Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Sẽ sáp nhập, giải tán trường đại học kém

(Dân trí) - “Những trường đại học nào tốt thì đều được ưu tiên đầu tư và tiếp cận với các điều kiện phát triển. Còn những trường nào kém thì phải sáp nhập, thậm chí sẽ giải tán chứ không thể để tình trạng có tên trường nhưng đào tạo ra những sản phẩm không tốt”.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trong chuyến thăm và làm việc tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) vào chiều ngày 6/6. Chia sẻ lý do đến thăm trường ĐH này trong chuyến làm việc đầu tiên ở TPHCM, Bộ trưởng cho biết: “Trong chuyến đi này, tôi mong muốn hóa giải tâm lý mất cân bằng giữa trường công và trường tư”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi sinh viên trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi sinh viên trường ĐH Công nghệ TPHCM (Hutech)

Theo Bộ trưởng, “tới đây, chủ trương của Bộ là tôn trọng, tạo điều kiện cho các trường ĐH hoạt động đúng pháp luật. Những trường nào tốt thì đều được ưu tiên đầu tư và tiếp cận với các điều kiện phát triển. Còn những trường ĐH nào kém thì phải sát nhập thậm chí sẽ giải tán chứ không thể để tình trạng có tên trường nhưng đào tạo ra những sản phẩm không tốt”.

Phát biểu trước lãnh đạo, cán bộ trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý 5 vấn đề trong vấn đề phát triển các trường ĐH nói chung và trường Hutech nói riêng. Qua những điểm trao đổi với trường Hutech, Bộ trưởng cũng mong muốn gửi đến các trường ĐH tư khác thông điệp này.

Thứ nhất, định hướng của nhà trường là ĐH ứng dụng là tốt tuy nhiên phải xác định được sự khác biệt của mình. Nhà trường phải xác định điểm khác biệt của mình không phải là đông sinh viên, không phải lúc nào cũng ra trường có việc làm ngay, càng không phải ở chỗ có cơ sở vật chất hiện đại. Khác biệt của trường phải ở trong chất lượng dịch vụ. Trường nên đi vào đào tạo những ngành hiện nay rất cần để hội nhập mà những trường khác chưa có. Đó chính là lợi thế của người đi sau để sau này trở thành địa chỉ mà các công ty, tổ chức nhắc đến trong danh sách hàng đầu tuyển dụng. Nếu cứ theo các ngành cổ truyền chẳng hạn như quản trị kinh doanh, hay kế toán thì cứ nhan nhản trên thị trường. Thay vào đó nếu chọn những ngành theo xu hướng hội nhập ASEAN, hội nhập sâu vào TPP và thế giới phát triển những ngành mới. Nên tạo sự khác biết mà ở chỗ những trường khác chưa có.

Về mô hình đại học, Bộ trưởng Nhạ cho rằng trong khi nhiều trường đang rất lay hoay trong mô hình tự chủ, khi Hutech đã có bước khởi đầu rõ nét thì phải tiếp tục “đi” rất vững chắc và mạnh bạo để việc quản trị trường không khác biệt gì với các trường quốc tế.

"Càng đi càng vững càng củng cố để tranh một số trường hợp bắt đầu không bền vững dẫn đến kiện cáo. Khi nội bộ trường xảy ra kiện cáo, không đồng lòng nhau thì sớm muộn những trường ấy không phát triển được. Nếu cứ suốt ngày kiện cáo thì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người học. Thực tế hiện nay chỉ cần để xảy ra một vấn đề là làm hỏng cả uy tín của một nhà trường. Xây dựng thương hiệu rất lâu có khi vài trăm năm nhưng đánh mất thương hiệu có khi chỉ vài ngày. Chỉ một cá nhân để xảy ra vấn đề thì ảnh hưởng cả tập thể một ngôi trường rất lớn. Trong thời buổi cạnh tranh này, trách nhiệm của người đứng đầu có vị trí rất quan trọng, chỉ cần tì vết một chút thì có thể làm lung lay thương hiệu của một ngôi trường phải dày công xây dựng nhiều năm. Cho nên chúng ta phải có sự khác biệt của mô hình tự chủ vững chắc", ông Nhạ nói.


Qua những điểm trao đổi với trường Hutech, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng mong muốn gửi đến các trường ĐH tư khác thông điệp này

Qua những điểm trao đổi với trường Hutech, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng mong muốn gửi đến các trường ĐH tư khác thông điệp này

Cũng theo Bộ trưởng, các trường phải gắn chuỗi giữa đào tạo và thực tế."Nhà trường đã làm được điều này tôi thấy rất hay, nó khắc phục được bệnh rất phổ biến của giáo dục ĐH chúng ta bấy lâu nay là người học ra rất ngơ ngác, quá trình đào tạo và khởi nghiệp sau này quá tách biệt, rất lãng phí", Bộ trưởng đánh giá.

Ngay từ đầu nhà trường xác định chương trình, tổ chức đào tạo gắn kết, thậm chí mô hình cũng phải có sự bổ sung. Thậm chí có doanh nghiệp lập ra trường ĐH và ĐH có khu nghiên cứu triển khai dịch vụ để tạo ra một chuỗi các giá trị. Nếu các trường cứ trông vào học phí không sẽ rất rủi ro. Có thời kỳ trường phải hạn chế quy mô để tăng chất lượng, lúc ấy không thể dựa vào học phí mà phải lấy từ nguồn khác. Theo Bộ trưởng Nhạ, “Phải nghiên cứu xem lấy cái này nuôi cái khác để tạo sự bền vững về tài chính chứ không thể chỉ dựa vào học phí là rất rủi ro. Tôi chưa thấy một ĐH nào giàu kể cả Harvard giàu vì dựa vào học phí dù học phí rất quan trọng”.

Bộ trưởng lưu ý trường nên định hướng qua từng thời kỳ phải có sự điều chỉnh. Hiện nay nhà trường đào tạo đi từ CĐ đến ĐH lên thạc sĩ, tiến sĩ, tôi thấy mô hình của trường hiện tại trước mắt là hợp lý nhưng về lâu dài sẽ có vấn đề. Hướng của trường đào tạo tiến sĩ là cần nhưng cũng phải thận trọng. Trước mắt trường nên tập trung vào phân khúc đào tạo đại học và thạc sĩ, trong đó đại học phải ra đại học. Một kỹ sư ra phải đúng là kỹ sư với kiến thức, kỹ năng, ngoại ngữ không kém gì các nước ASEAN. Chứ đạo tạo thạc sĩ mà chả giống ai thì không nên, phải dành cho trường công làm. Hiện nay các trường đang rất say sưa với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đâu đó xao lãng với đào tạo đại học. Hutech cần bám chắc việc đào tạo đại học để tạo sự khác biệt.

Vấn đề thứ hai mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi là về ngành nghề đào tạo. Ông Nhạ đề nghị nhà trường rà soát ngành nghề có tiềm năng tốt, điều chỉnh các ngành nghề phù hợp với xu thế hội nhập. Nếu nhưng ngành nghề mở ra mà không có tác động gì nhiều đến thị trường thì nên ngừng lại.

Vấn đề thứ ba là nghiên cứu khoa học, ông Nhạ cho rằng, khác với trường công, nghiên cứu khoa học ở trường tư như Hutech trước hết để nâng cao chất lượng, chương trình đào tạo. Cần kéo giảng viên, sinh viên vào nghiên cứu, nghiên cứu gắn với khởi nghiệp… Đây là xu hướng rất mới.

Thứ tư, về chất lượng giảng viên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng tỷ lệ 500/800 cán bộ, giảng viên của trường có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là con số khá ấn tượng. Tuy nhiên, một trường ĐH mạnh theo hướng thực hành không nhất thiết nhiều tiến sĩ mà quan trọng là phải có chất lượng. Trường phải có kế hoạch tăng cường bồi dưỡng lại để nâng cao tính kỹ thuật trong 500 thầy cô này. Điều này tránh tình trạng các thầy cô này cứ lúi húi làm tiến sĩ dẫn đến chạy đua bằng cấp. Tiến sĩ rất cần nhưng nếu chạy theo bao nhiêu tiến sĩ thì sẽ có rất nhiều tiến sĩ ảo và sẽ không đáp ứng nhu cầu của ta hiện nay là đào tạo có chất lượng.

Vấn đề thứ năm Bộ trưởng Nhạ lưu ý là quản trị đại học. Trường đã có mô hình HĐQT, ban giám hiệu và các phòng ban theo tôi tốt rồi nhưng phải từng bước chuyên nghiệp hóa. Bởi quản trị ĐH lớn mà trường đang hướng tới phải theo chuẩn quốc tế. Nếu có kiến thức quản trị ĐH hiện đại, trường có thể chia sẻ với thầy cô giáo và sinh viên… chứ nếu không sẽ xảy ra xung đột.

“Trong quản trị, kinh nghiệm cho thấy nên học mô hình các trường ĐH tư ở một số nước, chứ nếu tự kinh nghiệm của ta dù tốt rồi nhưng đến một mức nào đó sẽ bị vướng. Trường nên có hội đồng cố vấn từ xa để cố vấn cho trường có định hướng tốt hơn”, Bộ trưởng lưu ý.

Lê Phương