Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Không lo sách viết ra Bộ GD-ĐT không dùng

(Dân trí)-“Chúng tôi thành tâm và mong muốn có nhiều bộ sách nên không phải lo viết sách ra rồi Bộ GD-ĐT không dùng mà chỉ lo là có ai đứng ra viết sách không, viết có bảo đảm chất lượng không”-Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói về đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông.

Đề án do Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thay mặt Chính phủ trình ra Quốc hội được bố trí thời gian thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vào chiều nay, 11/11.

Phát biểu tại tổ thảo luận của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời cụ thể nhiều câu hỏi đặt ra với đề án này.

Trước hết, về sách giáo khoa (SGK), với câu hỏi sẽ có bao nhiêu bộ sách, ông Luận cho biết, không thể khẳng định số lượng cụ thể. Tuy nhiên, Bộ tính toán dựa trên thực tiễn số lượng người có thể giam gia viết được sách, theo đó, phương án lạc quan nhất là có thể có được 4 bộ sách. Kinh phí thẩm định SGK nêu trong đề án là dự trù cho việc làm 4 bộ sách này.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi thêm với đại biểu Phùng Khắc Đăng cùng tổ thảo luận về đề án.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi thêm với đại biểu Phùng Khắc Đăng cùng tổ thảo luận về đề án.

“Qua 3- 4 lần viết SGK trước đây cho thấy lực lượng tham gia vào viết SGK không nhiều. Trong số những người có khả năng, kinh nghiệm viết SGK thì không phải ai cũng sẵn sàng tham gia vì nhiều lý do khác nhau như hạn chế về điều kiện công tác, vì đã làm sách là phải bỏ thời gian tập trung rất lớn. Chính sách đãi ngộ với người viết SGK cũng rất thấp, thấp lắm nên không khuyến khích được về mặt vật chất” - ông Luận chia sẻ.

Bộ trưởng GD-ĐT khẳng định lần viết sách này sẽ tiến hành theo phương pháp mới, hướng tiếp cận mới, thay đổi hoàn toàn cách thầy truyền đạt kiến thức, trò tiếp nhận kiến thức học thuộc để “trả bài thi” - lối truyền thụ kiến thức môt chiều vừa qua.

Cách viết mới, theo ông Luận, sẽ chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Bộ GD-ĐT cũng đã đang triển khai tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục cũng như năng lực có thể tham gia làm sách để làm quen, tiếp cận với những bộ sách mà thế giới đã làm để phát triển năng lực, để hình dung ra cách làm.

Chúng tôi thành tâm và mong muốn có nhiều bộ sách nên không phải lo viết sách ra rồi Bộ GD-ĐT không dùng mà chỉ lo là có ai đứng ra viết sách không, viết có bảo đảm chất lượng không” - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khảng khái.

Nói về vai trò của Bộ GD-ĐT trong việc viết sách lần này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phân tích thêm, trước nay Bộ chưa bao giờ trực tiếp viết SGK mà chỉ tổ chức việc viết sách, tập hợp nhân lực, và giao cho nhà xuất bản để triển khai. Lần này, Bộ đưa ra 2 phương án.

Trước hết, Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ sách. “Nói thực vừa rồi có nhiều người nói rất lớn tiếng nhưng mấy lần viết sách vừa rồi đều không dùng được. Với tinh thần trách nhiệm và chủ động, chúng tôi  phải chủ động viết bộ sách đó để viết được sách bồi dưỡng cho giáo viên” - Bộ trưởng Luận giải thích.

Phương án 2 Bộ GD-ĐT đưa ra là xã hộ hóa toàn bộ việc viết sách.

Bộ trưởng GD-ĐT thông tin thêm: “Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng nói rằng việc đổi mới là dứt khoát nhưng nếu buông hết mà không lo, nếu kết quả tốt thì không sao, nhưng nếu Bộ không triển khai, không chủ động được thì sẽ có lỗi với nhân dân”. Tiếp thu các ý kiến góp ý, đề án được chỉnh sửa với tinh thần Bộ GD-ĐT vẫn phải chủ trì việc viết sách.

Về câu hỏi Bộ GD-ĐT biên tập sách, thẩm định rồi lại thẩm định sách của các đơn vị khác biên soạn nghĩa là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, Bộ sẽ giành hết các chỗ, không còn không gian cho các nhóm tác giả viết sách nữa, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận quả quyết, hiện tại phương án được  tính toán là một chương trình nhiều SGK, làm nghiêm túc, cẩn thận. Bộ GD-ĐT có biên soạn một bộ sách hay không biên soạn cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến các bộ sách khác nó tồn tại và xuất hiện.

Còn việc định sách không phải do Bộ GD-ĐT tiến hành mà do Hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia… do nhiều tổ chức, đơn vị giới thiệu. Đây là hội đồng thẩm định độc lập, không phụ thuộc vào Bộ GD-ĐT.

“Chúng tôi dựa trên kết quả thẩm định và các văn bản khác để quyết định chứ không có chuyện vừa thổi còi, vừa đá bóng. Các bộ SGK khác đều được thẩm định khách quan như thế và bộ sách nào được công nhận đạt tiêu chuẩn, được lưu hành thì chúng tôi sẽ ra văn bản công nhận việc lưu hành hợp pháp. Còn việc chọn bộ sách nào là phụ thuộc vào vùng, miền và các địa phương” - ông Luận giải thích.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý việc phải có quy chế để lựa chọn, tránh tình trạng nhà in sách tác động vào nhà trường để lựa chọn bộ sách này, bộ sách kia nhằm hưởng phần trăm, hoa hồng.

P.Thảo 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm