Biển đảo vào đề thi Địa Lý, thí sinh hào hứng
(Dân trí) - Kết thúc buổi thi Địa lý, các thí sinh cho biết đề thi mang tính thời sự, đòi hỏi kiến thức xã hội. Câu III-1 có nói về biển đảo, nhiều em cho rằng điều này rất có ý nghĩa. Buổi chiều, các em thi môn Sinh học với thời gian 60 phút.
Em Lê Thị Trà Giang, thí sinh thi tại cụm thi Phủ Lý A cho biết: “Em học chuyên về khối A, nhưng với đề địa như hôm nay em làm được khoảng 70%, mỗi câu thứ 2 về phân tích chuyển dịch cơ cấu là em làm hơi kém”.
Đa phần các thí sinh tại Hà Nam đều nhận xét làm bài tương đối tốt. Các học sinh chuyên khối A, B, D cũng đánh giá là đề Địa bám sát với SGK, sát với chương trình ôn tập của các thầy cô. Sau khi kết thúc môn thi, nhiều thí sinh còn nán lại cùng bạn bè bàn luận về đề thi cũng như đáp án.
“Đề Địa năm nay em thấy dễ hơn năm trước. Bởi đề thi năm nay khái quát hơn, chủ đề mang tính thời sự nhiều hơn. Nếu ai theo dõi thời sự nhiều thì sẽ làm bài tốt hơn nhiều, dễ dàng hơn. Dự đoán của em được 7,5-8 điểm cho môn Địa”, em Nguyễn Hữu Hoàng - học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật dự thi địa điểm Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ sau khi kết thúc môn Địa.
Sau 90 phút làm bài thi môn Địa lý, các thí sinh tại Đồng Nai có chung nhận xét đề thi môn Địa năm nay tương đối vừa sức và không quá dài. Đề thi môn Địa lý sát với chương trình ôn tập nên đa phần thí sinh đều làm bài trôi chảy và khá hài lòng với bài thi của mình. Em Lê Hữu Toàn học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (TP Biên Hòa, Đồng Nai) nhận xét: “Đề thi bao gồm 4 câu lớn trong đó có 1 câu tự chọn. Tất cả các câu hỏi đều gói gọn trong chương trình đã học nên em không cảm thấy bợ ngỡ khi làm bài. Em hoàn tất bài thi trong vòng 75 phút và cảm thấy tự tin về bài làm của mình”.
Cùng tâm trạng phấn khởi khi làm được bài, học sinh Đặng Kim Yến - học sinh Trường THPT Ngô Quyền, TP Biên Hòa cho hay: “Môn Địa không phải là môn sở trường của em nhưng em đã hoàn thành tốt bài thi. Theo riêng cá nhân em, để làm tốt bài thi môn Địa thì không chỉ nắm vững kiến thức đã được học, ôn luyện ở trường mà còn phải biết liên tưởng thực tế. Đặc biệt là câu hợp tác các vấn đề biển đảo. Ở câu này, em ôn tập rất kỹ và thường xuyên theo dõi vấn đề biển đảo trên ti vi, sách báo nên em làm rất tốt”.
Tại trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) trong môn thi Địa sáng 3/6, khi được hỏi về đề thi môn Địa lý các thí sinh học chuyên khối C cho rằng đề thi đối với mình khá dễ, còn với các thí sinh khối khác cũng tương đối "dễ thở".
Thí sinh Phạm Thị Lên (lớp 12/13) cho biết, đề thi Địa lý khá dễ với vì em chuyên khối C, sau khi xem lại em làm được trên 80% đề thi. “Theo em, đối với đề thi môn Địa này, các bạn chuyên khối C thì làm bài khá dễ, còn bạn nào không chuyên cũng làm bài được trên 50%”, em Lên cho biết.
Còn thí sinh Nguyễn Xuân Trinh (lớp 12/2) thì nhận định: Đề thì cũng tương đối dễ làm với các bạn không phải chuyên khối C. Đối với em cũng làm bài được khoảng trên 70%.
Ghi nhận tại địa điểm thi trường THPT Hoằng Hoá III, học sinh ở đây kết thúc môn thi thứ 3 cho biết, đề thi không quá khó nhưng với thời lượng 90 phút thì hơi dài cho các em có thể hoàn thành. Vì thế so với ngày hôm qua thì nhiều học sinh chưa hài lòng lắm về bài thi của mình.
Em Nguyễn Thị Phương, Trường THPT Hoằng Hoá III cho biết: “Phần lý thuyết dài, còn phần thực hành thì ít hơn. Tuy nhiên, đề năm nay không dễ cũng không quá khó. Nếu nắm chắc kiến thức thì cũng có thể làm được 7 hoặc 8 điểm”.
9h sáng nay 3/6, thí sinh khu vực ĐBSCL hoàn thành môn thi thứ ba Địa lý. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Địa năm nay tương đối dễ.
Đánh giá về đề thi, em Trần Công Định (HS THPT Châu Văn Liêm) cho biết, đề có 3 câu chung và 1 câu riêng, trong đó phần lý thuyết không dài lắm, nếu học bài tốt có thể làm được. Còn câu sử dụng Atlat cũng không khó, đọc kỹ đề, tra Atlat sẽ làm tốt câu này.
Em Trần Thùy Dương (THPT Phan Ngọc Hiển) chia sẻ, phần bài tập cũng “dễ ăn” điểm vì số liệu đã cho sẵn chỉ cần vẻ rồi nhận xét chứ không tính toán nên em không mất nhiều thời gian khi làm câu này.
Theo các thí sinh, đề năm nay có một nội dung khá hay là nói về biển đảo ở câu III-1. Các thí sinh bày tỏ, chủ đề biển đảo đã được nói nhiều trên báo chí, diễn đàn trong thời gian qua nên việc đưa vào đề thi em thấy rất có ý nghĩa. Một thí sinh cho biết, với câu này, thí sinh cần phải hiểu là chủ yếu mới làm được.
Tại Cần Thơ, nhiều thí sinh vui mừng vì làm bài thi khá tốt. Đa số các thí sinh đều cho biết, đề thi môn Địa Lí sát chương trình THPT (chủ yếu ở lớp 12). Nội dung thi không khó, nếu thí sinh nắm chắc kiến thức có thể làm được khoảng 60-70%. Đặc biệt, ở câu 3.1 (nói về biển đảo), các em cho là hay, mới và thời sự.
Theo thí sinh Ngọc Bích, dự thi tại điểm trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng): “Các câu hỏi trong đề thi môn Địa lý hoàn toàn nằm trong chương trình học lớp 12, nếu ôn tập đầy đủ thì có thể trả lời được hết các câu hỏi trong đề thi. Trong đó, nếu sử dụng Atlat tốt thì có thể hoàn tất được 50% đề bài với 1 câu hỏi ứng dụng Atlat chiếm 2 điểm và các câu hỏi yêu cầu vẽ biểu đồ”.
Còn thí sinh Hạnh Ngân, cũng thi tại điểm trường trên chia sẻ: “Em nghĩ nếu thường xuyên cập nhật thông tin, kiến thức xã hội qua báo đài..., thì sẽ làm bài thi môn Địa tốt hơn. Ví dụ như câu hỏi về thế mạnh của nguồn lao động ở nước ta; hay câu hỏi về việc tăng cường hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển đảo. Nội dung kiến thức cần để trả lời các cao hỏi đều có trong chương trình giáo khoa, nhưng có thêm kiến thức xã hội thì bài thi sẽ hoàn chỉnh hơn nữa”.
Tại Hà Nội, nhiều thí sinh cho rằng đề thi Địa lý năm nay không khó nhưng cũng cần suy luận và có lượng kiến thức vững chắc thì mới có thể làm bài tốt.
Nguyễn Hoàng Tùng - học sinh Trường THPT Việt Đức tại điểm thi THPT Việt Đức cho biết: “Em làm bài được, nhưng có câu 1 phần liên hệ với thế mạnh lao động Việt Nam thì em thấy hơi khó. Câu đó cần có hiểu biết và lượng kiến thức nhất định về thực tế. Vấn đề này thì em không biết rõ lắm. Còn lại các câu khác thì em thấy đều rất cơ bản và khá dễ.”
Tại HĐT Trường PTDT Nội trú, cụm thi ghép giữa học sinh Trường THPT Đào Duy Từ và trường nội trú, các thí sinh rời phòng thi với vẻ mặt hớn hở vì làm được rất tốt bài thi. Trong số đó, có một số em chỉ làm được một phần bài thi.
Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề thi môn Địa năm nay không quá khó, đề bài có câu hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo đã khơi gợi được sự hiểu biết và ý thức chủ quyền cho các em. Thời gian vừa qua, tình hình trên biển Đông vốn rất “nóng”, vì vậy đề thi này có ý nghĩa rất lớn đối với các thí sinh và thế hệ trẻ sau này.
Cùng chung suy nghĩ với Thảo, một số thí sinh khác cũng tỏ ra phấn khởi với bài thi. Em Trần Văn Quang tỏ vẻ khá tự tin cho rằng, đề thi không quá dài, có thể làm kịp thời gian. Trong đó, câu vẽ biểu đồ rất dễ nhầm lẫn. Em hy vọng mình sẽ đạt được điểm cao trong môn này.
Tương tự, em Kim Anh, học sinh trường THPT Gia Định cho biết “ngay khi phát đề ra, các bạn trong phòng thi của em đều “nhăn mặt”. Đề này buộc chúng em phải suy luận nhiều, áp dụng hiểu biết bên ngoài trong khi đó phần vận dụng Atlat cũng ít. Ở câu 2 “Hoạt động xuất khẩu của nước ta có những chuyển biến tích cực thế nào” và câu 3.1 “Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển, đảo có ý nghĩa như thế nào”, em cứ viết bừa thôi. Với dạng đề này, chúng em làm đến hết giờ mới kịp.
Nhiều thí sinh cho rằng phần vận dụng Atlat trong đề này ít. Theo em Chu Đình Chiến, học sinh trường Hưng Đạo thì trong cơ cấu đề có 7 câu thì chỉ 2 câu phải dùng tới Altat là ít. Đề “rất mở”, với học sinh chuyên môn này thì rất thích nhưng với các bạn học trung bình thì sẽ rất “chật vật”. Nhiều bạn lớp em than rằng chỉ làm được 4 điểm. Mặc dù vậy, thí sinh này cũng đánh giá câu 3.1 khá hay. “Là một công dân Việt Nam thì bắt buộc phải quan tâm đến tình hình của nước nhà như thế nào. Câu hỏi này buộc học sinh không chỉ lo học mà phải biết đến vấn đề thời sự của đất nước.”, Chiến cho biết.
Em Trần Thị Thu Thủy, dự thi tốt nghiệp tại Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) niềm nở cho biết: “Đề thi môn Địa lý năm nay theo nhận định của em là không khó lắm! Không chỉ em mà hơn 2/3 các thí sinh cùng phòng thi với em đều hoàn thành bài thi khá nhanh chóng. Nói chung đề ra bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, không đánh đố thí sinh, em làm xong bài thì còn dư khoảng 15 phút”.
Trong khi đó, thí sinh Bích Đào dự thi cùng trường với thí sinh Trần Thị Thu Thủy cho hay: “Đề thi môn Địa lý năm nay nhìn chung tương đối khá dài, trong đó tập trung vào các câu hỏi lý thuyết. Theo em với đề thi này, học sinh trung bình có thể dễ dàng làm được trên 5 điểm nếu chịu khó học bài. Các bạn trong phòng em khi ra khỏi phòng ai cũng hứng khởi, em nghĩ là các bạn đã làm được bài”.
Tại Bình Định, ngày thi đầu tiên diễn ra khá thuận lợi, thêm vào đó thời tiết mát mẻ ủng hộ sĩ tử có được một tinh thần thoải mái nhất để làm bài thi.
Các thí sinh đều nhận định đề Địa nhẹ nhàng và có những câu hỏi hay như vấn đề lao động việc làm đang được xã hội quan tâm, nhất là đối với các bạn thí sinh sắp trở thành những sinh viên lại phải đối mặt với chuyện sau khi học xong ra trường sẽ làm gì. Đặc biệt, trong đề thi có câu liên quan đến tăng cường giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong các vấn đề biển, đảo được các thí sinh quan tâm.
Nhận xét về đề thi, em Nguyễn Thanh Thủy, dự thi tại hội đồng thi Trường THPT Trần Cao Vân chia sẻ: “Nhìn chung đề Địa cũng nhẹ nhàng, các câu hỏi không quá khó vì kiến thức tập trung trong sách giáo khoa được thầy cô ôn rất kỹ nên dễ kiếm được khá trở lên”.
Kết thúc buổi thi các thí sinh tại điểm thi trường Lê Quý Đôn (TP Nhà Trang, Khánh Hòa) cho biết đề thi tương đối, không dễ cũng không khó, đa số các em đều làm được. Em Lê Công Hoài Sơn, học sinh trường Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang cho hay em đã làm hoàn thành 4 câu hỏi của đề thi, trong đó em tâm đắc nhất câu 3 về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề biển, đảo có ý nghĩa như thế nào.
Tại Quảng Trị, theo ghi nhận của PV tại các hội đồng thi trường THPT Lê Lợi, THPT Đông Hà, THPT thị xã Quảng Trị, THPT Nguyễn Huệ, trường THPT Chu Văn An, các thí sinh thi xong đều đánh giá đề Địa lý năm nay vừa sức, phù hợp kiến thức đã học và mang tính thời sự đặc biệt là câu hỏi 3 ý 1 về biển đảo.
Em Phạm Nguyễn Thành Nhân (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thi ở hội đồng THPT Lê Lợi) hồ hởi chia sẻ: Đề thi năm nay có 4 câu, trong đó chủ yếu là câu hỏi không khó. Theo em để làm đề thi năm nay thì chỉ cần ôn luyện thật kỹ kiến thức mà các thầy cô giáo đã ôn luyện cho là làm được. Đặc biệt, em thích nhất là câu 3 ý 1 hỏi về: Việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề về biển, đảo có nghĩa như thế nào? Theo em, để làm được câu này, ngoài kiến thức đã học trên lớp còn cần phải có kiến thức xã hội về biển đảo. Rất may mắn cho em là thường xuyên xem chương trình thời sự nên câu này em làm rất tốt.
Với khuôn mặt vui tươi sau khi xong môn Địa, em Hoàng Thị Mến (học sinh Trường THPT Chế Lan Viên) nói: Em học khối A nhưng em làm bài thi môn Địa rất tốt, khoảng 7 điểm. Em thích nhất là câu hỏi 3 ý 1 về biển đảo. Trên trường lớp em đã được thầy cô giáo dạy rất tỉ mỉ về vấn đề này cộng với hiện tại vấn đề biển đảo đang là sự kiện nóng nên câu hỏi đó em làm tốt.
Em Văn Ngọc Phú (học sinh Trường THPT Thị xã Quảng Trị) ra khỏi phòng thi chỉ sau 2/3 giờ làm bài, em vui vẻ cho biết : “Địa lý vốn là môn học ưa thích của em. Những câu hỏi trong đề ngoài việc học hành tiếp thu bài giảng của thầy cô phải cần theo dõi thông tin thời sự để có kiến thức, thông tin mà lý luận. Biểu đồ cũng không đánh đố mà chỉ rõ dạng biểu đồ cần vẽ. Em tự tin bài làm được tầm 8 đến 9 điểm.”
“Câu 3.1 khá đặc biệt khi hỏi ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và láng giềng trong vấn đề biển đảo. Câu 3.2 vẽ biểu đồ thì quá dễ khi nói thẳng ra yêu cầu vẽ biểu đồ hình cột kết hợp đường.”
Đề thi tốt nghiệp THPT Địa lý: Dễ nhưng vẫn có câu hỏi “bẫy”
Đó là nhận định của cô Nguyễn Thị Minh Đỗ - giáo viên Địa lý, Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) khi trao đổi với PV Dân trí.
Đánh giá về đề thi Địa năm nay, cô Đỗ cho biết: “Đề thi năm nay so với năm trước kiến thức nhẹ hơn, ngắn hơn nhưng kiến thức vẫn trải dài chương trình từ tự nhiên đến lao động, việc làm, kinh tế… phù hợp với trình độ học sinh. Hệ thống các câu hỏi trong bài học sinh dễ gỡ điểm nhưng trong đề có câu hỏi yêu cầu học sinh phải tư duy là câu hỏi: Nguồn lao động nước ta có những thế mạnh gì? Tại sao việc làm là vấn đề kinh tế - xã hội lớn ở nước ta hiện nay? Câu hỏi này bắt buộc học sinh phải phân tích nguyên nhân và phải có kiến thức Địa lý chắc chắn mới phân tích kỹ được”.
Đối với câu hỏi về biển đảo, cô Đỗ cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm. Với câu hỏi này, giáo viên là người có kinh nghiệm sẽ có ý thức dạy kỹ cho học sinh bởi vì đây là vấn đề phù hợp với tình hình thời sự hiện nay và cũng không quá khó, phù hợp với học sinh.
Về câu hỏi trong phần chương trình chuẩn và chương trình nâng cao là câu hỏi “bẫy” học sinh. Học sinh phải hết sức để ý và đọc kỹ câu hỏi mới làm bài đúng được chứ không sẽ trình bày thừa, tràn lan và dễ mất điểm. Nói chung, đề thi năm nay, có nhiều câu hỏi sử dụng Át lát nên nếu học sinh được giáo viên dạy kỹ và nghiên cứu kỹ quyển Atlat sẽ đạt điểm cao.
Cô Đỗ nhận định: Với đề thi Địa năm nay, điểm thi sẽ cao hơn năm trước, phổ điểm trung bình sẽ là 5 - 6 - 7. Hồng Hạnh (ghi) |