Đắk Lắk:

Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng

(Dân trí) - Đã hơn 2 năm nay, một phòng học kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Kroa, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk được xây lên rồi để bỏ hoang. Trong khi đó, hàng chục HS tại xã này phải học trong những phòng học tạm bợ.

Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng
Phòng học kiên cố hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Kroa, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk được xây lên để bỏ hoang hơn 2 năm nay.
 
Người dân địa phương tại buôn Gia Rai - Kroa cho biết phòng học này được xây dựng năm 2009 theo chương trình 135 của Nhà nước. Đây là một trong 6 điểm trường thuộc Trường Mẫu giáo Buôn Win (xã Ea Kuêh, , huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) cách đó 3 km. Sau khi phòng học hoàn tất nhưng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, không điện nên việc học tập tại điểm trường khó khăn.
 
Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng
Điểm trường không điện, thiếu thốn cơ sở vật chất lại xây dựng nơi héo hút nên không thu hút con em địa phương theo học.

Ông Niê Y Kua, trưởng buôn Gia Rai - Kroa, cho hay: “Trường mầm non buôn Gia Rai – Kroa được xây năm 2009 nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ chơi cho con trẻ không có, không điện nên nhiều gia đình có điều kiện đã gửi con em ra điểm trường chính Buôn Win ở trung tâm xã và buôn Hluk để học vì điều kiện ở đây tốt hơn lại được đi đường thảm nhựa, trong khi phòng học này được xây dựng nơi hẻo lánh đi lại khó khăn”. Anh Hoàng Văn Nguyện (40 tuổi, buôn Gia Rai - Kroa) nói thêm: “Bà con chúng tôi mong muốn phòng học có điện, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để con em học hành thuận tiện, chứ phòng học xây lên giờ bỏ hoang lãng phí hàng trăm triệu đồng của Nhà nước”.

Nghịch cảnh ở chỗ, trong khi phòng học kiên cố hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Kroa bỏ trống thì cách đó khoảng 10 km tại buôn Xê Đăng cũng thuộc xã Ea Kuêh này hàng chục HS của điểm Trường Tiểu học Lý Tự Trọng “đánh vật” ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng. Điểm học tạm bợ tại buôn Xê-Đăng được xây dựng cách nay khoảng 8 năm bằng gỗ, không có ô cửa, lợp tạm bằng mái tôn. Điểm trường có 3 phòng học với 65 HS là con em người đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Dao; có tất cả 6 lớp học chia làm 2 ca sáng, chiều gồm: lớp 1A4 9 HS; 2A­­­­­­4 9 HS; 3A4 8 HS; 4A­4 6 HS và 5A­4 có 4 HS và một lớp mầm non 20 HS.

Điểm học này vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn bộn bề, việc học hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. “Những ngày nắng nóng mái tôn trần nhà hừng hực phát hỏa thì thầy trò mồ hôi ướt đẫm. Mỗi lần gió lên, bụi đất đỏ bên ngoài cứ thế thổi vào phòng khiến thầy trò đỏ mắt cả buổi vì hứng phải bụi. Mưa đến thì hầu như lớp học không thể dạy được vì nước mưa tạt phăng ướt cả phòng, con em lại nhà xa…” - thầy Phạm Duy Hùng (30 tuổi) GV giảng dạy tại điểm trường buôn Xê Đăng cho biết.

Cô Phạm Thị Thủy, hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Buôn Win, giãi bày: “Trường Mầm non Buôn Win có 6 điểm trường, sau khi xây dựng xong điểm trường tại buôn Gia Rai – Kroa, nhà trường cho GV vào giảng dạy nhưng do thiếu HS nên không thể duy trì lớp học…”.

Đáng nói, Trường mầm non Buôn Win có 6 điểm trường nhưng thiếu đến 2 phòng học ở Buôn Xê-Đăng và Buôn Triết, trong khi ở buôn Gia Rai - Kroa thì phòng học bỏ hoang.
 
Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng
Cũng tại xã Ea Kuêh, hàng chục HS của điểm Trường Tiểu học Lý Tự Trọng “đánh vật” ở buôn Xê Đăng ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng.
 
Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng
Phòng học tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Liên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar, cho hay: “Sở dĩ phòng học này bỏ trống do kế hoạch xây dựng từ đầu của UBND xã này không khả thi. Ban đầu người ta dự tính di dời các hộ dân từ buôn Xê-Đăng cách đó 10 km ra buôn Gia Rai - Kroa để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội, dân sinh nên xây dựng tại buôn Gia Rai - Kroa 2 phòng học năm 2009 khoảng 230 triệu đồng, một của Gia Rai - Kroa, một của Xê Đăng nhưng sau đó người dân ở buôn Xê Đăng không di cư ra sinh sống dư dự tính. Thành ra để trống một phòng học cho con em buôn Xê Đăng; còn một phòng phục vụ việc học tập cho con em tại buôn Gia Rai - Kroa nhưng HS ở buôn này thích ra điểm trường chính cách đó hơn 2 km mặc dù xa hơn nhưng đường sá đi lại thuận lợi hơn, có đủ cơ sở vật chất”.

Theo ông Liên, để khắc phục tình trạng này cần đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi học tập để mở 1 lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi, 1 lớp nhà trẻ 1 - 3 tuổi.

Được biết, xã Ea Kuêh là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Cư M’gar, thành lập năm 2004, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66%, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 24%.
 
Viết Hảo