học phải đảm bảo công bằng giữa các thí sinh và không làm ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục phổ thông.
Về thời điểm thực hiện, đại diện Đại học Duy Tân cho rằng cần phải làm luôn năm nay, bởi không có thời điểm nào lý tưởng hơn là áp dụng với lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT.
"Nếu năm nay không làm thì năm sau càng khó hơn", ông Hải nêu quan điểm.
TS Lê Trường Tùng băn khoăn, việc điều chỉnh quy chế tuyển sinh có thể không gây trở ngại với những trường tốp đầu nhưng sẽ khó khăn với các trường tốp dưới, nhất là khối trường ngoài công lập.
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm, đặc biệt là phương thức xét tuyển học bạ.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu.
Tất cả các phương thức xét tuyển phải quy đổi về một thang điểm chung. Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm không được thấp hơn điểm chuẩn xét tuyển chung.
Các trường vẫn được tự chủ các phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, với riêng phương án xét học bạ, Bộ yêu cầu phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời phải có điểm tổ hợp ít nhất 3 môn gồm toán và ngữ văn bắt buộc.
Dự thảo cũng quy định ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Theo đó, kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.