Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Rộng cửa cho thí sinh lựa chọn cơ hội vào đại học

(Dân trí) - Trong buổi giao lưu trực tuyến sáng ngày 14/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho các cháu các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước.

 

 

Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận XEM TẠI ĐÂY

Sáng nay 14/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời trực tuyến với độc giả của báo điện tử Dân trí về nội dung “Đổi mới giáo dục và xét tuyển đại học, cao đẳng 2015”.

Cùng tham gia giải đáp những thắc mắc của quý phụ huynh, học sinh còn có ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Rộng cửa cho thí sinh lựa chọn cơ hội vào đại học - 1

Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn tặng hoa Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong buổi giao lưu sáng ngày 14/8 tại tòa soạn báo điện tử Dân trí.

 

Thưa bộ trưởng, đợt thi tốt nghiệp THPT được đánh giá là gọn nhẹ và thành công. Tuy nhiên việc xét tuyển CĐ- ĐH lại quá nhiều rắc rối, mất nhiều thời gian, ngày nào tôi cũng cùng con phải canh điểm mà vẫn cứ lo đến mất ăn mất ngủ, trong khi con tôi điểm tương đối cao (23đ) vẫn có nguy cơ trượt ĐH mặc dù chỉ dám chọn trường ở tốp giữa. Trong khi năm ngoái các trường này chỉ cần 19-20đ. Bộ trưởng nghĩ sao về việc này? Cảm ơn Bộ trưởng. (Nguyễn Nguyễn - Nam - 50 tuổi)

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Mức điểm trúng tuyển hàng năm vào các trường có thay đổi phụ thuộc vào kết quả thi của các cháu đăng ký vào trường. Năm nay, việc cung cấp thông tin xét tuyển của các trường công khai, cập nhật liên tục để học sinh, phụ huynh có thông tin và phán đoán được khả năng trúng tuyển để giữ nguyên hoặc thay đổi nguyện vọng đăng ký.

Việc này, phụ huynh và học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn và do vậy vất vả hơn năm trước. Nếu thí sinh không muốn vất vả thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển như năm trước là nộp thẳng hồ sơ xét tuyển vào trường, không theo dõi thông tin nữa và chờ trường thông báo kết quả. Bộ Giáo dục muốn các cháu chủ động cập nhật thông tin và cân nhắc lựa chọn để có quyết định phù hợp cho bản thân mình.

Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, Bộ tạo mọi điều kiện tối đa cho các cháu, đồng thời để rộng cửa cho các cháu có quyền quyết định  sử dụng cơ hội đó hay không.

Đợt 1 này các trường có tuyển đủ chỉ tiêu hay chỉ tuyển 70% như dự kiến để chúng tôi còn theo dõi thứ tự điểm của con mình để quyết định rút hồ sơ hay không? (Nguyễn Thị Bích Thuỷ - Nữ - 47 tuổi)

Không có quy định nào bắt buộc đợt xét tuyển đầu tiên các trường chỉ được tuyển 70% chỉ tiêu. Tùy thuộc vào tình hình đăng ký xét tuyển vào các ngành/nhóm ngành của trường để Hội đồng tuyển sinh của trường quyết định điểm trúng tuyển vừa đáp ứng chỉ tiêu đào tạo vừa đảm bảo chất lượng đầu vào. Nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu thì các trường có thể tuyển bổ sung ở đợt tiếp theo.

Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận XEM TẠI ĐÂY

 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Rộng cửa cho thí sinh lựa chọn cơ hội vào đại học - 2
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong buổi giao lưu sáng nay với độc giả báo Dân trí. (Ảnh: Mai Châm)

Xin hỏi cháu tôi nộp hồ sơ qua Bưu điện nếu đến ngày 20/8 mà trường vẫn chưa nhận được hồ sơ thì sẽ làm thế nào ? (Bùi Thị Đào - Nữ - 18 tuổi)

Nếu nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện thì trường ĐH, CĐ sẽ căn cứ dấu xác nhận trên bưu phẩm để tính mốc thời gian cháu nộp hồ sơ. Ngành bưu chính cố gắng trong vòng hai ngày có thể chuyển bưu phẩm các địa phương trong cả nước đến các trường ĐH, CĐ. Trong trường hợp đã nêu, trước hết cần liên hệ với bưu điện để xác nhận kết quả chuyển phát.

Nếu bưu phẩm đã được gửi đến trường thì bạn liên hệ trực tiếp với nhà trường. Trong trường hợp bị thất lạc thì cháu liên hệ với bưu điện và với trường hoặc nếu cần thiết liên hệ trực tiếp với Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để có biện pháp hỗ trợ cháu đảm bảo quyền lợi.

Bộ GD đã nói muộn nhất là 15 có kết quả phúc tra, nhưng khi cháu đến trường cấp 3 của mình thì họ lại nói sớm nhất 17 mới có. Vậy thì làm thế nào để cháu có kết quả sớm nhất khi chỉ còn 3 ngày để đăng kí? Mong bác sẽ trả lời cháu về vấn đề này. (Thu Trang Ta - Nữ - 18 tuổi)

Theo quy chế, chậm nhất là ngày 15/8/2015 các Hội đồng thi phải trả kết quả phúc khảo cho thí sinh. Nếu cháu bị chậm ảnh hưởng đến việc đăng ký xét tuyển thì cháu có thể liên với trường ĐH, CĐ hoặc có thể liên hệ trực tiếp với Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục để có biện pháp hỗ trợ. Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo và đôn đốc các Hội đồng thi triển khai chấm phúc khảo đúng thời gian quy định để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Rộng cửa cho thí sinh lựa chọn cơ hội vào đại học - 3

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến tại tòa soạn báo Dân trí.

 

Thưa Bộ trưởng, tôi năm nay có con xét tuyển vào đại học nhưng với cách đổi mới năm nay tôi thấy rất lo lắng, bởi liên tục phải theo dõi thông tin từ phía các trường xem tình hình nộp hồ sơ thế nào, rất mệt mỏi. Bộ trưởng có cách nào khắc phục tình trạng này? (Nguyễn Thị Tuyết - Nữ 50 tuổi)

Chào chị Tuyết! Về câu hỏi của chị tôi trả lời như sau: Cách tuyển sinh của năm nay khác với cách tuyến sinh của các năm trước. Những năm trước tuyển sinh, học sinh đăng ký nguyện vọng vào trường trước kỳ thi, khi chưa có thông tin về kết quả thi của mình cũng như tương quan của các học sinh khác nên việc đăng ký với tỷ lệ may rủi rất lớn.

Năm nay, học sinh đăng ký nguyện vọng sau khi biết điểm và Bộ đã công bố các số liệu điểm của các khối thi cùng với chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Như vậy, các cháu có đầy đủ thông tin để cân nhắc lựa chọn, thay đổi nguyện vọng để vào được trường mình có khả năng đỗ.

Đây là một sự thay đổi lớn theo hướng tạo điều kiện cho các cháu chủ động tự cân nhắc quyết định trường mình lựa chọn. Việc làm này, thí sinh phải tự tìm hiểu và cập nhật thông tin từ các trường nên vất vả hơn nhưng ít rủi ro, cơ hội trúng tuyển cao hơn. Tránh trường hợp điểm cao mà trượt đại học.

Qua việc này cũng giúp các cháu nâng cao tính chủ động và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, làm cho các cháu trưởng thành hơn.

Để hỗ trợ học sinh trong cách xét tuyển, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các trường tổ chức nhiều buổi tư vấn tuyển sinh để các học sinh và phụ huynh nắm rõ hơn quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, các nhà trường cũng có nhiều buổi tư vấn cho học sinh đăng ký vào trường.

Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận XEM TẠI ĐÂY

Thưa Bộ trưởng, nhìn vào cách tuyển sinh năm nay, cá nhân cháu cảm thấy còn tồn tại nhiều bất cập. Việc học sinh nộp hồ sơ sau khi biết điểm, lo lắng, túc trực từng ngày để theo dõi thứ tự của mình, cuộc đua nộp-rút hồ sơ như vậy theo cháu là đang gây ra 1 cuộc cạnh tranh mang tính ăn thua, giống như chứng khoán. Việc tuyển sinh như vậy dường như đang làm học sinh bị quay cuồng trong vấn đề chọn trường, dẫn đến tình trạng không đỗ trường này thì ta chuyển sang trường khác. Rất mong năm sau Bộ giáo dục cho học sinh đăng ký trường NV1 trước khi thi giống như cách tuyển sinh cũ vì như vậy sẽ tuyển được người có đam mê ngay từ ban đầu. Mong bộ trưởng xem xét. (Phạm Tiến Thành - Nam - 17 tuổi)

Trước hết chia sẻ với cháu về những băn khoăn cháu đã nêu và cảm ơn cháu có đề xuất cho mùa tuyển sinh sang năm.

Công tác tuyển sinh năm nay nhằm tạo cơ hội và cung cấp cho các cháu các kênh thông tin để có thêm căn cứ lựa chọn đăng ký xét tuyển nhằm giảm thiểu tình trạng người có điểm cao vẫn trượt đại học nhưng người có điểm thấp lại đỗ như những năm trước đây.

Các cháu có thể không sử dụng các cơ hội hỗ trợ nói trên, chỉ đăng ký xét tuyển vào 1 trường và chờ công bố kết quả như những năm trước, tùy vào quyền lựa chọn của thí sinh.

Bộ khuyến khích thí sinh cân nhắc thông tin, tận dụng cơ hội để có quyết định phù hợp với nguyện vọng, đam mê của mình. Để tận dụng lợi thế đó, các cháu sẽ phải vất vả hơn.

Tôi ủng hộ Bộ GD&DT trong việc gộp hai kì thi. Nhưng việc xét tuyển thì quá dở. Nếu bộ áp dụng Công nghệ thông tin vào thì việc xét tuyển cực kỳ đơn giản và nhanh gọn ..Thí sinh biết được kết quả ngay sau khi bộ vào hồ sơ và công bố điểm. Lập trình không khó, Bộ có nghĩ tới để áp dụng? (Nguyễn đức Hạnh - Nam - 53 tuổi)

Việc ứng dụng CNTT- Truyền thông (ICT) trong giáo dục và đào tạo là xu hướng tất yếu và thực tế ngày càng được đẩy mạnh trong thực tiễn giáo dục và đào tạo của Việt Nam. ICT cũng đã ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các kì thi kiểm tra, đặc biệt là trong kì thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, để áp dụng ICT thành công với hiệu quả cao ngoài yếu tố con người thì kết cấu hạ tầng ICT rất quan trọng, có lúc đóng vai trò quyết định. Thực tế hiện nay, kết cấu hạ tầng ICT của các trường ĐH, CĐ Việt Nam là rất không đồng đều, chưa đáp ứng được nhu cầu của tất cả các thí sinh, phụ huynh trong cả nước. Đặc biệt, nếu các tác vụ này diễn ra trong cùng một thời điểm. Hơn nữa, do điều kiện kinh tế xã hội ở các vùng miền khác nhau nên điều kiện tiếp cận với ICT còn hạn chế nên Bộ chưa thể triển khai đồng loạt trên toàn hệ thống.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường ĐH, CĐ có đủ điều kiện thì triển khai hình thức đăng ký trực tuyến qua mạng. Hiện nay có nhiều trường sử dụng hình thức này.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, việc ứng dụng ICT trong tuyển sinh sẽ ngày một sâu rộng hơn hướng tới có thể tin học hóa hầu hết các khâu trong quá trình tuyển sinh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Rộng cửa cho thí sinh lựa chọn cơ hội vào đại học - 5

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT, cùng tham gia trả lời thắc mắc của độc giả.

 

Tại sao không để kỳ thi tốt nghiệp THPT như một kỳ kiểm tra, các trường tự đánh giá công nhận tốt nghiệp cho học sinh của mình. Còn kỳ thi đại học thì giữ nguyên như cũ thì chắc là chất lượng và đỡ vất vả tốn kém cho nhân dân hơn không? (Thái Văn Bình - Nam - 51 tuổi)

Trong luật GD quy định phải tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nhưng cách thức và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa được xã hội tin cậy cao. Đối với tuyển sinh đại học, Luật GD Đại học quy định do các trường đại học tự chủ.

Thực tế hiện nay, bên cạnh các trường đại học truyền thống có đủ điều kiện tự tổ chức kỳ thi tuyển sinh của mình, rất nhiều trường đại học khác chưa có đủ điều kiện tự tổ chức tuyển sinh.

Do vậy, phải tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để thực hiện 2 mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và phát huy những kết quả tốt đẹp của 2 kỳ thi trước.

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hướng tới mô hình thi của các nước phát triển: Việc thi do các Trung tâm khảo thí độc lập tổ chức, các trường đại học có thể sử dụng kết quả này trong xét tuyển.

Thưa bộ trưởng: Chính sách cộng điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực đã được thực hiện trong mấy năm nay, qua các kỳ thi đại học trước dư luận xã hội đồng tình, không có gì bức xúc. Nhưng trong kỳ thi THPT quốc gia, mấy ngày gần đây dư luận xã hội rất bức xúc. Vậy thưa bộ trưởng phải chăng cách cộng điểm ưu tiên quá nhiều như hiện nay chỉ phù hợp với kỳ thi đại học mà không còn phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia. Xin bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này và giải pháp cho những kỳ thi sắp tới? (VÕ VĂN CHƯƠNG - Nam - 55 tuổi)

Việc cộng điểm ưu tiên, đối tượng và khu vực  trong tuyển sinh ĐH,CĐ hiện nay là cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các đối tượng ưu đãi xã hội và các vùng khó khăn.

Về mức điểm ưu tiên hiện nay, chúng tôi tiếp nhận các ý kiến góp ý và sẽ xem xét tổng hợp để hoàn thiện chính sách ngày càng phù hợp hơn.

Kì thi THPT quốc gia được đánh giá là thành công bước đầu nhưng vẫn còn đó nhiều băn khoăn. Nếu năm tới nhiều trường tổ chức tuyển sinh riêng và không còn sử dụng kết quả kì thi THPT quốc gia để xét tuyển thì lúc đó mục đích của kì thi này theo tinh thần Nghị quyết là không còn. Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này? (Trần Thu Hiền - Nữ - 48 tuổi)

Theo Luật Giáo dục ĐH, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH,CĐ. Bộ GD-ĐT khuyến khích, hỗ trợ các trường triển khai phương thức tuyển sinh riêng.

Hiện nay, do điều kiện thực tế của các trường ĐH Việt Nam, bên cạnh một số trường đã thành lập lâu năm truyền thống có đủ điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng, nhưng bên cạnh đó không ít trường chưa đủ điều kiện, chưa đủ khả năng để tổ chức kỳ thi.

Kinh nghiệm tuyển sinh của các nước phát triển, việc thi tuyển sinh được tổ chức ở các Trung tâm Khảo thí độc lập, các trường ĐH dùng kết quả thi này để xét tuyển. Phương thức tuyển sinh Bộ áp dụng hiện nay đang đi theo hướng đó. Đây cũng là tinh thần của Nghị quyết 29.

Không biết Bộ giáo dục có thống nhất mẫu biểu để công khai danh sách thí sinh đăng ký NV1 hay không? Các trường Đại học mỗi trường lập một kiểu (Biểu mẫu khác nhau). Các trường Đại hoc tốp cuối lập danh sách không cụ thể: Như không thống kê được đầy đủ 4 nguyện vọng của thí sinh và thứ tự của các nguyện vọng đó làm cho chúng tôi, các thí xem không hiểu gì hết? (Ngo Truong Chinh - Nam - 52 tuổi)

Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH, CĐ ít nhất 3 ngày một lần công bố thông tin đăng ký xét tuyển, trong đó cần đưa ra các thông tin căn bản như thông tin về mức điểm, điểm ưu tiên, tổ hợp đăng ký của thí sinh vào ngành đào tạo…

Theo tinh thần tự chủ tuyển sinh và điều kiện cụ thể cũng như đặc thù của mình, các trường sẽ lựa chọn phương thức tốt nhất trong việc hỗ trợ thí sinh. Việc làm này cũng sẽ thể hiện được sự trách nhiệm của nhà trường đối với những sinh viên tương lai của mình.

* Trong hơn 2 giờ đồng hồ của buổi giao lưu, rất nhiều bạn đọc đã gửi những băn khoăn, thắc mắc về chương trình. Tuy nhiên, do có nhiều câu hỏi trùng lặp về nội dung, Bộ trưởng đã trả lời vào những vấn đề được nhiều sự quan tâm nhất, mong bạn đọc cùng đọc và chia sẻ. Thời gian có hạn, một số câu hỏi chưa được giải đáp sẽ được báo Dân trí tổng hợp gửi đến Bộ trưởng phản hồi trong thời gian sớm nhất.

Thông qua báo Dân trí, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận gửi lời cảm ơn tới bạn đọc đã quan tâm đến giáo dục đào tạo, Bộ trưởng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm và chia sẻ để cùng chung tay góp sức cho nền giáo dục nước nhà.

.Chi tiết buổi giao lưu trực tuyến với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận XEM TẠI ĐÂY

 

Báo Điện tử Dân trí