Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sớm quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học
(Dân trí) - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sắp tới Bộ sẽ quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH,CĐ. Những trường yếu kém thì có thể sát nhập, giải tán hoặc trở thành một phân hiệu của một trường khác. Riêng đối với hệ thống trường sư phạm với 117 cơ sở thì chỉ chọn lại 8-9 trường lớn, còn lại chỉ là cơ sở của các trường khác để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng.
Chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Trường Đại học Sư phạm TPHCM. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đã trao đổi với các giảng viên về mục tiêu đổi mới giáo dục của toàn Ngành trong giai đoạn tới.
Mong muốn có Luật Nhà giáo
Trước câu hỏi của một giảng viên của trường ĐH Sư phạm TPHCM về định hướng phát triển của Bộ GD-ĐT trong thời gian sắp tới như thế nào để phát triển nền giáo dục VN tốt hơn. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, triển khai Nghị quyết 29, Chính phủ đã có chương trình hành động, theo đó Bộ đã có một kế hoạch rất chi tiết. Có rất nhiều việc phải làm nhưng lãnh đạo Bộ sẽ chọn ra 8 vấn đề trọng tâm để giải quyết dứt điểm.
Trọng tâm đầu tiên là quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo, đặc biệt là mạng lưới các trường ĐH,CĐ. Sau thời gian vừa qua số trường ĐH,CĐ thành lập cũng đã khá nhiều và đến bây giờ bộc lộ rất nhiều hạn chế. Do đó phải quy hoạch kiểm định lại, những trường nào thật sự chuẩn ĐH, đầu tư có chất lượng thì đầu tư thêm. Những trường yếu kém thì có thể sát nhập, giải tán hoặc trở thành một phân hiệu của một trường nào khác để mạng lưới các trường ĐH được gọn nhẹ và chất lượng. Riêng đối với hệ thống trường sư phạm với 117 cơ sở thì chỉ chọn lại 8-9 trường lớn, còn lại chỉ là cơ sở của các trường khác để tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng.
Cũng theo Bộ trưởng, tăng cường năng lực quản lý giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ then chốt vì mọi vấn đề thành bài đều phụ thuộc vào vấn đề giảng viên. “Hiện nay chúng ta có khoảng 1,3 triệu giáo viên và quản lý. Nhưng có gần 1 triệu giáo viên gặp khó khăn về điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, chuyên môn và tiếp cận vấn đề đổi mới. Chuẩn giáo viên, bồi dưỡng thế nào, chế độ kèm theo ra sao? Chúng ta biết thông tư 30 phát sinh việc cho các thầy cô nhưng chế độ giáo viên chưa có gì, như thế là chưa công bằng; hay như đối với thầy cô giỏi, sáng tạo nhưng chế độ đãi ngộ vẫn theo ngạch viên chức”, ông Nhạ chia sẻ.
Còn đối với cán bộ quản lý giáo dục, ở cấp phổ thông hầu hết là từ giáo viên chuyển sang làm công tác quản lý. Do đó kiến thức, kỹ năng về quản trị trường học rất hạn chế, chủ yếu dựa theo kinh nghiệm dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu đổi mới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết tới đây Bộ cũng xây dựng chuẩn đối với vị trí chức danh quản lý giáo dục để theo đó đồng hành với giáo viên. Nếu như giáo viên đổi mới mà cán bộ quản lý vẫn kiểu cũ thì không thể giữ chân được người giỏi cho ngành sư phạm.
Để nâng cao năng lực quản lý giảng viên và cán bộ quản lý sẽ tiến tới đưa ra luật Nhà giáo. Theo Bộ trưởng Nhạ, tiến tới là có luật Nhà giáo bởi lâu nay chúng ta có chung rất nhiều quy định pháp luật. Tới đây chúng ta sẽ đặc biệt phát triển khu vực tư nhân có rất nhiều thầy cô lúc ấy không phải là viên chức thì ai quản lý họ; hoặc nhiều thầy cô ở đây là nhà giáo hoạt động đến tận cuối đời có học vị giáo sư. Hiện nay theo quy định viên chức thì nam chỉ đến 60 tuổi và nữ 55 tuổi là nghỉ hưu nếu xin làm thêm vài năm nữa cũng không đúng quy chế. Bộ sẽ cố gắng và mong muốn xây dựng Luật Nhà giáo để phân biệt trách nhiệm của nhà giáo cũng như quản lý nhà giáo. Tác động của luật sẽ dẫn đến giáo viên, giảng viên tốt”.
Trọng tâm thứ ba của ngành giáo dục là tăng cường dạy tiếng Anh. “Trong bối cảnh hội nhập hiện nay việc học ngoại ngữ rất cần thiết nhưng trước hết ưu tiên tiếng Anh. Tập trung chủ yếu ở bậc học mầm non, tiểu học cho đến trung học làm sao cho hết các bậc học thì các cháu về cơ bản có thể sử dụng được tiếng Anh vào ĐH có thể tiếp cận được với giảng dạy không có chuyên môn cao. Khi tiếng Anh tốt thì điều kiện hội nhập mới tốt được”, ông Nhạ nói.
Trọng tâm kế đến là phân luồng. Hiện nay học sinh học xong THCS lại không sang học nghề mà hầu hết đi tiếp THPT và vào ĐH nên dẫn đến tình trạng thừa trình độ ĐH nhưng rất hiếm trình độ nghề. Nhiệm vụ của ngành là tập trung hướng nghiệp phân luồng cho học sinh hết lớp 9 có thể học nghề. Sắp tới Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống giáo dục quốc dân, các bậc học sẽ thành thể thống nhất liên kết với nhau.
Các trọng điểm kế tiếp là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tự chủ ĐH; Quốc tế hóa giáo dục; Đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Trao tự chủ nhiều hơn cho các trường
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, Bộ đang chuẩn bị trình Chính phủ phê duyệt nghị định về tự chủ đại học. Định hướng tới đây là trường đại học không trực thuộc bộ nào cả. Sẽ rất sớm trong nhiệm kỳ của tôi sẽ có các trường không trực thuộc bộ nào như hai ĐHQG hiện nay. Những trường nào có năng lực cao, giải trình tốt sẽ sớm được tự chủ.
Ngoài ra, cần đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá trong các trường sư phạm nói chung và khối phổ thông riêng. Từ năm sau, theo đề nghị của phần lớn các địa phương đề nghị về việc kiểm tra đánh giá, công nhận bằng tốt nghiệp THPT do các Sở GD-ĐT đảm trách, Bộ thấy có cơ sở và sẽ xem xét quyết định phù hợp. Còn việc thi tuyển vào ĐH, CĐ sẽ tùy vào các trường sử dụng phương thức nào; ủng hộ đề nghị sử dụng phương thức thi đánh giá năng lực để tuyển sinh như ĐH quốc gia Hà Nội.
Dịp này, Bộ trưởng đánh giá cao sự đóng góp rất lớn của trường ĐH Sư phạm TPHCM vào sự đổi mới căn bản toàn diện của ngành trong thời gian qua. Bộ trưởng Nhạ mong rằng sắp tới trường tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ của ngành trong đó đặc biệt là đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên trong các trường phổ thông từ mầm non cho đến THPT.
Hiện nay toàn quốc có 117 cơ sở đào tạo sư phạm, với một tình trạng giáo viên vừa thừa vừa thiếu. Theo thống kê mà báo chí đã nêu có tới 70.000 giáo sinh ra trường không có việc làm.Trong khi đó chuẩn phổ thông bây giờ rất khác, bởi thế tới đây Bộ sẽ quy hoạch mạng lưới các trường ĐH,CĐ mà trước hết là nhóm các trường sư phạm để làm sao tập trung vào một số trọng điểm để nâng được chất lượng đào tạo, đào tạo lại hệ thống giáo viên trong toàn quốc, tránh tình trạng phân tán như hiện nay.
Theo bộ trưởng, muốn làm được điều đó phải có chuẩn các trường sư phạm, trên có sở chuẩn này rà soát, quy hoạch. Theo yêu cầu mới, chuẩn giáo viên trong đó đặc biệt là giáo viên phổ thông cũng phải rà soát, điều chỉnh lại theo chuẩn mới, phù hợp yêu cầu đổi mới của ngành. Việc tăng cường năng lực cho chính các thấy cô thông qua dự án 911, làm sao để nâng cao trình độ chuyên môn, khoa học giáo dục của các cô thầy theo chuẩn của nước ngoài. Còn đối với đào tạo bồi dưỡng giáo viên phổ thông, bộ đang có hướng sử dụng dự án vay của ngân hàng thế giới để xây dựng các bài giảng điện tử.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng báo cáo nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông, nhà trường bắt đầu xây dựng chương trình mới đổi mới cách đây 2 năm. Cuối tháng 8 này sẽ ban hành chương trình mới cũng như chuẩn đầu ra để đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông.
Theo ông Hồng, hiện nay các trường sư phạm ít được chỉ tiêu đào tạo giảng viên theo chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài (hiện nay là chương trình 911 hiện nay). Ông Hồng đề nghị nếu muốn tăng nhanh số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài, Bộ GD-ĐT tách riêng chỉ tiêu cho các trường sư phạm khỏi chỉ tiêu chung của đề án 911 như hiện nay.
Lê Phương