“Bố mẹ bận lắm, cần gì thì viết giấy dán vào tủ lạnh”

(Dân trí) - Giáo viên tư vấn muốn viết thư cho phụ huynh để trao đổi về vấn đề của cô học trò đang gặp khủng hoảng thì nhận được thông báo từ học sinh: “Bố mẹ nói họ bận lắm, cần gì thì viết giấy dán vào tủ lạnh. Tiền thì để sẵn bàn…”.

Nói chuyện với cha mẹ qua trung gian

Câu chuyện được một giáo viên tư vấn công tác tại một trường THPT ở quận 6, TPHCM chia sẻ tại hội thảo về khó khăn của hoạt động tư vấn trường học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Cô kể, em học trò gặp khủng hoảng, lên phòng tâm lý nhờ trợ giúp. Khi thấy vấn đề của mình buộc phải có gia đình vào cuộc, cô giáo làm mọi cách liên lạc thì bị phụ huynh từ chối không tài nào gặp mặt được.

Hết cách, cô đành nói với em học sinh, mình sẽ viết thư em đưa về cho bố mẹ đọc. Hôm sau, học sinh lên phòng trả thư cho cô, bật khóc: “Bố mẹ nói bận lắm, con cần gì thì viết giấy dán vào tủ lạnh. Mà hơn nữa tiền bố mẹ đã để sẵn trên bàn…”.

Nhiều đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi cho trường học và các trung tâm kỹ năng sống (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Nhiều đứa trẻ bị bố mẹ "bỏ rơi" cho trường học và các trung tâm kỹ năng sống (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Giáo viên tư vấn bộc bạch, nhiều phụ huynh không có và không ưu tiên thời gian cho con cái là nan giải lớn nhất hiện nay trong việc giáo dục con trẻ. Có những trường hợp, đến con sống ngay trong nhà, bố mẹ còn không có thời gian để hỏi han, trò chuyện vài ba câu xã giao chứ chưa nói đến việc quan tâm đến các mối quan hệ, vấn đề của con.

Trường hợp về cậu học trò lớp 9 ở TPHCM, đến khi biết con hút thuốc, đập đá, nhiều lần tự tử hụt bố mẹ mới hay cháu có nhiều bất ổn từ lâu nay. Trước đó cháu từng nhiều lần trốn học, hay đập phá đồ đạc, chửi thề, gây gổ với mọi người nhưng bố mẹ chỉ biết sơ sơ chứ không nghĩ là vấn đề nghiêm trọng.

Họ giải quyết bằng cách chuyển trường cho con, gửi con đến những khóa kỹ năng sống, kể cả những khóa “xuất ngoại” cả trăm triệu đồng nhưng… đâu lại vào đấy. Đến khi, đưa đến bác sĩ tâm lý điều trị mới vỡ lẽ vấn đề của cháu xuất phát từ việc thiếu sự quan tâm của bố mẹ.

Từ lâu, giao tiếp giữa bố mẹ và cậu hoàn toàn… thông qua bác tài xế và cô giúp việc trong nhà. Kể cả lúc này, cần bố mẹ vào cuộc thì mọi việc đưa cháu đi điều trị vẫn được giao hết cho bác tài xế.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ kể, rất nhiều phụ huynh khi con gặp khủng hoảng, gọi điện đến tổng đài hốt hoảng lắm đòi gặp bác sĩ tâm lý ngay. Nhưng rồi đến ngày hẹn, họ bặt vô âm tín. Có người hẹn đi hẹn lại nhiều lần rồi than… tôi bận quá.

“Mồ côi” khi sống cùng bố mẹ

Hiện nay, không thiếu những đứa trẻ, ngay từ ngày bé đã quấn người giúp việc hơn cả mẹ. Thậm chí có trường hợp, người giúp việc về quê là… con trẻ bị khủng hoảng tâm lý, bỏ ăn bỏ ngủ. Còn bố mẹ với các em như người lạ khi ít có thời gian tiếp xúc, gần gũi.

Ở nhiều trường học, nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khó dành cho cả phụ huynh để kết nối bố mẹ và con trẻ nhưng bị phụ huynh từ chối tham gia. Có những em khi thấy bố mẹ bạn đến dự chương trình, chua chát nói rằng “Ông bà già bận kiếm tiền! Còn tụi con mồ côi mà”. Các em dùng điện thoại sang, dùng toàn hàng hiệu và tiêu tiền không tiếc tay, chỉ có thiếu thốn đến kiệt quệ tình cảm từ chính bố mẹ.

Trong những lần gặp gỡ phụ huynh, bà giáo 82 tuổi Đàm Lê Đức (Trường THCS - THPT Đức Trí, TPHCM) đều tha thiết nói với các bậc cha mẹ cần dành thời gian cho con trẻ bởi hiện quá nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi ngay trong nhà mình. Bà hay kể về câu chuyện đứa trẻ hỏi bố mẹ một giờ họ kiếm được bao nhiêu tiền để con trả từng đấy tiền, mua thời gian của bố mẹ. Điều các em đôi khi chỉ là một bữa ăn có mặt đông đủ mọi người, hay một lần đưa con đến trường, một lời hỏi han quan tâm. Câu chuyện tưởng như chỉ trên sách vở nhưng đang là thực tế hiện nay.

Nhiều bạn trẻ nổi loạn để chứng minh sự tồn tại của mình (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Nhiều bạn trẻ "nổi loạn" để chứng minh sự tồn tại của mình (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Trong cuốn kỷ yếu để học sinh nói lên suy nghĩ của mình của ngôi trường này, rất nhiều em học sinh chia sẻ về sự cô độc, bị chính bố mẹ “bỏ rơi”. Có học sinh tâm sự, em đã từng nhiều lần mời bố mẹ đến xem mình diễn kịch nhưng đến giờ thì em hiểu đó chỉ là ước mơ không bao giờ thành hiện thực. Chỉ cần em mở lời sẽ nghe quát ngay, bố mẹ bảo không có rảnh đi xem "mấy trò vớ vẩn".

Hiện nay, con trẻ bị nhồi nhét về ăn uống, về vật chất và cả về học hành đến mức thừa thãi. Điều nhiều phụ huynh quan tâm là con mình ăn được bao nhiêu, cao to trong chuẩn không, điểm số trong những bài kiểm tra như thế nào, sắp tới đỗ vào trường nào… mà quên mất nhu cầu tình cảm của con trẻ. Dường như các em có đầy đủ tất cả mọi thứ, chỉ… đói cha đói mẹ.

Trầm cảm - tưởng như là căn bệnh của người lớn thì hiện nay rất nhiều học trò mắc phải đến mức các bác sĩ tâm lý đã phải lên tiếng cảnh báo. Và trước tình trạng này, nhiều năm nay ngành giáo dục TPHCM cũng đã phải đưa chuyên đề trầm cảm ở học sinh vào các chương trình tư vấn cho giáo viên, chuyên viên tâm lý để kịp thời hỗ trợ học sinh.

Vậy nhưng, vấn đề nan giải nhất nằm ở chỗ phần lớn vấn đề của các em xuất phát từ những bất ổn trong gia đình và chỉ bố mẹ mới có thể giúp con trẻ. Nhưng nhiều phụ huynh vì bận rộn, vì lo toan cuộc sống và cả vì thiếu kiến thức, yêu thương con sai cách lại từ chối “nhập cuộc” cứu chính đứa con của mình.

Phụ huynh đòi hỏi, yêu cầu ở con rất cao nhưng lại thiếu sự quan tâm, chia sẻ, dành tình yêu thương cho con đẩy con trẻ vào khủng hoảng , vùng vẫy và bế tắc trong sự cô độc. Rất nhiều đứa trẻ nổi loạn vì chúng muốn bố mẹ biết sự tồn tại, có mặt của mình.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)