Quy chế tuyển sinh 2020:

Bộ Giáo dục đã sửa đổi quy định "làm khó" trường đại học tuyển sinh riêng

(Dân trí) - Chiều ngày 7/5, thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Bộ đã điều chỉnh một số điều kiện để tổ chức thi riêng theo hướng giảm bớt để phù hợp với năng lực của các cơ sở đào tạo.

Trả lời báo chí chiều tối ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, tinh thần của Quy chế tuyển sinh năm 2020 là hạn chế tối đa thay đổi, giữ ổn định như 2019, tạo thuận lợi nhất cho các trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh; tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo.

Bộ Giáo dục đã sửa đổi quy định làm khó trường đại học tuyển sinh riêng - 1

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc

 Được biết, dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2020 đã bổ sung một số quy định về điều kiện để tổ chức thi riêng, điều này đã "làm khó" các trường và phải từ bỏ kế hoạch tuyển sinh riêng năm nay. Vậy, đâu là lý do để các trường ĐH cần phải đáp ứng những điều kiện về nhân sự, hạ tầng… mới được tổ chức thi riêng?

Luật GDĐH đã quy định cho các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng.

Bất kỳ một cuộc thi nào cũng phải đảm bảo nguyên tắc về chất lượng, công bằng đối với tất cả các thí sinh tham dự. Vì thế, đơn vị tổ chức thi phải công khai minh bạch các điều kiện quy định, quy trình tổ chức thi để thí sinh chuẩn bị, để xã hội và cơ quan chức năng giám sát.

Việc Quy chế tuyển sinh 2020 bổ sung các điều kiện quy định với những trường muốn tổ chức thi để tuyển sinh riêng là nhằm tăng cường công cụ quản lý nhà nước để đảm bảo các kỳ thi riêng diễn ra nghiêm túc, minh bạch, đúng quy định, và đảm bảo chất lượng.

Để tổ chức một kỳ thi tuyển sinh, các trường đại học phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân sự (bộ phận chuyên trách khảo thí có trình độ, kinh nghiệm), ngân hàng đề thi, quy chế thi, cơ sở hạ tầng (phòng ốc, máy tính, phần mềm…),…đây là những điều kiện căn bản, tối thiểu để tổ chức tuyển sinh thành công, chất lượng.

Đây cũng là những quy định cần thiết khi tổ chức một kỳ thi để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, đảm bảo trung thực, khách quan, công bằng.

Những cơ sở đào tạo chưa kịp chuẩn bị đủ các điều kiện này có thể phối kết hợp hoặc sử dụng chung kết quả thi với các trường đại học khác có các điều kiện tương đồng như cùng khối ngành đào tạo, cùng khu vực...

Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học, Bộ GDĐT đã điều chỉnh một số điều kiện để tổ chức thi riêng theo hướng giảm bớt để phù hợp với năng lực của các cơ sở đào tạo, phù hợp với điều kiện, mục tiêu tuyển sinh năm nay đồng thời đảm bảo tính khả thi của quy chế.

Cụ thể, nội dung này sẽ được điều chỉnh như thế nào thưa Thứ trưởng?

Với tinh thần tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo có mong muốn tổ chức thi riêng, đồng thời đảm bảo tính khả thi, chất lượng tuyển sinh, quy chế đã quy định các điều kiện một cách gọn gàng hơn, nhưng phải đáp ứng chất lượng cần thiết.

Cụ thể, Quy chế quy định cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện sau:

Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên;

Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; Phải ban hành quy chế thi tuyển sinh của trường gồm quy trình tổ chức và các quy định liên quan; Có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo số lượng, chất lượng phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi.

Với những điều kiện trên, những cơ sở đào tạo đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, thi văn hóa, năng khiếu… để tuyển sinh hoặc đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng trong năm nay hoàn toàn có thể đáp ứng được.

Thưa Thứ trưởng, việc thay đổi phương án thi THPT năm nay liệu có gây ảnh hưởng đến tuyển sinh của các trường ĐH không, đến thời điểm này phương án tuyển sinh đã ổn định chưa?

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 thời gian vừa qua, phương án thi THPT năm 2020 đã có những điều chỉnh cho phù hợp và kéo theo đó là những điều chỉnh của tuyển sinh đại học năm 2020 có phần gây lo lắng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.

Nhưng, đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, học sinh đã có thể trở lại trường tiếp tục hoàn thành chương trình học. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT.

Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã điều chỉnh lại một số điều trong quy chế tuyển sinh ĐH năm 2020 cho phù hợp. Tinh thần của Quy chế là hạn chế tối đa thay đổi, giữ ổn định như 2019, tạo thuận lợi nhất cho các trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh; tôn trọng quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo theo như quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH), nhưng phải đảm bảo chất lượng tuyển sinh, an toàn, công khai và minh bạch.

Luật GDĐH mở rộng quyền tự chủ tuyển sinh nhưng gắn liền với trách nhiệm giải trình. Các cơ sở GDĐH phải chủ động xây dựng đề án tuyển sinh, công khai minh bạch thông tin, rà soát các quy định về chỉ tiêu, tuyển sinh, các quy chế đào tạo để thực hiện đúng quy định.

Đề án tuyển sinh của các trường phải công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và các trường chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cơ quan quản lý nhà nước về độ chính xác, trung thực của thông tin.

Các trường đại học không nên quá lo lắng về chất lượng nguồn tuyển

Kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn sẽ được nhiều trường đại học dùng để xét tuyển. Vậy Bộ có những biện pháp gì để đảm bảo chất lượng của Kỳ thi cũng như chất lượng đầu vào của tuyển sinh đại học ?

Luật Giáo dục đại học đã trao cho các cơ sở GDĐH quyền tự chủ về tuyển sinh, đồng thời gắn với trách nhiệm tự giải trình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ sở GDĐH phải thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào. Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo; đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng GDĐH.

Quy chế thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay, ngoài điều chỉnh một số nội dung về kỹ thuật, giảm bớt số lượng bài thi, thì về cơ bản vẫn giữ ổn định như 2019.

 Bài thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, trên cơ sở đó, các trường đại học vẫn có thể sử dụng để xét tuyển. Đây là kết quả của một kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, bài bản, có sự chuẩn bị kỹ càng, rút kinh nghiệm điều chỉnh từng năm với sự giám sát của lực lượng chức năng và toàn xã hội. Vì thế, tôi cho rằng không nên quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm