Bố mẹ hoảng khi con gái dậy thì sớm

(Dân trí) - Dù đã dậy thì nhưng cô con gái 9 tuổi của chị Trân còn rất hồn nhiên, qua nhà hàng xóm vẫn ôm vai bá cổ, sà vào lòng các anh, các chú hàng xóm như hồi bé làm người mẹ lo đủ thứ.

Con phổng phao, mẹ lo lắng

Cháu Tiên, con chị Bảo Trân, nhà ở Đa Kao, quận 1, TPHCM vừa bước vào lớp 4. Lâu nay mỗi lần đưa con đi khám sức khỏe, chị vui mừng khôn tả khi cháu có sự phát triển vượt bậc về thể chất. Nửa năm nay, khi cháu vào tuổi dậy thì đã kéo theo nhiều vấn đề mà chị lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

Điều chị lo lắng nhất là con gái chị từ bé rất dễ thương, thân thiện, ai cũng theo và ai cũng bế được. Đến giờ, dù đã dậy thì nhưng cháu vẫn rất hồn nhiên, qua nhà hàng xóm vẫn ôm vai bá cổ các anh các chú, thậm chí để các chũ cõng nhong nhong như hồi bé. Mỗi lần thấy vậy chị hoảng lắm, phải lấy cớ gì đó để gọi cháu về.

Trẻ nhỏ ngày càng sớm phổng phao so với tuổi thật (Ảnh minh họa)
Trẻ nhỏ ngày càng sớm phổng phao so với tuổi thật (Ảnh minh họa)

“Tôi không biết phải nói với con thế nào để con hiểu phải giữ khoảng cách với các chú hàng xóm. Làm quá lên thì sợ cháu nghĩ theo chiều hướng xấu, nhìn không hay về mọi người và sẽ thu mình lại, mất đi sự hồn nhiên nhưng để vậy thì lo quá”, người mẹ bộc bạch.

Con lớn, bố mẹ lo là hoàn cảnh của rất nhiều phụ huynh ngày nay gặp phải, nhất là khi các bé gái sớm thành thiếu nữ. Nhiều học trò mới lớp 3, lớp 4 nhưng đã rất phổng phao, cao lớn. Trong khi cách sinh hoạt, ứng xử, giao tiếp của các cháu vẫn còn rất hồn nhiên, ngây thơ làm bố mẹ lo sợ con trở thành “miếng mồi” cho kẻ xấu.

Chị Trần Minh Oanh, mẹ của cô con gái 11 tuổi ngụ ở quận 10, TPHCM kể con gái dậy thì có đủ thứ thay đổi mà bố mẹ “chạy” theo không kịp. Cháu thích ăn diện, trau chuốt hơn chị đành chiều theo con nhưng lo nhất là khoản con yêu đương sớm rồi bị dụ dỗ này nọ. Chị thường xuyên “đe” con phải lo mà gìn giữ chứ bây giờ “yêu râu xanh” đầy rẫy Chị hay nhắc đến các vụ việc các bé gái bị hãm hại để cháu biết đề phòng.

Hơn một năm làm đủ cách để con cách giác, chị bắt đầu nhận ra cháu có xu hướng đề phòng với tất cả mọi người. Cháu không còn nhanh nhẹn, hoạt ngôn như trước, nhìn ai, nhìn điều gì cháu cũng cho là… xấu. Ngay cả người chú ruột hồi trước chấu rất quấn, giờ đến nhà vỗ vai khen, cháu cũng hất mạnh tay rồi nhìn với ánh mắt dè chừng.

Giữ con đúng cách

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Quốc gia Phòng Chống Bạo hành trẻ em (NSPCC) độ tuổi trung bình của trẻ em bị xâm hại tình dục là 9 tuổi. Cứ 4 bé gái thì có 1 bé bị xâm hại tình dục, 6 bé trai thì có 1 bé bị xâm hại tình dục. Đáng lưu ý 93% nạn nhân quen kẻ xâm hại mình, trong đó có 47% kẻ xâm hại đến từ họ hàng, gia đình.

Đó có thể xem là hậu quả của việc phụ huynh chưa chú ý đến việc giáo dục trẻ bảo vệ bản thân, nhất là với những đối tượng quen biết. Ngay từ bé chúng ta thường chỉ dạy trẻ đề phòng người lạ mà “bỏ quên” đối tượng quen biết - là thủ phạm của phần lớn các vụ xâm hại tình dục trẻ nhỏ.

Trước thực tế này, phụ huynh đã lường được những mối nguy hiểm với con. Tuy nhiên, họ rất lúng túng trong việc chỉ dẫn con “cảnh giác” người quen vì đó có thể là cô chú, dì cậu vốn rất thân thiết với các cháu lúc bé.

Ăn mặc kín đáo, phù hợp với độ tuổi cũng là cách để trẻ bảo vệ bản thân
Ăn mặc kín đáo, phù hợp với độ tuổi cũng là cách để trẻ bảo vệ bản thân

Dạy con biết đề phòng người xấu, nhiều phụ huynh thường sử dụng biện pháp hù dọa con trẻ hòng làm các cháu sợ sẽ không dám yêu đương hay tiếp xúc với mọi người để được an toàn. Điều này, theo các chuyên gia tâm lý hết sức nguy hại có thể dẫn đến việc con trẻ có cách nhìn lệch lạc về giới tính, con người, cuộc sống và niềm tin.

Bác sĩ Nguyễn Lan Hải bộc bạch con nhỏ dậy thì sớm, phổng phao kéo theo rất nhiều khó khăn cho phụ huynh và nhà trường. Thay vì dạy con bằng những lời giáo huấn, hù dọa phụ huynh hãy giúp con biết vệ và trân quý bản thân bằng những hành động cụ thể bằng việc ăn mặc trẻ trung kín đáo vào trong giao tiếp hàng ngày.

Bố mẹ cần hướng dẫn các em biết nhận diện hoàn cảnh, môi trường nào thì không đảm bảo an toàn cho mình. Và điều quan trọng nhất là phải giúp các em ý thức được giá trị bản thân ngay từ nhỏ, giá trị của từng bộ phận trên thân thể. Những bộ phận nào, những ai là người được tiếp xúc, đụng chạm ở mức độ như thế nào với mình và những bộ phận nào, những đối tượng nào là tuyệt đối không được.

“Việc giúp trẻ ý thức được giá trị bản thân có sức mạnh bảo vệ đứa trẻ hơn cả luật hay mọi lời giáo huấn từ người lớn” - bà Hải nhấn mạnh.

Chuyên gia trẻ em này cũng bày tỏ lo ngại việc nhiều bé còn rất ít tuổi nhưng được bố mẹ chưng diện quá mức như đeo nữ trang, vẽ chân mày, ăn mặc “hồn nhiên” như váy quá ngắn hay ăn diện làm mình già đi... Họ đã vô tình biến con mình thành gợi ý cho những hành vi xấu.

Nhiều vụ việc xâm hại xảy ra với trẻ em với các bé 11, 12 tuổi do thủ phạm nhìn mặt đoán tuổi, tưởng bở các bé đã lớn. Cũng có nhiều trường hợp bé 12, 13 tuổi nhưng “lừa” bạn trai là mình… đã 18 để hẹn hò đi nhà nghỉ.

Theo bác sĩ Đồ Hồng Ngọc, việc dạy con giữ gìn, ý tứ, nhận thức về giới tính phải bắt đầu từ khi con rất nhỏ. Những khi tắm cho con hay khi xem một cảnh phim, đi dự một đám cưới, khi có người sinh nở… rất nhiều tình huống cha mẹ đều có thể “tranh thủ” chỉ dẫn cho con về các bộ phận trên thân thể, về chuyện giữ gìn, chuyện tình cảm. Từ đó sẽ hình thành ý thức về giới tính, ý thức bảo vệ bản thân ở trẻ trong các tiếp xúc hàng ngày.

Và tuyệt đối, các chuyên gia nhấn mạnh, không được hù dọa con trẻ vì không có biện pháp hù dọa nào giúp con trẻ tự tin để bảo vệ bản thân.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm