Bộ GD-ĐT giải đáp thắc mắc về thi quốc gia năm 2015

(Dân trí) - Thí sinh thi ở cụm địa phương có được đăng ký vào đại học? Cách xác định “ngưỡng” điểm xét tuyển như thế nào? Hướng ra đề thi như thế nào? Cách tính điểm tốt nghiệp? Cách tổ chức thi?

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra sau khi Bộ GD-ĐT công bố quyết định về kì thi quốc gia 2015. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về kì thi quốc gia này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có những giải đáp cụ thể.

Thi ở cụm địa phương vẫn có cơ hội xét tuyển vào đại học

Tại sao Bộ GD-ĐT tổ chức 2 cụm thi, một do sở GD-ĐT tổ chức, một do các ĐH,CĐ chủ trì dù học sinh vẫn làm chung đề thi?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Trao đổi với báo chí ngày 11/9/2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết: Thống kê hàng năm của Bộ GD-ĐT cho thấy trên dưới 20% học sinh tốt nghiệp THPT không thi ĐH, CĐ để chuyển sang học nghề, TCCN hoặc lĩnh vực khác. Các em không có nguyện vọng dự tuyển vào các ĐH, CĐ mà bắt lên cụm thi ở xa thì đi lại tốn kém không cần thiết nên tổ chức ở địa phương cho thuận lợi theo chỉ đạo của Thủ tướng không gây phiền hà, phức tạp cho người học và xã hội. Đề thi năm 2015 làm cho 2 mục đích nên không lí do gì lại khác đi giữa cụm thi ở các sở chủ trì và cụm thi do các trường ĐH, CĐ chủ trì.

Thí sinh thi tại các sở GD-ĐT có điểm cao nhưng muốn xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có được không, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Điều kiện cần của thí sinh để vào các trường ĐH, CĐ là bằng tốt nghiệp THPT, điều kiện đủ phụ thuộc yêu cầu riêng các trường. Có trường chỉ cần các em tốt nghiệp THPT và xét kết quả học tập năm lớp 12 hoặc quá trình học 3 năm ở phổ thông.

Vậy các em vẫn còn cơ hội vào ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia phải công bố công khai phương thức tuyển sinh vào các ngành của trường trước 1/1/2015. Vì vậy, các em cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường để tham gia tuyển sinh vào những trường này, phù hợp với nguyện vọng, năng lực cá nhân và điều kiện gia đình”.

Học sinh nào được thi thay thế môn ngoại ngữ? Cách xét tốt nghiệp như thế nào? Cách ôn thi như thế nào? Học sinh đoạt giải quốc gia được xét thế nào?... Hàng loạt câu hỏi này được ông Trần Văn Nghĩa và Trần Văn Kiên đều là Phó Cục trưởng Cục khảo thí & Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT giải đáp tại buổi giao lưu trực tuyến về kì thi quốc gia năm 2015 do VTC News tổ chức ngày 11/9/2014.

Đối tượng nào được thi môn khác thay thế môn ngoại ngữ

Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Vậy học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng là như thế nào?

(ảnh):
Ông Trần Văn Kiên, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT (ảnh): Với môn Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, thí sinh phải thi một trong các thứ tiếng: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung, Tiếng Đức, Tiếng Nhật. Những học sinh Giáo dục trung học và học viên Giáo dục thường xuyên không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh được chọn môn thi thay thế trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Đó là, giáo viên dạy môn Ngoại ngữ thiếu hoặc chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo, năng lực dạy học yếu; việc thực hiện chương trình không liên tục; học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu Ngoại ngữ yếu hoặc do chuyển trường nên phải học đổi môn Ngoại ngữ; các điều kiện về trang thiết bị dạy học, thực hành tiếng chưa đáp ứng yêu cầu dạy và học... Những thí sinh này được thi thay thế môn Ngoại ngữ do Giám đốc Sở GD-ĐT quyết định.

Bộ gộp chung 2 kỳ thi tuyển sinh thì tiêu chí để xét vào đại học, Công tác tổ chức tuyển sinh sẽ như thế nào?

(ảnh)
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT
(ảnh) cho biết: Về tổ chức thi, nếu em có nguyện vọng sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, em phải đăng ký dự thi ở một cụm thi do trường đại học chủ trì (tại trường đại học đó).

Các trường đại học sẽ công bố phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi quốc gia (công bố môn thi sử dụng để xét tuyển vào từng ngành). Nếu một trường đại học những năm trước tuyển sinh khối A thì năm nay bên cạnh việc có thể sử dụng các tổ hợp môn khác để xét tuyển, trường vẫn phải sử dụng tổ hợp ba môn là toán, lý, hóa để xét tuyển.

Các trường được phép tự chủ về tuyển sinh như tổ chức các kì kiểm tra bổ sung bên cạnh kết quả của kì thi quốc gia. Vậy xin Bộ giáo dục cho biết các trường có được phép tổ chức thi các môn mà Bộ có tổ chức thi trong kỳ thi THPT quốc gia hay không?

Ông Trần Văn Nghĩa: Các trường hoàn toàn có quyền tự chủ trong tuyển sinh, tuy nhiên, để thực hiện tự chủ tuyển sinh thì các trường cần phải xây đựng đề án tự chủ tuyển sinh, và trong đề án phải chứng minh được năng lực thực hiện phương án mà mình đề ra.

Các học sinh đều được cấp một loại bằng tốt nghiệp

Cách đánh giá tốt nghiệp và xếp loại bằng tốt nghiệp THPT năm 2015 sẽ như thế nào vì kỳ thi còn đảm nhiệm 2 mục đích?

Ông Trần Văn Kiên: Kế thừa những thành công và những ưu điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 kết hợp sử dụng kết quả bốn môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích nếu có để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Năm 2015 để xét công nhận tốt nghiệp vẫn giữ ổn định như năm 2014.

Đây là một kỳ thi cho tất cả đối tượng dự thi. Vì vậy, học sinh Giáo dục trung học và học viên Giáo dục thường xuyên được công nhận tốt nghiệp đều được cấp một loại bằng tốt nghiệp THPT.

Với các đối tượng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng (đạt giải quốc gia, quốc tế…) như mọi năm vẫn phải tham dự thi tốt nghiệp, năm nay có cần tham dự kỳ thi chung này không?

Ông Trần Văn Kiên: Kỳ thi THPT quốc gia kế thừa những thành công và ưu điểm của các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây, nhất là năm 2014.

Những đổi mới của kỳ thi này chủ yếu ở mục đích kỳ thi, cách thức tổ chức coi thi, chấm thi và sử dụng kết quả thi vào xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của thí sinh, các chế độ ưu tiên đã quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành về chế độ ưu tiên thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế sẽ được tiếp tục áp dụng đối với kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015, cụ thể: Các thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2015 và những thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi năm 2014 (được bảo lưu) được ưu tiên xét tuyển vào ĐH, CĐ theo đúng quy định trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hiện hành.

Những thí sinh này vẫn phải tham dự kì thi THPT quốc gia; chỉ trừ những thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực năm 2015 thì không phải tham dự kì thi THPT quốc gia.

Với kỳ thi chung này, Bộ có hướng ra đề như thế nào để giáo viên và học sinh có hướng dạy, học và ôn tập?

Ông Trần Văn Nghĩa: Đề thi của kỳ thi quốc gia sẽ bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Cấu trúc đề thi sẽ gần tương tự đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014.

Các học sinh tốt nghiệp năm 2013, 2014 nếu có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ngành yêu cầu kết quả thi môn toán, vật lý, hóa học thì các em chỉ cần đăng ký thi 3 môn là toán, vật lý, hóa học.

Hồng Hạnh (tổng hợp)