Bộ GD-ĐT: Không dạy trực tuyến cho trẻ mầm non trong bối cảnh dịch bệnh
(Dân trí) - Theo Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non (Bộ GD-ĐT), trong bối cảnh dịch bệnh, cơ sở giáo dục không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mầm non mà tập trung phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn trẻ tại nhà.
Thông tin trên vừa được đưa ra ngày 18/8, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non (GDMN), do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức.
3 lần dừng học giữa chừng vì dịch bệnh
Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non Nguyễn Bá Minh lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh, cơ sở GDMN không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mầm non, tập trung phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn trẻ tại nhà. Tranh thủ thời gian vàng trẻ đến trường để ưu tiên hướng dẫn kỹ năng, điều kiện cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Các địa phương cũng khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của các cơ sở GDMN trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tham mưu cho chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của các cơ sở, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng, tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở GDMN giải thể, bởi đây là nguy cơ rất lớn đối với GDMN.
Tại hội nghị, ông Đỗ Duy Hưng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cho biết, năm học 2020-2021 là năm học thứ 2 liên tiếp, tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Nhiều trường mầm non trở thành tâm dịch với số lượng cán bộ giáo viên thuộc diện F1, F2 lớn.
Trong năm học, trẻ mầm non Hải Dương phải 3 lần dừng học giữa chừng để thực hiện giãn cách, phòng chống dịch.
Trước thách thức lớn đó, ngành Giáo dục Hải Dương đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành nhiệm vụ năm học 2020-2021 và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ mầm non, không để xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh trong nhà trường.
Cũng là địa phương gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, thời gian qua, nhiều trường học tại thành phố được dùng làm điểm cách ly, nhiều trường học, nhóm trẻ ngoài công lập đã giải thể; nhiều giáo viên, cán bộ quản lý là F0 nhưng thành phố đã nỗ lực để hoàn thành năm học. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện tốt chế độ chính sách cho giáo viên mầm non, nhất là giáo viên chịu ảnh hưởng của Covid-19.
Đại diện Sở GD-ĐT Lào Cai nhấn mạnh, tỉnh huy động toàn hệ thống chính trị và các lực lượng để có thể đạt tỷ lệ huy động trẻ tới trường và coi đây là cơ sở quan trọng để duy trì và phát triển chất lượng GDMN bền vững. Sở GD-ĐT đã tham mưu đưa mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi vào Chương trình hành động của Tỉnh ủy, tạo điều kiện tiếp tục đầu tư các nguồn lực cho GDMN và nâng cao tỷ lệ trẻ em của tỉnh được tiếp cận giáo dục.
Nguy cơ giáo viên mầm non bỏ việc
Báo cáo tại Hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho hay, trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh với nhiều khó khăn, bậc GDMN thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021 đạt nhiều kết quả tốt.
Trên 5 triệu trẻ em tại cơ sở GDMN được đảm bảo an toàn, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được nâng cao, trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng vào lớp 1.
Năm học 2020-2021, toàn quốc có 15.480 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, 21.236 điểm trường lẻ. So với năm học trước tăng 19 trường, giảm 2.724 điểm trường lẻ.
Toàn quốc huy động 5.357.046 trẻ em mầm non đến cơ sở GDMN, tăng 50.725 trẻ so với năm học trước. Cuối năm học 2020-2021, tỉ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 99,2% (tăng 0,2%), tỉ lệ trẻ em mầm non được tổ chức ăn bán trú đạt 93,3% (tăng 0,3%). Đáng chú ý, tỉ lệ trẻ em ngoài công lập đạt 23,2%, tăng 1,1% so với năm học trước.
Đội ngũ giáo viên được nhiều tỉnh/thành phố quan tâm tuyển dụng bổ sung, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng chương trình GDMN.
Hiện tổng số đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có 529.531 người. Bình quân 1,84 GV/lớp (tăng 0,02). Tỉ lệ giáo viên mầm non đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên theo Luật Giáo dục 2019 đạt 78,9% (tăng 5,2%).
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GDMN trong năm học qua gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt. Chuyển đổi phương pháp giáo dục trong thời điểm dịch còn hạn chế. Cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể.