Biến đổi quả mận trái mùa, sinh viên đoạt giải nhì khởi nghiệp

Mỹ Hà

(Dân trí) - Sau 3 năm nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm, nhóm sinh viên Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội đã đưa cây mận trái mùa Mộc Châu (Sơn La) vào khởi nghiệp với giá trị kinh tế gấp 2-3 lần mận chính vụ.

Vượt qua các đội thi, nhóm mận trái mùa Mộc Châu đoạt giải nhì cuộc thi "Sáng tạo khởi nghiệp lâm nghiệp 2024", diễn ra ngày 8/11 tại Hà Nội. 

Biến đổi quả mận trái mùa, sinh viên đoạt giải nhì khởi nghiệp - 1

Ông Lê Minh Hoan (áo xanh), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nếm thử mận trái mùa của nhóm sinh viên Trường ĐH Lâm nghiệp (Ảnh: H. Khánh).

Giá trị kinh tế cao gấp 2-3 lần mận chính vụ

Theo em Phùng Hải Khánh, sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, trưởng nhóm nghiên cứu, kỹ thuật trồng mận trái mùa lần đầu tiên được nhóm nghiên cứu và áp dụng thử nghiệm từ năm 2019 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

"Cũng giống như con người, khi bạn áp dụng phương pháp ăn uống và tập luyện khác nhau, cơ thể sẽ biến đổi theo.

Ở đây, chúng em đã áp dụng kỹ thuật biến đổi sinh lý cây trồng, cắt tỉa cành, ứng dụng khoa học, công nghệ nước tưới tiết kiệm, điện thắp sáng và chăm sóc đặc biệt đã tạo ra các trái mận trái mùa, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các hộ trồng mận, hiệu quả xã hội cho địa phương, đồng thời có tác dụng bảo vệ môi trường sinh thái", Khánh cho biết.

Biến đổi quả mận trái mùa, sinh viên đoạt giải nhì khởi nghiệp - 2

GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng nhà trường và các đội đoạt giải (Ảnh: M. Hà).

Cũng theo đại diện nhóm, sau khi nghiên cứu thử nghiệm, các em đã thu được kết quả khả quan.

Nếu giá thành mận chính vụ khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg, mận trái vụ có giá bán sỉ khoảng 90.000 đồng/kg và bán lẻ khoảng 120.000 đồng/kg. 

"Sở dĩ mận trái vụ có giá bán cao hơn và khả năng tiêu thụ tốt hơn mận chính vụ bởi nguồn cung cấp trái mận chính vụ rất nhiều và chỉ tập trung vào mùa hè, còn mận trái vụ nguồn cung ít hơn trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung cho người tiêu dùng khi trái mùa mận.

Do đó, mục tiêu chúng em đưa ra nhằm góp phần tăng thu nhập, tạo nhiều việc làm cho người dân, đưa khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, tăng nguồn cung cấp trái mận cho người tiêu dùng, tăng thu cho ngân sách nhà nước và địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái", Khánh nói.

Mong người dân thoát cảnh "được mùa mất giá"

Theo Phùng Hải Khánh, vốn em sinh ra là nhà nông, gia đình có vườn mận nên em hiểu loại cây trồng này như lòng bàn tay.

Ngay từ năm lớp cấp 3, em cùng anh trai (cũng là sinh viên Trường ĐH Lâm nghiệp khi đó) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về cây mận nhưng thời điểm ấy, nghiên cứu của các em chưa có kỹ thuật. 

Khi đỗ vào Trường Đại học Lâm nghiệp, Khánh tiếp tục cùng anh trai (đang học cao học tại trường) và các cộng sự tiếp tục phát triển đề tài này để tạo ra những cây mận trái mùa cho quê hương. 

Biến đổi quả mận trái mùa, sinh viên đoạt giải nhì khởi nghiệp - 3

Nhóm sinh viên cùng thầy cô trong hội đồng cố vấn (Ảnh: H. Khánh).

"Tây Bắc là vùng cao núi rừng của Việt Nam có địa hình khó khăn phức tạp nhưng là vùng đất rất tốt để phát triển cây mận. Tuy nhiên, thời gian qua, thực trạng khó khăn được giá mất mùa, được mùa mất giá của người nông dân trồng mận dẫn đến việc giải cứu mận Mộc Châu.

Với mong muốn giảm bớt khó khăn, cải thiện kinh tế cho gia đình, bà con nông dân và khát khao đưa khoa học công nghệ cao gắn với sản xuất nông nghiệp, chúng em - người con của vùng cao núi rừng Tây Bắc, đã tiến hành áp dụng kỹ thuật mới vào việc tạo ra mận trái mùa trên đất Mộc Châu, Sơn La", đại diện nhóm cho biết.

Theo một thành viên Ban giám khảo, dự án mận trái mùa có tính khả thi cao nhưng chưa phải mới bởi người dân đã sử dụng từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên, tính mới mà nhóm sinh viên đưa ra là nhờ áp dụng kỹ thuật bài bản nên cho ra sản lượng quả cao hơn, đồng thời có thể giúp địa phương làm du lịch 4 mùa thay vì một mùa như hiện nay.

Ngoài ra, ban giám khảo cũng đặt ra vấn đề giá thành của 1kg mận khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng, việc tiêu thụ sản phẩm có khả thi hay không? Về điều này, nhóm sinh viên cho rằng mận trái mùa chủ yếu bán buôn cho siêu thị và về lâu dài, có thể xuất khẩu.

Biến đổi quả mận trái mùa, sinh viên đoạt giải nhì khởi nghiệp - 4

Bằng cách áp dụng kỹ thuật, nhóm sinh viên Trường ĐH Lâm nghiệp khiến cây mận ra hoa trái mùa không thua kém chính vụ (Ảnh: H. Khánh).

Đánh giá về đề tài nghiên cứu, TS Đặng Thị Hoa, giảng viên Khoa Kinhh tế và Quản trị kinh doanh, cho biết đây là đề tài phát triển dựa trên nghiên cứu khoa học của thành viên nhóm từ hồi phổ thông. 

Thời gian đầu, các em rất vất vả bởi trường và vườn thực tế cách nhau hàng trăm km. Bằng sự nhiệt huyết, năng động của các em, cộng với sự hỗ trợ từ nhà trường và thầy cô cố vấn, đề tài này đã hoàn thiện hơn. 

"Đây là đề tài có tính thực tiễn cao, đã áp dụng và có kết quả trong thực tế. Điều này chứng minh cụ thể khi các em đã phối hợp thành lập hợp tác xã ở địa phương và đã có sản phẩm đưa vào thị trường.

Đặc biệt, xác định cách làm nông lâm nghiệp phải bền vững, các em đã áp dụng hoàn toàn quy trình chăm sóc hữu cơ, an toàn, thân thiện với môi trường", TS Hoa đánh giá.

Ngày 8/11, Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức chung kết cuộc thi "Sáng tạo khởi nghiệp lâm nghiệp 2024". Sau 5 tháng phát động, có 6 đội thi vào chung kết trên tổng số 11 đội tham gia.

Vượt qua các đối thủ, đội "Cà phê trầm hương Việt" đoạt giải nhất. Giải nhì thuộc về đội "Mận trái mùa Mộc Châu". Giải 3 thuộc về hai đội "Xây dựng ứng dụng bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp các công thức ước tính nhanh tín chỉ carbon rừng" và đội "ROVET - Công nghệ Nội thất". 

Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp, nhà trường coi sinh viên là nguồn lực quan trọng trong phát triển và là tương lai của nhà trường.

Do đó, thành công của sinh viên là mối quan tâm số một. Để các em thành công, khởi nghiệp rất quan trọng, là khởi đầu để các em bước vào thực tiễn sản xuất sau này.  

Tuy nhiên, khởi nghiệp không chỉ là một phong trào, nếu dùng phong trào để khởi nghiệp sẽ không hiệu quả. Do vậy, mục tiêu của nhà trường dùng phong trào để hun đúc các em sự say mê, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, để khởi nghiệp đi vào thực chất.

Ở đó, có sự phản biện của thầy cô, doanh nghiệp, có sự quan tâm tổng quan của nhà trường và sự thúc đẩy của doanh nghiệp để các em tìm ý tưởng phù hợp thực tiễn. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm