"Biến tướng" dạy thêm: Bao giờ "vấn nạn" mới chấm dứt?
(Dân trí) - Hiện tại, chúng ta vẫn theo kiểu cũ, toàn nhồi nhét kiến thức, không để trẻ phát huy khả năng tiềm ẩn một cách tự nhiên. Cần giáo dục làm sao để trẻ thấy được học là niềm vui, chứ để trẻ sợ học...
Trả lời các đại biểu Quốc hội xoay quanh vấn đề dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường xuất phát và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh thì không thể cấm. Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý, cần nghiêm khắc loại bỏ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bộ này đang đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Dạy thêm theo nhu cầu là hoàn toàn chính đáng
Gắn bó 15 năm với giảng đường đại học, cô N.Q.N. (giảng viên môn tiếng Anh tại Hải Phòng) cho biết, dạy thêm trong thời đại hiện nay không hoàn toàn là xấu và tiêu cực.
Giống như bác sĩ tham gia khám chữa bệnh ở phòng khám tư ngoài giờ làm việc, kiến trúc sư sau giờ làm được nhận thiết kế riêng… thì dạy thêm chính là một cách lao động để giáo viên mưu sinh, kiếm thêm thu nhập.
Bên cạnh đó, cuộc sống ngày càng đủ đầy đồng nghĩa với mối bận tâm lo toan cho việc học của trẻ trong mỗi gia đình cũng được đặt lên hàng đầu. Ngoài giờ học chính, rất nhiều phụ huynh có tâm tư, nguyện vọng tìm kiếm thầy giỏi, chỗ dạy thêm uy tín để đưa con đến học, trau dồi kiến thức.
"Tôi cho rằng, dạy thêm theo yêu cầu của người học là chính đáng, không thể cấm và lên án dạy thêm như một việc làm sai" - cô N. nhấn mạnh.
Nhà giáo Trần M.T. (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội) cũng đồng tình với quan điểm này. Theo cô T., việc dạy thêm, học thêm như con dao 2 lưỡi. Tuy nhiên, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, dạy thêm không xấu nếu nhằm mục đích trang bị cho người học thêm hiểu biết về những vấn đề chuyên sâu, phục vụ nhu cầu phát triển cá nhân.
Cô T. phân tích: "Hiện nay, chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế. Trong đó có thể kể đến nguyên nhân sĩ số học sinh đông. Nhiều lớp có sĩ số lên tới 45-50 em, thành ra giáo viên khó có thể tạo ra chất lượng đồng đều, giúp từng em tiến bộ, học tập tốt.
Khi đó, học thêm trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh, và nó đem lại một số lợi ích nhất định. Đối với những học sinh yếu kém, học thêm là khoảng thời gian các em được bù đắp những lỗ hổng kiến thức, củng cố nền tảng và kỹ năng. Ngoài ra, những em có năng khiếu nếu được bồi dưỡng thì sẽ phát huy được trí thông minh của mình liên quan các lĩnh vực khác nhau như tư duy logic, ngôn ngữ, âm nhạc….
Chưa kể, đối với nhiều gia đình, việc học thêm đem lại lợi thế kép khi vừa cung cấp kiến thức, đồng thời giúp họ quản lý trẻ ngoài giờ học, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi có cực nhiều "cạm bẫy" đối với trẻ em".
Khẳng định nhu cầu học thêm là có thật, và người dạy thêm nếu đáp ứng nhu cầu đó thì là hoàn toàn chính đáng, theo cô T., vấn đề quan trọng là quản lý, giám sát thế nào để việc dạy thêm, học thêm không phát triển sai mục đích, biến tướng thành những chiêu trò trục lợi của người đứng lớp.
Theo đó, trước đề xuất đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Bộ GD-ĐT, cô T. cho rằng, đây là việc làm cần thiết và phù hợp. Quy định này nếu được thông qua sẽ phát hiện và xử hợp các trường hợp sai phạm, tạo điều kiện cho các trung tâm và nhà giáo có đủ năng lực được tham gia giảng dạy tốt hơn; đồng thời đảm bảo quyền lợi cho học sinh số tiết, số giờ được dạy, tránh được trường hợp bắt các em học thêm quá nhiều.
Ở một góc độ khác, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, xét về mặt thị trường, việc dạy thêm, học thêm là hoàn toàn bình thường bởi bất cứ ngành nghề nào cũng phải thỏa mãn quy luật "cung - cầu" thì mới tồn tại và phát triển, giáo dục cũng không ngoại lệ.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất đưa hoạt động dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, coi dạy thêm như một ngành dịch vụ được đăng ký, có sự quản lý của nhà nước, phải nộp thuế và bình đẳng như các loại dịch vụ khác.
Song, theo TS. Tùng Lâm, nếu xét về mặt giáo dục, hiện nay, chúng ta đang mắc một lỗi sai, đó là không tạo điều kiện cho trẻ tự phát triển khả năng tiềm ẩn của mình. Người lớn bắt trẻ chạy theo điểm số, bằng cấp. Sự có mặt của hệ thống trường chuyên, lớp chọn… khiến cuộc chạy đua này không hồi kết và sự học mất đi tính bình đẳng.
"Đứng trước vấn đề này, theo tôi, nhà nước cần nhất quán, lựa chọn một quan điểm nhất định: hướng việc dạy thêm theo phát triển thị trường, hay ưu tiên nâng cao giáo dục thì việc chỉ đạo, đưa ra giải pháp xử lý mới được rõ ràng, ngọn ngành và phù hợp".
Học thêm vì… bị ép?
Khẳng định những điểm tích cực của học thêm theo tinh thần tự nguyện nhằm nâng cao tri thức; đồng thời bày tỏ thái độ trân trọng, biết ơn tới những người thầy hết lòng vì học sinh; tuy nhiên, theo sinh viên Trần T.P., sự thật đáng buồn là hiện nay, một bộ phận nhà giáo đã lạm dụng quyền hạn, ép học sinh học thêm, biến việc dạy học này trở thành hoạt động trục lợi, khiến nó mất dần những ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.
Mặc dù đã là sinh viên năm cuối, song P. chia sẻ, bản thân không thể quên khoảng thời gian học thêm đầy "kinh khủng" trong 3 năm cấp ba.
"Ngay từ năm lớp 10, thầy chủ nhiệm (dạy môn Toán) đã "đề nghị" cả lớp học thêm Toán, Lý, Hóa và tiếng Anh dựa trên tinh thần "tự nguyện". Dựa trên nhu cầu cần trau dồi kiến thức, tôi chỉ tham gia học tiếng Anh.
Không học thêm các môn còn lại, khoảng thời gian sau đó với tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trên lớp, thầy dạy một cách qua loa, thậm chí là khó hiểu. Tôi hay bị gọi lên bảng trả bài, thậm chí thầy còn mắng mỏ và bắt bẻ tôi một cách hết sức vô lý.
Không chịu nổi áp lực, tôi đành đăng ký đi học thêm các môn còn lại. Ngoài học phí, tháng nào bố mẹ tôi cũng "còng lưng" vay mượn để trả 800 nghìn đồng tiền học thêm cho 4 môn học. Trong khi đó, tôi học một cách vô định, không hứng thú, không biết mình cần gì, mình là ai. Tôi cứ học thêm một cách ép buộc như vậy suốt 3 năm ròng".
Cô Đoàn Thị Lượng, giáo viên môn Lịch sử thừa nhận, không nói đâu xa, ngay tại cơ sở giáo dục mà cô công tác cũng xảy ra không ít trường hợp giáo viên "gợi ý" cho học sinh đi học thêm, đặc biệt ở các bộ môn mà xưa nay vẫn được xem là "môn chính".
Nhiều trẻ mới lớp 1, lớp 2 đã bị cuốn vào guồng quay của học thêm khi ngày 2 buổi trên lớp, tối "vò võ" viết chữ, làm toán ở nhà thầy cô. Lớn hơn một chút, các con phải làm quen với cảnh "gặm" vội ổ bánh mì để chạy đua với các lớp bồi dưỡng.
Theo cô Lượng, không chỉ là gánh nặng về chi phí học tập đổ dồn lên kinh tế của mỗi gia đình, quan trọng hơn, việc học thêm theo phong trào đã đổ một khối áp lực cực lớn lên vai con trẻ. Các con đã bị "cướp" nhiều thứ, từ sức khỏe, tuổi thơ đến cả khoảng thời gian cần thiết để xây dựng kỹ năng sống, vun đắp tình yêu thương.
Cùng với đó, năng lực tự học, năng lực tư duy của các con bị các lớp học thêm mài mòn đến mức triệt tiêu dần. Nhiều "thầy dạy" còn dạy trước kiến thức cho trẻ ở lớp học thêm. Điều này khiến các con nảy sinh tư tưởng chủ quan, xem thường học chính khóa.
"Tôi cho rằng, cần phải cấm và bài trừ tận gốc tình trạng o ép học sinh học thêm, cắt xén bài giảng trên lớp để dạy cho lớp riêng biệt… bởi trong bất cứ trường hợp nào, việc dạy thêm phải xuất phát từ chính nhu cầu và lợi ích thực tiễn của học sinh" - cô Lượng nhấn mạnh.
Tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"
Đứng trước vấn đề này, theo nhà giáo Đoàn Thị Lượng, để tránh tình trạng giáo viên "vừa đá bóng, vừa thổi còi", chèn ép học sinh, cần đưa ra quy định "tách" thầy cô ra khỏi việc dạy thêm ở chính lớp mà họ đang đứng lớp.
"Dạy thêm, học thêm không xấu. Nó chỉ trở nên méo mó và mất đi giá trị khi bị chi phối và lạm dụng. Tôi nghĩ, những giáo viên không dạy ở trường nào đó nhưng vẫn có học sinh theo học, thì chứng tỏ họ có năng lực sư phạm, rất đáng để khen ngợi và noi gương".
Trong khi đó, giảng viên N.Q.N., cho rằng, lương thấp cũng là một trong nguyên nhân khiến giáo viên phải tìm cách dạy thêm. "Để chấm dứt dạy thêm tràn lan, cần tăng lương cho nhà giáo. Tôi nghĩ trong điều kiện nước ta, khó có thể tăng lương cho giáo viên đạt tới mức sống dư dả. Nhưng nếu được tăng thu nhập, nhà giáo cũng có điều kiện nâng cao chất lượng dạy học nhiều hơn và đỡ phải nghĩ đến chuyện dạy thêm quá nhiều. Tuy nhiên, giải quyết khó khăn về kinh phí cho giáo dục là vấn đề phức tạp, cần sự tính toán kỹ lưỡng chứ không phải ngày một, ngày hai".
Cũng theo cô N., để giảm tình trạng học thêm tràn lan, phụ huynh cũng là nhân tố quan trọng. Theo đó, các bậc cha mẹ không nên chạy đua thành tích hay có tư tưởng so sánh con mình với "con nhà người ta", bởi đây cũng chính là nguyên nhân khiến vòng quay dạy thêm, học thêm cứ quẩn quanh không hồi kết.
Có cái nhìn hoàn toàn khác, TS. Tùng Lâm cho rằng, quá trình quản lý, đặc biệt là "cấm túc" vấn đề dạy thêm thực sự rất khó. Trên thực tế, từ trước đến nay đã có rất nhiều văn bản, tốn nhiều giấy mực nhưng vẫn không thể dẹp bỏ vì xuất phát từ nhu cầu hai phía: phụ huynh và giáo viên.
"Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta cứ vẫn theo kiểu cũ, toàn nhồi nhét kiến thức, không để trẻ phát huy khả năng tiềm ẩn một cách tự nhiên. Cần giáo dục làm sao để trẻ thấy được học là niềm vui, chứ để trẻ sợ học thì thực sự là nguy hiểm.
Quan điểm của tôi, giải pháp tốt nhất chính là nhà nước hãy tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm sao cho thật phù hợp, giúp nền giáo dục phát triển trong sáng, lành mạnh, hướng theo quan điểm chỉ đạo "Học thật" theo chỉ đạo mà Thủ tướng đề ra" - TS. Tùng Lâm nhấn mạnh.