Khi phụ huynh khước từ việc dạy con
(Dân trí) - Có nhiều phụ huynh bất lực trong việc dạy con nên buông xuôi cho nhà trường và cũng không ít bố mẹ lại kỳ vọng vào những ngôi trường tên tuổi, "đắt xắt ra miếng" có thể thay mình trong việc giáo dục con.
Gian nan mời phụ huynh cùng giáo dục con
Bà Nguyễn Thu Hà, hiệu trưởng Trường THCS Chánh Hưng, Q.8, TPHCM cho biết, với một số học sinh thuộc diện cần được quan tâm nhiều hơn, khi nhà trường liên hệ mời gia đình lên để trao đổi về tình hình của con thì bị… bố mẹ các em khước từ.
“Có phụ huynh nói thẳng rằng, nhà trường thích làm gì thì làm chứ gia đình bất lực với cháu rồi”, bà Hà ngán ngẩm.
Một giáo viên tư vấn tâm lý ở quận 6 cho hay, nhiều vấn đề của con trẻ buộc phải có sự hỗ trợ của gia đình mới giải quyết được nhưng không ít bố mẹ mặc kệ hoặc họ buông xuôi cho rằng mình đã hết cách nên bất hợp tác.
Cô kể, có em học sinh gặp vướng mắc đến mức có những dấu hiệu trầm cảm đến phòng tư vấn “cầu cứu”. Cô gọi điện cho phụ huynh để trao đổi, mới nghe vài câu họ đã dập máy, cô phải tìm đến tận nhà thì bị mắng là nói nhảm nhí, linh tinh về con họ. Không bỏ cuộc, cô tiếp tục đến nhà thì bị đuổi thẳng kèm lời khoán trắng: “Cô muốn làm gì cũng được nhưng đừng làm phiền gia đình, chúng tôi chẳng giúp được gì đâu”.
Không ít gia đình “đầu hàng” trong việc dạy con nên họ đặt kỳ vọng, chờ trách nhiệm từ trường học. Khi trường học không “nắn” con được như ý, có phụ huynh lại đôn đáo chuyển trường cho con. Thế nên có trường hợp học sinh, chỉ trong vài năm phổ thông được bố mẹ cho “nhảy trường” cả chục lần mà “mèo vẫn hoàn mèo”.
Phụ huynh thiếu kiên trì trong việc dạy con
Cũng vì suy nghĩ bất lực trong việc dạy con nên phụ huynh nặng tâm lý mong chờ sự “cứu cánh” từ bên ngoài. Nhiều năm nay, “phép thuật” được các gia đình cậy nhờ nhiều nhất là các trường học ngoại khóa, các trung tâm kỹ năng sống. Họ sẵn sàng đổ không ít tiền để con theo học ở đây nghĩ rằng đứa con mình đã buông lỏng bao lâu có thể “biến hóa” hoàn toàn chỉ sau vài khóa học, vài khóa huấn luyện.
Ngay ở các chương trình học ngoại khóa cũng rất cần sự hợp tác của phụ huynh cùng hỗ trợ con trẻ. Nhiều nơi thiết kế những chương trình kết nối cha mẹ và con cái nhưng không thành công vì một số phụ huynh từ chối tham gia, nghĩa vụ của họ chỉ là chi tiền là xong.
Chuyên viên tư vấn của một trung tâm kỹ năng sống ở TPHCM kể, nhiều phụ huynh khi đăng ký chương trình học cho con hỏi rằng học xong con mình có thay đổi hoàn toàn không. Có người còn hỏi chương trình kéo dài bao lâu, có lớp nào giữ luôn hộ đứa con thì… càng tốt vì họ “chịu thua” rồi.
Ông cũng cho rằng, khi bố mẹ nói bất lực, buông xuôi với con là vì bản thân họ chưa thật sự cố gắng, chưa nỗ lực, kiên trì với trẻ. Họ muốn vấn đề của con được giải quyết thật nhanh, thật gọn trong khi dạy con là cả một quá trình.
“Hơn nữa, rất nhiều trường hợp vấn đề nằm ở bố mẹ, bố mẹ mới là người cần thay đổi. Đứa trẻ hoàn toàn bình thường, có chăng chúng chỉ không như hình mẫu mà bố mẹ đặt ra”, chuyên viên này nói thêm.
Các vấn đề của học sinh gia tăng, tình trạng học sinh có những hành vi tiêu cực, trầm cảm… đã được cảnh báo nhiều năm nay. Hơn lúc nào hết, khi rơi vào khủng hoảng, các em càng cần sự quan tâm, chia sẻ từ bố mẹ. Nhưng nhiều phụ huynh đang đi ngược, con “có vấn đề” là… phó thác con cho nhà trường hoặc các trung tâm bên ngoài. Chính sự thả lỏng, khước từ trong việc dạy con của bố mẹ là nguyên nhân hàng đầu làm cho tình hình của con trẻ trầm trọng hơn.
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương (giám đốc đào tạo một trung tâm dạy kỹ năng) chia sẻ, không ít ông bố mà mẹ sai lầm khi có suy nghĩ chỉ cần tìm cho con một ngôi trường tốt, ngôi trường đắt tiền thì mọi vấn đề của con sẽ được giải quyết.
Nhất là trong điều kiện việc giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống ở trường học gặp rất nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ được. Đặc biệt, sĩ số đông, cách giáo dục còn mang tính cào bằng nên nhà trường chỉ mới dựa trên những khuôn khổ phổ biến để đánh giá học trò mà chưa thể theo sát từng đứa trẻ.
Bà Phương cũng nhấn mạnh: ‘Ngay cả những ngôi trường, trung tâm đắt tiền, đưa vào các phương pháp tiên tiến thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm thay vai trò, thiên chức của cha mẹ. Cha mẹ phải vào cuộc, phải là người “cứu” con mình đầu tiên”.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)