Bộ GD-ĐT lên tiếng về nghi vấn đáp án môn Toán sai
(Dân trí) - Trước thông tin phản ánh đáp án môn Toán khối A và khối A1 kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012 có một câu chưa chuẩn xác, Bộ GD-ĐT đã có ý kiến.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2009/Phat-tan-de-Toan-DH-len-mang.htm'><b> >> Phát tán đề Toán ĐH lên mạng</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/event-2008/Goi-y-giai-de-thi-DH-2012.htm'><b> >> Gợi ý giải đề thi ĐH 2012</b></a>
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án môn Toán khối A và khối A1 kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2012, trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải ý kiến cho rằng đáp án câu 8.b chưa chuẩn xác.
Ban Chỉ đạo thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012 đã yêu cầu Ban đề thi (hiện đang phải cách ly trong khu vực làm đề thi theo quy định bảo mật) có ý kiến giải trình về những ý kiến trên. Bộ GD-ĐT sẽ trả lời chính thức vấn đề này trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngay sau khi có báo cáo giải trình của Ban đề thi.
Đáp án của Bộ GD-ĐT:
Đó là khẳng định của thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Thầy Tùng cho biết:
"Vừa qua có một số ý kiến “của các chuyên gia” cho rằng đáp án câu 8b của Bộ GD-ĐT là chưa chính xác, có thể gây thiệt thòi cho thí sinh. Là một giáo viên dạy Toán và có tham gia chấm thi đại học Toán nhiều năm, tôi cho rằng đáp án như đã công bố là hoàn toàn chính xác, không gây bất kì hiểu lầm hay thiệt thòi nào cho thí sinh. Cụ thể, tôi có vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, nếu đề thi chỉ yêu cầu viết phương trình đường thẳng mà không yêu cầu dạng cụ thể, thì trong không gian tọa độ Oxyz, học sinh có thể viết dưới một trong hai dạng (tham số hoặc chính tắc) đều được.
Thứ hai, nếu đề thi yêu cầu viết dạng tham số của phương trình đường thẳng thì đáp số cũng có thể viết dưới các hình thức không hoàn toàn giống nhau (có thể khác tọa độ của điểm đi qua và tọa độ của véc tơ chỉ phương). Ví dụ: Khi viết phương trình tham số của đường thẳng đi qua hai điểm A và B thì đáp số có thể viết dưới vô số hình thức khác nhau nhưng vẫn đúng hoàn toàn. Điểm đi qua có thể là A, B, trung điểm của AB hay bất cứ điểm nào thẳng hàng với A, B. Véc tơ chỉ phương có thể là véc tơ AB, véc tơ BA hay bất cứ véc tơ nào cùng phương với véc tơ AB (và khác véc tơ không). Đáp án đưa ra chỉ có thể viết một hình thức mà thôi.
Thứ ba, trong môn Toán, việc viết đáp số dưới nhiều dạng, nhiều hình thức khác nhau khá phổ biến. Ví dụ: Để viết: x < -1 hoặc x > 1 học sinh có thể viết |x| > 1. Để viết x = +-(pi/2) + k2pi học sinh có thể viết x = pi/2 + kpi. Các cách viết trên đều đúng hoàn toàn. Thậm chí, có những bài, đáp số có thể viết dưới dạng rất khác nhau do học sinh làm theo nhiều cách khác nhau như bài tính nguyên hàm chẳng hạn. Người chấm cần đối chiếu, so sánh để kết luận học sinh tính đúng hay sai.
Thứ tư, ngoài đáp án như đã công bố, Bộ GD-ĐT còn cung cấp đến các giám khảo tài liệu hướng dẫn chấm. Tài liệu sẽ có thêm các thông tin cụ thể hơn và không bao giờ thiếu câu “Nếu học sinh làm theo các cách khác mà vẫn cho kết quả đúng thì vẫn được điểm tối đa”.
Như vậy, là một giám khảo chấm bài thi Toán, các giáo viên cần phân biệt được các hình thức khác của đáp số là đúng hay sai, đáp án câu 8b là một ví dụ. Tôi nghĩ, các giám khảo sẽ không có thắc mắc gì thêm. Nếu có thắc mắc, có lẽ chỉ xảy ra ở người đóng vai giải toán chứ không phải người chấm toán. Thí sinh hoàn toàn yên tâm, không cần có bất cứ lo lắng, băn khoăn gì. Hãy tập trung ôn và thi các môn tiếp theo cho thật tốt”.