Một bộ sách giáo khoa chuẩn: Sẽ dẫn đến phân biệt “con đẻ con nuôi”?

(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên chủ trì viết sách giáo khoa? Cơ chế xã hội hóa sách giáo khoa thế nào để đảm bảo công bằng?

Đó là câu hỏi đặt ra của nhiều chuyên gia giáo dục tại diễn đàn "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông: thời cơ, thách thức và những giải pháp thực tiễn” ngày 6/11, tại Hà Nội.
 
“Vừa đá bóng vừa thổi còi”
Diễn đàn "Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông: thời cơ, thách thức và những giải pháp thực tiễn” ngày 6/11, tại Hà Nội.

“Vừa đá bóng vừa thổi còi”

Theo Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) đang trình Quốc hội xem xét, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì viết một bộ SGK. Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách với chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK. Bộ GD-ĐT cho rằng, việc Bộ biên soạn SGK nhằm đảm bảo tính chủ động khi triển khai chương trình mới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tại diễn đàn chưa đồng tình với quan điểm này và cho rằng như vậy sẽ khó tạo ra sự cạnh tranh, khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách khi Bộ GD-ĐT cũng có SGK.

Ông Nguyễn Khắc Phi, nguyên Phó giám đốc, kiêm Tổng biên tập nhà xuất bản Giáo dục cho biết: “Tôi không tán thành với chủ trương: Bộ chủ trì biên soạn một bộ SGK chuẩn. Chương trình là pháp lệnh, SGK không thể là “pháp lệnh” và có lẽ trên thế giới chưa có bộ SGK nào được coi là SGK chuẩn, giỏi nhất cũng chỉ có thể nói là “tiếp cận chuẩn” và cái là “chuẩn” này cũng chỉ là “chuẩn giả định”.

Ông Phi cho rằng: “Nếu Bộ trực tiếp đứng làm, ở khâu thẩm định, dù có tuyên bố hùng hồn mấy về tính khách quan, có quy chế ràng buộc mấy, vẫn rất dễ sa vào khuynh hướng không lành mạnh, không công bằng, giống như tình trạng “phân biệt con đẻ con nuôi” “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Dễ kéo theo những hiện tượng không lành mạnh khác trong tất cả các khâu khác như đấu thầu in sách, quyền phát hành sách, thiên hướng lựa chọn SGK để sử dụng, hướng đưa SGK vào thư viện trường học. Theo đó làm nhụt tinh thần hăng hái của các nhà khoa học, các giáo viên, đơn vị đang trông chờ cơ hội mới cho họ đóng góp tâm sức cho giáo dục. Đó là lý do chính “thủ tiêu” chủ trương mới: một chương trình, nhiều bộ SGK.”.

Ông Phi nhấn mạnh, nhân lực của Bộ GD-ĐT không đảm bảo, một số sách do Bộ thực hiện vẫn có sai sót. Nói như vậy không phải là tôi không chia sẻ lo lắng của lãnh đạo Bộ làm sao để có bộ sách chuẩn kịp thời. Một chủ trương sẽ có nhiều cách làm. Dù thế nào Bộ cũng không được thiên vị đặc biệt trong khâu thẩm định và đấu thầu.

Đồng quan điểm, GS Phạm Ngọc Phú, Chủ tịch Hội Tâm lý Việt Nam băn khoăn, lo lắng cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ diễn ra không ngừng với tốc độ chóng mặt, nếu chỉ có một bộ SGK được coi là chuẩn thì bản thân cuốn SGK này sẽ không thể tồn tại được lâu, vậy thì bao lâu sẽ phải thay đổi SGK và ai sẽ làm việc này? ai sẽ là người chi tiền để viết lại? Ai sẽ là người thẩm định. Nếu ta quy định và thừa nhận sự tồn tại hợp pháp duy nhất của bộ SGK chuẩn là chính ta tự làm khó cho mình. Một khoản kinh phí khổng lồ cho việc Bộ GD-ĐT đứng ra tổ chức viết sách lần này như ta được biết và còn lần khác tiếp sau đó, rõ ràng là một gánh quá nặng cho đất nước.

“Không nên chấp nhận chỉ có một bộ SGK chuẩn hoặc được coi là chuẩn để dùng thống nhất dạy cho học sinh các lớp ở tất cả các trường trong cả nước. Bộ GD-ĐT không thể là người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn, SGK vì đây không phải là chức trách của Bộ GD-ĐT. Để có những bộ SGk phù hợp, có chất lượng, cần huy động chính đội ngũ các nhà giáo có kinh nghiệm từ trường phổ thông, đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước nhà nước” - GS Phú nhấn mạnh.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Kiến thức của nhân loại là vô tận và ngày càng tăng thêm theo động thái bùng nổ. Việc trang bị kiến thức là không thể thiếu nhưng chưa phải là nhiệm vụ, là mục tiêu cuối cùng để hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Từ kiến thức khoa học phải qua quá trình gia công sư phạm mới có được kiến thức dạy học thể hiện trong chương trình, SGK. Vì vậy, tác giả chương trình, tác giả SGK phải là người “2 trong 1”, vừa là nhà khoa học vừa là nhà sư phạm. Hơn nữa, trước yêu cầu giáo dục học sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, phát triển tư duy phản biện, tư duy độc lập, năng lực giải quyết vấn đề cuộc sống thì nhà khoa học lại cần am hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau có liên quan, nhà sư phạm vừa giỏi về tâm lý học, giáo dục học và phương pháp giảng dạy bộ môn… Những người như vậy ở nước ta hiện nay không nhiều, có thể nói là rất hiếm”.

Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: “Mặt trái của cơ chế thị trường có thể làm cho những cuốn SGK tốt không có chỗ đứng trong các nhà trường, ngược lại, người ta lại sử dụng những cuốn sách mà chính bản thân họ cũng không đánh giá cao. Để khắc phục hạn chế này không thể bỏ qua các biện pháp về quản lý và giáo dục”.

Phó Giáo sư Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng phải có một hội đồng thẩm định SGK độc lập với ban soạn thảo sách của Bộ để đảm bảo công bằng.

Làm rõ chương trình hãy nói đến việc biên soạn SGK

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, ngay lúc này không nên đặt ngang hàng việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK, vì viết lại SGK ngay và lại đòi hỏi viết mẫu, viết chuẩn sẽ có thể gây rối cho các trường, cho toàn ngành giáo dục và lại tốn…

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng:Trước hết cần có quan điểm nhất quán là phải có một chương trình chuẩn, vừa cập nhật kiến thức thời đại, vừa mang tính kế thừa và phải có thẩm định quốc gia đối với chương trình này. Khi chưa có thẩm định quốc gia đối với chương trình chuẩn mà trình ra Quốc hội phê duyệt SGK là bắt Quốc hội đồng hành với sự vô trách nhiệm”.

Đồng quan điểm, GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng: “Cần tập trung trí tuệ, tập hợp lực lượng để xây dựng được chương trình thật tốt cho tất cả các bậc phổ thông từ thấp đến cao, chương trình mỗi môn học, đáp ứng mục tiêu “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Khi xây dựng chương trình, cần lưu ý sự khác nhau về năng lực học sinh, điều kiện kinh tế xã hội các vùng miền, sự đầu tư của gia đình…

Về SGK mới, GS.TS Phạm Thị Trân Châu cho hay, có chương trình mới thì SGK cũng cần có những thay đổi. Nhưng trước khi thay đổi, thiết tưởng cần tổ chức rà soát lại toàn bộ chương trình, SGK, đánh giá đầy đủ ưu, nhược điểm, xem cụ thể phần nào có thể kế thừa, phần nào cần thay đổi để khắc phục những điểm yếu của bộ sách đang dùng. Không nên cứ đổi mới liên tục mà không chú ý đến kế thừa, việc này tuy có người nói là mất công, nhưng nên làm thì việc đổi mới sẽ có hiệu quả hơn.

GS.TS Phạm Ngọc Phú nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất hiện nay là căn cứ vào đòi hỏi, yêu cầu cao của đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết của Đảng đã nêu ra, Bộ nên tập trung công sức huy động các nhà khoa học làm rõ chương trình cho các lớp, các đối tượng. Một khi chưa rõ làm chương trình thì đừng nói đến chuyện tổ chức biên soạn xuất bản SGK. Bên cạnh đó, chấp nhận sự tồn tại của nhiều bộ GSK cùng đáp ứng một chương trình sẽ là động lực kích thích sự năng động sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, ý thức trách nhiệm và sứ mệnh cao cả của người thầy để hướng dẫn học trò lựa chọn cuốn sách nào tốt để học.

Hồng Hạnh
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm