Bỏ chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học sang thi tuyển: Vẫn còn nguy cơ tiêu cực?
(Dân trí) - Những tiêu cực trong đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khiến dư luận đặt vấn đề: bỏ hay giữ? Việc lập hội đồng thi tuyển có hạn chế được tiêu cực?
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về vấn đề tuyển dụng, lần này nghị định mới của Chính phủ đã quy định đối với những trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí dụ như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ nữa, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi.
Tương ứng như thế, trong vấn đề tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, nếu những đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không cần phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ.
Vấn đề gây tranh luận nóng tại các kỳ họp Quốc hội và có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Lập hội đồng thi: Nguy cơ tiêu cực
Bộ Nội vụ soạn thảo Nghị định 138 của Chính phủ về thi tuyển công chức, bỏ quy định về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nhưng lại đưa vào phần thi tuyển.
Cụ thể, phần 2 thi Ngoại ngữ có 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm về một trong 5 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc ngoại ngữ khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định, thời gian thi 30 phút.
Phần 3, thi Tin học, cũng có 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm, thời gian thi 30 phút.
Việc quy định hội đồng thi tuyển thay cho văn bằng, chứng chỉ như trên, về lý thuyết là giảm gánh nặng, thủ tục.
Tuy nhiên, "hội đồng tuyển dụng làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo ý kiến mà chủ tịch hội đồng tuyển dụng đã biểu quyết" cho thấy, tính khách quan trong tuyển dụng phục thuộc vào vai trò, cách làm của chủ tịch hội đồng.
Việc người dự tuyển vượt qua kỳ thi ngoại ngữ, tin học do hội đồng các đơn vị, địa phương lập ra phụ thuộc vào tính minh bạch, khách quan của đơn vị, địa phương đó (thông qua hội đồng) có nguy cơ tiêu cực.
Dù quy định "Không bố trí những người thân làm thành viên hội đồng tuyển dụng, thành viên các bộ phận giúp việc của hội đồng tuyển dụng" nhưng việc bố trí thành phần hội đồng không liên quan đến chuyên môn giáo dục, không chuyên môn về ngoại ngữ, tin học dễ phát sinh kẽ hở.
Dư luận băn khoăn, nếu bỏ văn bằng, chứng chỉ để thay bằng "hội đồng thi" do địa phương lập ra như trên, có thể chuyển tiêu cực chỗ này sang chỗ khác.
Vì vậy, vấn đề đặt ra cần thắt chặt thanh, kiểm tra năng lực, điều kiện tại các trường đại học, cơ sở giáo dục, đào tạo để đảm bảo việc học và thi, cấp bằng được thực chất.
Nếu vì bất cập trong đánh giá, kiểm định mà bỏ chứng chỉ thì không khoa học. Đặc biệt, cần có sự rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để quy định trường hợp nào thì sử dụng văn bằng, chứng chỉ, trường hợp nào hủy bỏ.
Trường hợp nào thì thi tuyển, trường hợp nào dùng văn bằng, chứng chỉ, tránh thi tràn lan mà coi nhẹ văn bằng, chứng chỉ của người được tuyển.
Không nên quy định "cứng" chuẩn ngoại ngữ, tin học
Về việc bỏ chứng chỉ, nhiều người cho rằng, quy định rạch ròi là cần thiết.
Chẳng hạn giáo viên mầm non, tiểu học, công chức xã, công chức ở những vị trí ít khi sử dụng ngoại ngữ, không cần quy định chuẩn đầu vào ngoại ngữ.
Còn ở những vị trí thường sử dụng, tùy vào mức độ, yêu cầu để đặt ra trình độ ngoại ngữ phù hợp.
Theo TS Trần Văn Hạnh (Đại học Quốc gia Hà Nội), việc quy định văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển dụng, đề bạt cán bộ, công chức là vấn đề lớn, cần có rà soát, tổng kết kỹ lưỡng.
Đối với chứng chỉ, nhiều trường đại học, cơ sở giáo dục cũng tổ chức thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, cần thanh, kiểm tra để xử lý, loại bỏ những cơ sở không đảm bảo chất lượng. Khi tuyển dụng, cần tách bạch hai vấn đề.
Thứ nhất, ở những lĩnh vực không liên quan nhiều đến ngoại ngữ, tin học thì không cần quy định văn bằng, chứng chỉ và cũng cần bỏ cả phần thi này khi tuyển dụng.
Nếu bỏ văn bằng, chứng chỉ mà lại yêu cầu lập hội đồng thi tuyển ngoại ngữ, tin học thì không khác gì bắt bỏ "đá chỗ này, đeo gạch chỗ kia". "Bỏ chứng chỉ mà lại bắt thi ngoại ngữ bằng hội đồng do họ lập ra thì lấy gì đảm bảo minh bạch, càng gây khó khăn" - TS Hạnh cho biết.
Chuyên gia này cho rằng, ở những lĩnh vực không cần thiết, nếu đã bỏ là bỏ hẳn, không cần văn bằng, chứng chỉ và cũng không cần phải thi tuyển ngoại ngữ chứ không thể bỏ chỗ này mà lại rào chỗ kia, gây phiền phức, tiêu cực.
Thứ hai, ở những lĩnh vực cần sử dụng ngoại ngữ trong công tác, thực thi nhiệm vụ thì yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ vẫn phải duy trì.
Vẫn phải kiểm tra văn bằng, chứng chỉ đạt chuẩn (do cơ sở giáo dục đủ điều kiện cấp) và cũng không thay thế bằng việc tự lập hội đồng thi thay cho văn bằng, chứng chỉ.
Do đó, việc không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học mà quy định năng lực sử dụng ngoại ngữ, tin học, thể hiện trên các kỳ thi trên máy vi tính chỉ tạo ra kẽ hở cho tiêu cực.
TS Đỗ Văn Đương, nguyên Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nhìn nhận khách quan, với những điều kiện thi công chức, chuyên viên chính hay chuyên viên cao cấp thì điều kiện tiếng Anh, tin học là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với điều kiện thi tuyển cho công chức, viên chức hoặc điều kiện để bổ nhiệm, tái bổ nhiệm… thì cân nhắc độ tuổi, tránh người sắp về hưu vẫn phải thi.
Những chứng chỉ do các trung tâm không đủ điều kiện cấp thì không thực tế, cần thanh lọc, còn các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp các chứng chỉ quốc tế uy tín, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì phù hợp.