Quảng Trị:
Bộ đội Biên phòng nuôi dưỡng, còn cho các cháu đến trường học chữ
(Dân trí) - Thương cảm trước điều kiện sống vô cùng khó khăn của một gia đình khá đông con vùng biên giới, nhìn nhóm trẻ nheo nhóc, đói ăn, thiếu mặc, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng A Vao, tỉnh Quảng Trị đã nhận nuôi dưỡng các cháu hơn 2 năm qua.
Câu chuyện về Bộ đội Biên phòng Đồn A Vao nhận nuôi 9 đứa trẻ vẫn luôn được người dân vùng biên giới truyền tai nhau, như chuyện cổ tích giữa đời thực. Nhờ sự quan tâm ân cần, trách nhiệm của lực lượng biên phòng, những đứa trẻ đã được đến trường học chữ, cuộc sống được cải thiện.
Từ những đứa trẻ “hoang dã”, trở thành “con nuôi biên phòng”
Theo Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Vao, việc nhận nuôi các cháu là câu chuyện dài, xuất phát từ tình thương với các trẻ. Đặc biệt, là đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, các anh càng không muốn tương lai của các trẻ bị "chôn vùi" giữa núi rừng.
Những cháu nhỏ được Đồn nhận nuôi dưỡng không phải trẻ mồ côi, chúng được sinh ra trong một gia đình khá đông con ở vùng biên giới. Ông nội của các cháu cũng là cá nhân tích cực trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Nhóm 9 trẻ nói trên là con của anh Hồ Văn Súc, ở thôn Kỳ Nơi, xã A Vao.
Vào năm 2018, trong quá trình tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng A Vao đã tiếp cận với gia đình và nhận thấy các cháu sinh sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thông tin về hoàn cảnh gia đình được báo lên Ban chỉ huy Đồn.
Những đứa trẻ được Đồn Biên phòng nhận nuôi
Sau khi khảo sát thực tế, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng A Vao đã bàn bạc, sau đó thống nhất với chính quyền địa phương và nhà trường. Từ đó, Đồn Biên phòng A Vao quyết định nhận 9 cháu đưa về nuôi dưỡng.
Khi đưa về Đồn Biên phòng, các cháu được bố trí căn nhà gỗ cạnh trường Mầm non để sinh hoạt. Hàng ngày, Đồn cử cán bộ, chiến sĩ theo dõi, hướng dẫn và chăm sóc cho các cháu.
Nhằm đảm bảo cuộc sống cho các cháu, lực lượng biên phòng và địa phương, nhà trường cùng chung tay hỗ trợ và kêu gọi nguồn lực bên ngoài để nuôi dưỡng các cháu.
Trải qua hơn 2 năm, từ những đứa trẻ “hoang dã”, nhút nhát, nhờ sự chăm sóc của cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng, các cháu không còn lo lắng mà yên tâm sinh sống và được đến trường học chữ.
Cháu Hồ Thị Niêu, chị gái các cháu cho biết, khi được đưa về Đồn, nhờ Bộ đội biên phòng chăm sóc mà mấy chị em cháu ổn định sinh hoạt, được đến trường học chữ Bác Hồ.
Bộ đội biên phòng chăm sóc các em trong sinh hoạt.
Thượng úy Hồ Văn Hùng, cán bộ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng A Vao - người được Ban chỉ huy Đồn phân công chăm sóc các cháu chia sẻ, sau khi được Đồn nhận nuôi dưỡng, điều kiện sinh hoạt của các cháu được chu đáo hơn. Mấy chị em được bố trí căn nhà để sinh sống.
“Các cháu được ăn cơm có đầy đủ cá, thịt. Đặc biệt, lúc mới về Đồn, các cháu tỏ ra nhút nhát, sợ sệt, nhưng nay các cháu được đến trường học chữ nên tiến bộ hơn, hòa đồng với các bạn”, anh Hùng nói.
Các học sinh biết đọc, viết, hòa nhập tốt với bạn bè
Cô giáo Hồ Thị Ca Băng, chủ nhiệm lớp 2 - nơi những học sinh này theo học vui mừng nói rằng, trước đây khi mới về trường, các em rất bỡ ngỡ, chậm chạp vì chưa làm quen với môi trường học tập, thậm chí không cầm được bút. Nhờ quá trình học tập, rèn luyện, các em giờ đã lên lớp 2, tỏ ra nhanh nhẹn hơn, nhiều em theo kịp với các bạn trong lớp.
Các học sinh được cô giáo tận tình chỉ dạy.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Bình - Hiệu trưởng trường TH-THCS A Vao cho biết, do gia đình các cháu ở xa nên năm trước được đón ra bên ngoài và được Đồn Biên phòng nhận nuôi dưỡng. Nhờ sự giúp đỡ của Đồn Biên phòng nên các cháu được bố trí chỗ ở, sinh hoạt ổn định hơn.
Về phía nhà trường cũng giúp đỡ thêm bằng việc hỗ trợ phần gạo hàng tháng cho các cháu. Ngoài ra, nhà trường bố trí giáo viên, trực tiếp là các thầy, cô giáo ở điểm trường Pa Lin theo dõi, kèm cặp các cháu nên những học sinh này tiến bộ hơn, biết đọc, viết, đi vào nề nếp và hòa nhập tốt với các bạn.
Thượng tá Ngô Đức Tuyến - Đồn Trưởng Đồn Biên phòng A Vao (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cho biết, thực hiện chủ trưởng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc nhận con nuôi đối với các Đồn Biên phòng, trong năm 2018, đơn vị đã nhận 9 cháu đưa về Đồn nuôi dưỡng, chăm sóc. Hiện tại, có 6 cháu đã học lên lớp 2, 1 cháu học lên lớp 1, cháu còn lại đang học Mầm non. Ngoài ra, Đồn cũng nhận nuôi chị gái các cháu để hỗ trợ trong việc sinh hoạt cho các em. Qua một thời gian nuôi dưỡng, các cháu được đi học, hiện các cháu đã biết đọc, biết viết, các chế độ sinh hoạt dần đi vào nề nếp. Các cháu cũng đã có những tiến bộ nhất định trong học tập, trong sinh hoạt, tự biết chăm sóc lẫn nhau.
Các em đã biết đọc, viết, hòa nhập tốt
Theo Thượng tá Tuyến, gia đình các cháu rất khó khăn, các cháu có 13 anh chị em. Cả gia đình sinh sống gần cột mốc 625. Nhận thấy cuộc sống của các cháu vất vả, tương lai mờ mịt, anh em Ban chỉ huy Đồn đã có sự bàn bạc, sau đó thống nhất với cấp ủy, chính quyền địa phương xã A Vao và Ban giám hiệu trường Tiểu học-THCS A Vao đã nhận được sự quan tâm của Hiệu trưởng nhà trường.
“Đồn Biên phòng A Vao đã nhận đưa 9 cháu về nuôi dưỡng, bố trí chỗ sinh hoạt. Đến hiện tại, bằng sự hỗ trợ một phần gạo của nhà trường và các nhà hảo tâm, anh em cán bộ, chiến sĩ trong Đồn cũng trích lương, phụ cấp để chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu”, thượng tá Tuyến chia sẻ.
Có thể nói rằng, Đồn Biên phòng A Vao là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện tốt mô hình “con nuôi biên phòng”, làm cơ sở nhân rộng ra toàn lực lượng.
Học sinh có sự tiến bộ sau khi được học chữ.
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã đón gần 20 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn về các đồn Biên phòng nuôi dưỡng, học tập theo mô hình “con nuôi đồn Biên phòng”.
Các cháu được nhận nuôi chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, con em gia đình chính sách ở khu vực biên giới.
Việc các đồn Biên phòng nhận nuôi đang giúp các cháu có nơi ăn ở, đảm bảo sức khỏe, có điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Qua đó, tăng cường tình đoàn kết gắn bó máu thịt giữa cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới.
Đăng Đức