Bỏ tuyển thẳng, kỳ thi HSG Quốc gia kém “vị”
Ngày 8/2, kỳ thi HSG Quốc gia năm 2007 đồng loạt diễn ra tại các tỉnh, thành trên cả nước. Thế nhưng, theo các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và học sinh, việc Bộ GD-ĐT bỏ chủ trương tuyển thẳng vào ĐH, CĐ đối với HSG Quốc gia sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài.
Kỳ thi năm nay có 3.744 HS thuộc 71 đơn vị dự thi, so với năm 2006, giảm 1.679 học sinh.
Khó tập trung đội tuyển
Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn, cho biết: Năm trước, mặc dù quy định mỗi môn có thể từ 8-10 học sinh nhưng Bắc Kạn có đủ cả đội hình các môn thi. Năm nay, Bắc Kạn chỉ có ít môn thi đủ 6 HS dự thi như quy định; còn lại, có những môn chỉ có 3 hoặc 4 HSG dự thi.
Tổng số HSG dự thi của Bắc Kạn năm nay hụt đi khoảng chục học sinh. Lý giải điều này, Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn Lê Văn Trang cho biết: Chủ trương không tuyển thẳng khiến các học sinh không nhiệt tình lắm do mục tiêu được vào thẳng ĐH, CĐ bị mất.
Tại trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Tây), nơi có 65/66 HSG của cả tỉnh, thầy hiệu trưởng Thái Văn Bình cho biết: Khi bỏ tuyển thẳng, nhiều học sinh đã xin ra khỏi đội tuyển. Những học sinh có năng lực không đi thi nữa hoặc cố tình không làm được bài để khỏi phải tham gia đội tuyển. Đại đa số HSG tham gia đội tuyển có phản ứng như vậy khiến các thầy cô phải “dọa” và bắt đi thi, một số em mới chịu tham gia đội tuyển.
Nhân tài sẽ giảm?
Một nhà giáo có thâm niên trong việc đào tạo HSG quốc gia, quốc tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Nhiều đổi mới của Bộ GD-ĐT năm nay đối với kỳ thi HSG quốc gia đã đem lại hiệu quả ngược. Sáng kiến là cho thi chung toàn quốc để đảm bảo công bằng đã được đề ra nhưng không thực hiện được và cuối cùng lại tổ chức thi đồng loạt ở các tỉnh như các năm trước. Ông khẳng định, tiêu cực của các kỳ thi nằm ở việc tổ chức thi ở các tỉnh.
Điều quan trọng hơn, theo nhà giáo này, nếu chọn đội tuyển mà chỉ thi trong 1 ngày như năm nay sẽ không thể chọn chính xác được HSG. Các nước trên thế giới đã có chuẩn mực chung: Thi 2 ngày liền, mỗi ngày ít nhất là 3 tiếng, gồm 6 câu 42 điểm. Ông cho biết: Các chuyên gia đánh giá với cách thi năm nay, kỳ thi HSG không thể thành công. Hầu như các chuyên gia đào tạo nhân tài được hỏi đều khẳng định rằng chủ trương bỏ tuyển thẳng HSG đã không đi đúng hướng.
Những người nghĩ ra chủ trương này hầu như mới chỉ nghĩ là đã giỏi thì thi đậu ĐH là bình thường và vì vậy phải bắt buộc thi ĐH để khẳng định mình.
Nhiều chuyên gia đào tạo nhân tài cũng dự báo: Trong những năm tới đào tạo nhân tài của Việt Nam, theo đà này sẽ giảm; kết quả các kỳ thi quốc tế cũng sẽ giảm. Câu hỏi đặt ra là 5 năm sau thành tích các đội tuyển quốc tế của Việt Nam giảm thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Theo Hồ Thu
Tiền Phong