Bộ GD-ĐT tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm
(Dân trí) - Tăng cường quản lý việc dạy thêm, học thêm theo hướng tích cực đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dạy học trên 6 buổi/tuần (2 buổi/ngày). Công khai hóa các điều kiện, thu chi, thực hiện triệt để việc phân hoá học sinh theo nhóm học lực khi học thêm trong nhà trường.
Đây là một trong những biện pháp của Bộ GD-ĐT nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong thời gian tới. Bộ GD-ĐT cũng cho biết, ngoài biện pháp trên, ngành GD sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân và phụ huynh học sinh về các chủ trương của ngành về quản lý dạy thêm, học thêm.
Tiếp tục rà soát, giảm tải chương trình, cải tiến các công tác thi, kiểm tra, đánh giá. Tổ chức kiểm tra theo đề chung cho từng khối lớp; tổ chức chấm chéo bài kiểm tra để đảm bảo sự công bằng trong đánh giá học sinh. Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của giáo viên chủ nhiệm, các đoàn thể trong nhà trường, cha mẹ học sinh; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng của chính quyền với ngành GD để quản lý dạy thêm, học thêm. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cải thiện chế độ đãi ngộ đối với giáo viên
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, bản chất của việc dạy thêm, học thêm là tốt nếu như nó xuất phát từ nhu cầu hoàn thiện, bổ sung kiến thức của người học và động cơ không vụ lợi của người dạy. Có nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt trong học tập nhờ dạy thêm, học thêm. Song hiện nay do công tác quản lý của một số cơ sở GD, một số phòng GD-ĐT và sở GD-ĐT còn lỏng lẻo; một số giáo viên còn có tư tưởng vụ lợi nên một số nơi xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan đã gây bức xúc đối với xã hội, khiến dư luận lên tiếng nhiều.
Được biết, tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước đều diễn ra việc dạy thêm, học thêm với các mục đích, hình thức, mức độ và qui mô khác nhau. Các trường THCS, THPT tổ chức dạy thêm, học thêm đều cơ bản xuất phát theo nhu cầu của học sinh và cha mẹ học sinh nhằm: Củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh; Phụ đạo học sinh có học lực yếu kém; Bồi dưỡng học sinh khá giỏi; Ôn tập để thi vào các trường đại học, cao đẳng.
Ngoài mục đích nâng cao kiến thức, cũng có những cha mẹ học sinh muốn kết hợp với việc nhờ thầy cô giáo dạy thêm quản lý con cái họ trong những lúc họ bận công việc. Ở rất nhiều tỉnh khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nhà trường và giáo viên dạy thêm không thu tiền của học sinh; có nơi còn hỗ trợ cho học sinh về sách bút và các điều kiện khác để các em học tập tốt hơn.
Tuy nhiên trước tình trạng “biến tướng” trong vấn đề dạy thêm, tại hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2010-2011, một số Sở GD-ĐT đã đề nghị Bộ GD-ĐT sửa đổi Quyết định về quản lý dạy thêm - học thêm; không cho tổ chức dạy thêm ở ngoài nhà trường và dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình vì các hiện tượng tiêu cực của dạy thêm - học thêm đều xuất phát từ đây, trong khi hiện nay chúng ta chưa thể kiểm tra, quản lý chặt chẽ và thực chất được.
N.H