Bộ Công Thương lên tiếng về kết luận thanh tra tại trường ĐH Điện lực

(Dân trí) - Bộ Công Thương vừa đưa ra ý kiến chính thức về kết luận thanh tra tại trường ĐH Điện lực mà báo chí đã phản ánh.

Theo Bộ Công Thương, ngày 12/10/2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4088/QĐ-BCT về việc thành lập Tổ công tác đôn đốc, giám sát việc thực hiện Kết luận thanh tra về một số sai phạm, hạn chế của Trường Đại học Điện lực trong công tác tuyển sinh, liên kết đào tạo, quản lý chất lượng đào tạo... Tổ công tác đã yêu cầu Trường Đại học Điện lực (EPU), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các kiến nghị.

Căn cứ các kiến nghị của Bộ Công Thương, Trường Đại học Điện lực đã và đang thực hiện thông báo công khai Kết luận thanh tra 8674/KL-BCT. Đến thời điểm ngày 29 tháng 12 năm 2016, Trường Đại học Điện lực đã thu được 31.130.056.906 đồng.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát các khoản thu, chi tài chính của một số lớp liên kết đào tạo... Rà soát số sinh viên của các lớp liên thông liên kết về điều kiện đầu vào, tuyển sinh, kết quả đào tạo, điều kiện tốt nghiệp...Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Trường khi để xảy ra các sai phạm, thiếu sót. Tiến hành xử lý kỷ luật những tập thể, cá nhân có sai phạm nêu trên.

Theo Bộ Công Thương, việc thực hiện Kết luận thanh tra liên quan đến nhiều nội dung về công tác tuyển sinh, đào tạo, tài chính, xử lý kỷ luật... nên Trường Đại học Điện lực đang tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực, cơ quan chủ quản của Trường ĐH Điện lực cũng đã gửi văn bản tới các trường Cao đẳng nghề Điện, Cao đẳng Điện lực miền Trung, Cao đẳng điện lực TP. HCM yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy chế, quy định về tuyển sinh, quy định về đào tạo liên thông, liên kết và chấp hành đúng quy định về phí và lệ phí…

Được biết, ngày 03 tháng 3 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 800/QĐ-BCT về thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cao đẳng, đại học, thạc sỹ; liên kết đào tạo; quản lý thu, chi học phí tại Trường Đại học Điện lực.

Ngày 16 tháng 9 năm 2016, Bộ Công Thương ban hành Kết luận thanh tra số 8674/KL-BCT về nội dung nêu trên. Theo nội dung Kết luận, Bộ Công Thương đã chỉ ra một số sai phạm, hạn chế của Trường về công tác tuyển sinh, công tác liên kết đào tạo, công tác quản lý chất lượng đào tạo, công tác quản lý thu – chi học phí..., trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đồng thời kiến nghị biện pháp xử lý.


Trường ĐH Điện lực

Trường ĐH Điện lực

Trước đó, theo Kết luận thanh tra, Bộ Công thương khẳng định, những sai phạm nghiêm trọng ở trường ĐH Điện lực, trách nhiệm thuộc về Ban giám hiệu, trong đó chịu trách nhiệm trực tiếp là Hiệu trưởng, tiếp đó là trách nhiệm của các phó Hiệu trưởng.

Kết luận của Bộ Công thương cũng nhấn mạnh: Phòng đào tạo chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tham mưu giúp việc cho Hiệu trưởng theo chức năng, nhiệm vụ được giao; Trình Hiệu trưởng ký Thông báo tuyển sinh có một số nội dung không thông qua Hội đồng tuyển sinh.

Thiếu kiểm tra, rà soát hồ sơ tuyển sinh đối với hệ liên thông liên kết, chỉ dựa vào danh sách do các đơn vị đầu mối được giao quản lý đào tạo cung cấp để trình Hiệu trưởng thành lập Hội đồng tuyển sinh dẫn đến nhiều hồ sơ tuyển sinh không đủ điều kiện vẫn được dự thi và trúng tuyển vào trường; Thiếu trách nhiệm trong vai trò Thường trực Hội đồng tuyển sinh làm công tác tham mưu cho Hiệu trưởng khi tuyển sinh từ Cao đẳng nghề liên thông lên ĐH khi chưa được phép của Bộ GD-ĐT.

Là đơn vị tham mưu, giúp việc cho Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhưng trực tiếp làm đầu mối tổ chức xét tuyển sai quy chế đối với 1.699 học sinh tuyển sinh dưới điểm công bố; Thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao dẫn đến không có số liệu chính xác về số lượng trúng tuyển, số lượng đang đào tạo, số lượng đơn vị liên kết… và chất lượng đào tạo của hoạt động đào tạo liên thông liên kết.

Bên cạnh đó, với vai trò đầu mối quản lý đào tạo hệ chính quy nhưng đã tổ chức đào tạo 169 lớp đào tạo theo hình thức liên thông khi chưa có hợp đồng với đơn vị phối hợp đào tạo. Đặc biệt 104 lớp đào tạo liên thông do Phòng đào tạo trực tiếp quản lý không được Hiệu trưởng phê duyệt nhưng vẫn tổ chức liên kết đào tạo là vi phạm quy định trong công tác quản lý đào tạo và tài chính.

Thực hiện thu – chi nhưng chưa thực hiện quyết toán lệ phí tuyển sinh và lệ phí thi tốt nghiệp theo Quy chế của trường; Chưa thực hiện quyết toán kinh phí đào tạo và học phí của các lớp do mình quản lý đã tổ chức thi tốt nghiệp (một số lớp đặt tại Trường trung cấp Nghề Nhân lực quốc tế Hà Nội, Trường CĐ Nghề Phú Châu…)

Tổ chức đào tạo 644 học sinh học chuyển đổi bổ sung kiến thức và thu về số tiền 2,576 tỷ đồng từ các năm 2011 và năm 2012 nhưng chưa nộp về trường là vi phạm về nguyên tắc về quản lý tài chính; Tổng hợp trình Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng ký các báo cáo số liệu đào tạo thiếu trung thực…

“Trách nhiệm đối với các sai phạm, khuyết điểm trên thuộc Trưởng phòng, các Phó phòng và các cá nhân liên quan của Phòng đào tạo” – Kết luận nêu rõ.

Ngoài sai phạm của Phòng đào tạo, Bộ Công thương cũng chỉ ra sai phạm của Phòng Kế hoạch-Tài chính; Phòng Công tác Chính trị và quản lý người học; Trung tâm Đào tạo thường xuyên; Khoa đào tạo Sau đại học; Các Phòng, Khoa, Trung tâm liên quan là đơn vị quản lý đào tạo và quản lý viên chức.

Nhật Hồng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm