Bộ GD&ĐT giải thích từ "thấu cảm" trong đề Ngữ Văn đang gây tranh luận

(Dân trí) - Trước nhiều ý kiến băn khoăn đề thi môn Ngữ Văn THPT Quốc gia 2017 dễ gây hiểu lầm, tại buổi họp báo chiều 24/6, đại diện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng cho biết đã làm việc với tổ ra đề Văn và khẳng định đề thi Văn chính xác.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vừa khép lại, đề thi môn Ngữ văn năm nay gây không ít tranh cãi. Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi về tính chính xác của đề Văn, đặc biệt ở phần I (Đọc – hiểu). Cụ thể ở câu 2 hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì?”. Vậy đây có phải là câu hỏi ngô nghê, dễ gây nhầm lẫn.

Một số ý kiến khác cho rằng, đề thi quốc gia phải có ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng; trong khi khái niệm "thấu cảm" có lẽ phù hợp đô thị phía Bắc, còn sẽ gây khó hiểu cho thí sinh những vùng khác…


Câu I đề Văn THPT Quốc gia 2017 gây nhiều tranh cãi về tính chính xác.

Câu I đề Văn THPT Quốc gia 2017 gây nhiều tranh cãi về tính chính xác.

Trao đổi về ý kiến “đề Văn chưa chính xác”, ông Sái Công Hồng (Phó Cục khảo thí và kiểm định chất lượng) cho biết đã làm việc với tổ ra đề Văn và tổ ra đề khẳng định đề thi Văn chính xác không có sai sót. Tuy nhiên, việc chọn ngữ liệu này ở đâu, vì sao chọn, thuộc về quy trình bí mật làm đề thi không thể trao đổi cụ thể được.

“Đề thi môn văn có 2 phần (I và II). Chúng ta ở đây chỉ bàn về phần I đọc hiểu. Mục đích của phần này là đọc hiểu. Còn đọc hiểu cái gì, lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí ngữ liệu thế nào thì đã quy trình làm đề thi, ma trận đề thi chắc là tôi không nói được”, ông Hồng cho biết.

Về câu 2 của đề thi “Theo tác giả, thấu cảm là gì?” thì tổ ra đề Văn giải thích là yêu cầu là: Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi sau, nên lời dẫn hỏi theo tác giả tức là đọc đoạn trích và thực hiện các yêu cầu.

“Câu hỏi thứ 2 là 1 thành tố trong 4 yêu cầu đó. Phần bố trí đáp án thì phần mềm tự trộn và tự tạo ra đáp án. Mỗi mã đề có số lượng đáp án rơi vào vị trí khác nhau. Chúng tôi sẽ kiểm tra lại”, ông Sái Công Hồng nói.

Trước đó, từ “thấu cảm” trong câu I - Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) gây tranh cãi.

Theo TS, Trịnh Thu Tuyết giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội: "Thấu cảm" chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cắt - ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Chỉ trở về khởi thủy, tạm hiểu theo cách chiết tự với hai yếu tố là hiểu và cảm.

Theo TS Tuyết, chúng ta không thể "nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ" được. Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông và càng không thể "hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó", thậm chí đó là điều không tưởng với chính mình. Cũng theo nữ tiến sĩ này, đây là đoạn văn thiếu logic, không chặt chẽ và chủ quan.

Đề Vật lý sai sót: “Đính chính thể hiện sự nghiêm túc”

Liên quan đến việc phải đính chính ở 7 mã đề Vật lý, ông Sái Công Hồng trả lời: “Ở Môn Vật lý, chúng tôi chỉ có 8 ngày để chuyển đề chính thức đi rồi rà soát đề chính thức và sau khi chuyển đề chính thức thì làm đề dự bị. Trong quá trình rà soát thì phát hiện có lỗi ký tự. Chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo một số sở đã bắt đầu in sao, bắt dừng đề Vật lý vào cũng không vấn đề gì.

Tuy nhiên, lúc đó đã là ngày 13, 14/6, khi đó nhiều Sở đã bắt in sao đề. Và chúng tôi quyết định gắn đính chính, việc này cho thấy chúng tôi đã làm việc nghiêm túc. Đính chính không phải đọc mà gắn vào đề thi cho các em. Nó nằm ở phần cuối cùng của đề thi 36-39. Chúng tôi cũng ghi rõ đính chính là một phần của mã này, gửi đến tay của từng thí sinh chứ không phải đọc hay viết lên bảng”.

Theo đại diện Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT đã phát hiện có sai sót và bổ sung đính chính, gắn vào các mã đề để thể hiện sự minh bạch, chặt chẽ và nghiêm túc trong các khâu của quá trình ra đề.

Về các ý kiến trái chiều trong việc đề thi môn Vật lý có độ khó không đồng đều (đề này vào phần quang, đề kia vào phần điện hay phần cơ…) nên thí sinh thấy không công bằng, đó là do các em học chưa toàn diện, kiến thức chưa đồng đều.

Ông Sái Công Hồng cho rằng, ở mỗi đề Vật lý mục đích là đánh giá thí sinh toàn diện. Câu hỏi mã đề này có thể rơi vào đơn vị kiến thức phần quang, câu kia rơi vào đơn vị kiến thức phần cơ tuy nhiên các bước tư duy để làm đáp án đó là như nhau, đều cần 4 bước tư duy để giải đề.

“Nếu thí sinh bảo là em học phần quang yếu hơn, phần cơ mạnh hơn… thì em sẽ không toàn diện. Yêu cầu của chúng ta là thí sinh phải học toàn diện chứ không phải học tủ vào phần nào”, ông Hồng nói.

Lệ Thu (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm