Bình Định: Nhiều sai phạm ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
(Dân trí) - Không chỉ sai trong việc thu tiền hỗ trợ dạy, học; lập chứng từ kế toán không đúng đối tượng để truy lĩnh phụ cấp ưu đãi; trích giảm chế độ chính sách của giáo viên... mà hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) còn có những phát ngôn không chuẩn mực...
Đó là kết luận thanh tra của Sở GD-ĐT Bình Định về một số sai phạm trong công tác quản lý tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn, Bình Định).
Trích tiền phụ cấp của giáo viên để... “giao dịch”, tiếp khách
Theo kết luận, trong năm học 2012 - 2013, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thống nhất với hiệu trưởng đề ra mức thu tiền hỗ trợ dạy và học 500.000 đồng/học sinh/năm học và tổng số tiền thu được hơn 394 triệu đồng (đã chi hơn 181 triệu đồng, còn dư hơn 212 triệu đồng). Trong đó, chi cho các hoạt động nhà trường hơn 38 triệu đồng, chi vệ sinh, bảo vệ hơn 42 triệu đồng, chi khen thưởng giáo viên gần 60 triệu đồng, chi hoạt động của Ban đại diện và phục vụ các phong trào thi đua của học sinh là hơn 40 triệu đồng.
Việc Ban đại diện học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tự đặt ra mức thu tiền hỗ trợ dạy và học này là sai quy định của luật Giáo dục và thông tư của Bộ GD-ĐT về việc ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Từ ngày 1/1/2008 đến 9/6/2013, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tổ chức thu tiền học chuyên đề với mức thu 130.000 đồng/học sinh/tháng và lập thành 2 bộ chứng từ.
Bộ chứng từ thứ nhất: Trường lập quỹ chuyên đề nâng cao và luyện thi đại học với mức thu 110.000 đồng/học sinh trên tháng để quản lý riêng, với tổng thu hơn 1,67 tỉ đồng. Trong khi đó, bộ chứng từ thứ 2 lại hạch toán trong nguồn kinh phí dạy thêm, học thêm với mức thu 20.000 đồng/tháng/học sinh với mức tổng thu hơn 422 triệu đồng.
Thế nhưng, theo giải trình của nhà trường thì nguyên nhân của việc lập hai danh sách như trên là do mức thu tiền học chuyên đề của nhà trường cao hơn quy định về mức thu tiền dạy thêm, học thêm do Sở quy định.
Theo kết luận, việc Trường chuyên THPT Lê Quý Đôn không lập sổ sách kế toán chung của đơn vị theo quy định mà lập sổ quản lý riêng để chi tiêu là không đúng quy định về nguyên tắc tài chính.
Đặc biệt, cuối năm 2012, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã lập 2 bộ danh sách thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp ưu đãi 35% của cán bộ, giáo viên. Bộ danh sách thứ nhất gửi Kho bạc Nhà nước thanh toán cho cán bộ, giáo viên với số tiền hơn 760 triệu đồng. Bộ danh sách thứ 2 gửi Ngân hàng Đầu tư phát triển để chuyển thanh toán cho cán bộ, giáo viên với tổng số tiền hơn 678 triệu đồng. Số tiền chênh lệch hơn 82 triệu đồng chuyển vào tài khoản của bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy - kế toán nhà trường.
Theo lãnh đạo nhà trường giải trình thì trường cắt 4% trên tổng số phụ cấp ưu đãi 35% đối với cán bộ, giáo viên được truy lĩnh (trừ hiệu trưởng và một phó hiệu trưởng) để thực hiện “giao dịch” theo tinh thần của một cuộc họp Hội đồng nhà trường đã thống nhất, với số tiền hơn 26 triệu đồng. Đồng thời nhà trường trừ lại số tiền chi trả phụ cấp ưu đãi 35% năm 2012 của 7 giáo viên không tham gia giảng dạy với số tiền hơn 56 triệu đồng.
Theo tường trình của bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, số tiền 82 triệu đồng được thực hiện chi theo chỉ đạo của hiệu trưởng, gồm: tất niên cuối năm 15 triệu đồng, mua bia tiếp khách, tặng quà tết hơn 10 triệu đồng. Số tiền còn lại hơn 56 triệu đồng bà Thủy đem bỏ vào phong bì, dán lại cất vào hộc bàn làm việc nhưng quên nộp vì bận rộn công việc.
Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra cho thấy: Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lập chứng từ kế toán không đúng quy định để thanh toán tiền truy lĩnh phụ cấp ưu đãi 35% năm 2012 của 7 giáo viên không tham gia trực tiếp giảng dạy để thanh toán số tiền hơn 56 triệu đồng là vi phạm luật Kế toán. Việc trích 4% trong tổng số phụ cấp ưu đãi 35% năm 2012 của giáo viên cũng sai luật Ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, từ tháng 8/2009 đến 6/2013, nhà trường đã trích 1/% tiền thừa giờ của giáo viên với tổng hơn 31 triệu đồng, giao dịch cho bà Nguyễn Thị Ngọc Thủy, kế toán quản lý và chi theo chỉ đạo của hiệu trưởng Phạm Quang Bắc.
Theo giải trình của đơn vị thì việc trích này là do tập thể cán bộ, giáo viên đồng ý đóng góp để hộ trợ cho nhân viên bộ phận văn phòng. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì không có văn bản nào chứng minh sự đồng ý nói trên. Vì vậy việc trích số tiền trên là không đúng quy định theo luật Ngân sách nhà nước.
Kết quả kém là do “trò ngu hoặc thầy dốt”
Với vai trò là hiệu trưởng, người lãnh đạo nhà trường nhưng ông Phạm Quang Bắc không chỉ có những thiếu sót, sai phạm mà còn có những phát ngôn không chuẩn mực, xứng đáng với người làm nghề giáo.
Theo nội dung đơn khiếu nại, trong cuộc họp toàn trường nêu thành tích sau kỳ thi Olympic 30/4/2011, ông Phạm Quang Bắc có nói với ông Nguyễn Định Thức (là giáo viên giáo viên dẫn đội toán đi thi), "nếu dạy rồi mà trò làm bài không được thì một là trò ngu, hai là trò dốt".
Qua xác minh, ông Phạm Quang Bắc có nói với thầy Thức: “Kết quả kém là do hoặc trò ngu, hoặc thầy dốt”. Phát biểu này đã gây bức xúc cho thầy Thức và một số giáo viên trong trường.
Ngoài ra, trong buổi đối thoại giữa Đoàn thanh tra với Ban giám hiệu nhà trường, đại diện các tổ chuyên môn, các tổ đoàn thể, một số giáo viên còn có ý kiến cho rằng ông Bắc còn nóng tính hay lớn tiếng với cán bộ giáo viên và còn một số phát ngôn không đúng chuẩn mực như: “thầy Thức chưa đủ đẳng cấp ăn nhậu”, “cô Linh phá trường kiểu khác, thầy Phương, thầy Thức phá kiểu khác”...
Đoàn thanh tra kết luận, qua sự việc trên cho thấy với vai trò hiệu trưởng, bí thư chi bộ nhưng ông Phạm Quang Bắc đã phát ngôn như vậy là chưa phù hợp với chuẩn mực của một hiệu trưởng, bí thư chi bộ.
Từ những sai phạm trên, Sở GD-ĐT Bình Định yêu cầu ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân và báo cáo với Sở để xem xét, xử lý.
Đối với trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu trường nhanh chóng kiện toàn cán bộ quản lý nhà trường, đồng thời xây dựng nhu cầu và đăng ký tuyển dụng các chức danh theo quy định và phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường.
Bên cạnh đó, phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại cho người học khoản tiền tồn trong năm học 2012 - 2013 hơn 212 triệu đồng, thu hồi số tiền đã chi sai quy định trả lại cho cán bộ, giáo viên và ngân sách nhà nước...
Doãn Công