Bí quyết giành “mưa” huy chương Olympic của thầy trò Trường THPT Chuyên Lam Sơn
(Dân trí) - Năm học 2017-2018, trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đã gặt hái một mùa bội thu với 6 huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế và châu Á trong đó có 3 huy chương Vàng, 2 huy chương Bạc. Đây cũng là thành tích cao nhất của miền đất học Thanh Hóa trên đấu trường quốc tế từ trước đến nay.
Bội thu giải thưởng
Từ khi thành lập đến nay Trường THPT Chuyên Lam Sơn liên tục có học sinh giành nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Tính đến năm học 2017-2018, nhà trường có 41 học sinh đạt giải Olympic Quốc tế (7 HCV, 15 HCB,15 HCĐ, 4 bằng khen); 16 học sinh đạt giải Olympic khu vực (2 HCV, 3 HCB,7 HCĐ, 4 bằng khen); 1 dự án đạt giải ba kỳ thi Khoa học Kỹ thuật Quốc tế; 1.631 giải Quốc gia (trong đó có 74 giải Nhất).
Năm học 2017-2018, trường THPT Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đã gặt hái một mùa bội thu huy chương Vàng, Bạc tại các kỳ Olympic quốc tế và châu Á.
Cụ thể, ngày 23/7, học sinh Hoàng Minh Trung đã trở về từ kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế 2018 với chiếc HCV đầu tiên.
Chỉ một tuần sau, Thanh Hóa và Trường THPT Chuyên Lam Sơn lại đón tin vui khi em Nguyễn Ngọc Long đạt HCV môn Vật lý và Nguyễn Văn Chí Nguyên với chiếc HCB môn Hóa Học Olympic quốc tế.
Như vậy, năm nay là lần đầu tiên trong lịch sử của Trường THPT Chuyên Lam Sơn, tại kỳ thi Olympic quốc tế, học sinh nhà trường đã giành HCV Vật lý và Sinh học.
Trước đó, tại kỳ thi Olympic châu Á - Thái Bình Dương 2018, học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn giành được 1 HCV môn Vật lý (em Nguyễn Ngọc Long), 1 HCB Tin học và 1 HCĐ môn Vật lý.
Với “bảng vàng thành tích” lập được trong năm 2018, các em đã góp phần làm dày thêm thành tích của học sinh Thanh Hóa và bảng vàng thành tích của trường THPT Chuyên Lam Sơn - một trong những cái nôi đào tạo học sinh giỏi hàng đầu của cả nước.
Bí quyết “ươm mầm” nhân tài
Vinh quang này là sự nỗ lực cố gắng của cả tập thể nhà trường, trong đó ngoài sự tự học và vươn lên của học sinh còn là cả một sự dày công cố gắng và tâm huyết của các giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Trong đó phải kể đến các thầy cô như Lê Văn Hoành, Phạm Ngọc Quang, Ngô Xuân Ái, Lê Văn Vinh, Trịnh Thọ Trường, Lê Hồng Điệp, Nguyễn Thanh Sơn, Mai Châu Phương, Phạm Thị Nga, Lê Thị Thủy… Và còn rất nhiều giáo viên trong nhà trường đã hết lòng vì học sinh thân yêu của mình.
Chia sẻ với Dân trí, học sinh Nguyễn Văn Chí Nguyên cho rằng, để có những tấm huy chương vinh quang hôm nay, ngoài sự nỗ lực tìm tòi, học hỏi của các em còn có công lao to lớn của người “truyền lửa đam mê” và dìu dắt, các em mới có thể đến đỉnh vinh quang.
Các thầy cô giáo Trường THPT Chuyên Lam Sơn cùng em Nguyễn Ngọc Long trở về mang theo HCV môn Vật lý quốc tế.
Với cô Mai Châu Phương, với 10 năm trong nghề, cô đã dìu dắt học sinh để các em mang về 1 HCV và 2 HCB. Cô chính là giáo viên trực tiếp dạy em Nguyễn Văn Chí Nguyên - người giành HCB Olympic Hóa học quốc tế 2018.
Chia sẻ về phương pháp dạy học để học sinh đạt được kết quả cao, cô Phương cho biết, cô luôn phân học sinh làm ba nhóm đối tượng để giảng dạy một cách hiệu quả nhất. Nhóm học bình thường, nhóm thi quốc gia và nhóm thi quốc tế. Những kiến thức cần dạy chung thì truyền thụ trước lớp, từng nhóm đối tượng sẽ có bài tập riêng.
Ngoài ra, trong thời gian rảnh, những học sinh tiềm năng (hạt giống thi quốc tế) sẽ được cô bồi dưỡng riêng ở nhà mà không cần đóng học phí. Sau mỗi kỳ thi, cô trò phải ngồi lại thật nghiêm túc để xem mình đã đạt được gì, chưa đạt được gì, thất bại từ đâu, vì sao lại thất bại. Và bao giờ cũng thế, cả cô và trò đều rút kinh nghiệm ngay lập tức để thời gian tới không thể mắc lại sai lầm.
Cô luôn dặn học trò: “Cho dù là kỳ thi nhỏ tham gia phải khác biệt không bằng lòng, thỏa mãn với thành quả ấy thế mới vươn cao được”.
Cô Mai Châu Phương, thầy Chu Anh Tuấn cùng học sinh đạt HCB Olympic Hóa học quốc tế 2018.
Còn thầy Lê Văn Hoành, dạy môn Vật lý được xem là một trong những giáo viên giúp học sinh mang lại nhiều giải, huy chương nhất cho Trường THPT Chuyên Lam Sơn. Thầy Hoành là người trực tiếp dạy em Nguyễn Ngọc Long - học sinh giành "cú đúp" 2 HCV tại Olympic Vật lý quốc tế và Vật lý châu Á năm 2018.
Với thầy Hoành, “nghệ thuật” để thầy có được nhiều những “hạt giống” quốc tế đó là: “Muốn học sinh tiếp thu được bài học và có một tư duy sáng tạo, người thầy phải thổi cho các em một niềm đam mê, niềm đam mê thực sự về môn học. Điều thứ hai cần thiết đó là người thầy phải dạy được chương trình cơ bản thật giỏi, phải xứng đáng là người thầy về năng lực và cái cuối cùng là làm sao để học trò tin tưởng mình tuyệt đối. Học sinh có tin tưởng mình thì mới phấn đấu lao vào những cuộc chiến cam go”.
Với thầy Hoành, đối với học sinh thi quốc tế thì sau 1 thời gian dạy 1 năm, 2 năm, thầy với trò xem như là bạn của nhau, sắp đi thi quốc tế thì thầy như là học trò, thầy lúc đó chỉ hướng dẫn cho tìm nguồn tài liệu nào, sách nào nên học.
Bảng vàng thành tích của Trường THPT Chuyên Lam Sơn tiếp tục được củng cố và duy trì mạnh mẽ trong thời gian qua, ngoài sự cống hiến tận tụy của các thầy cô giáo còn có người “thuyền trưởng” - Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, người đã được UBND tỉnh Thanh Hóa tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý ngôi trường từ năm 2015.
Trước đó, thầy Chu Anh Tuấn là Hiệu trưởng Trường Quảng Xương 1 - ngôi trường ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa có thành tích chỉ đứng sau Trường THPT Chuyên Lam Sơn.
Kể từ khi được giao trọng trách chèo lái Trường THPT Chuyên Lam Sơn, thầy Chu Anh Tuấn luôn “đau đáu” làm sao để không chỉ giữ vững “phong độ” cho trường mà còn phải phát huy nhiều hơn nữa thế mạnh và thành tích vốn có.
Theo thầy Chu Anh Tuấn, để có được bảng vàng thành tích này, ngoài nỗ lực của học sinh còn là sự cố gắng dày công của tập thể thầy cô giáo.
Theo thầy Tuấn, phương châm “muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi” luôn đúng. Vì vậy, từ khi đảm nhận chức vụ hiệu trưởng, NGƯT Chu Anh Tuấn luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và tạo mọi điều kiện để các thầy cô nhà trường phát huy hết năng lực, trình độ của mình.
Thầy Tuấn cho hay, điều quan trọng nhất là tôn trọng và tạo mọi điều kiện tốt nhất để thầy cô chuyên tâm với sự nghiệp trồng người. Bên cạnh đó, nhà trường bằng mọi cách mời được các thầy cô, các GS, TS nổi tiếng về bồi dưỡng cho học sinh giỏi.
Để có được những nhân tài cho trường THPT Chuyên Lam Sơn, thầy Tuấn đã chủ động tìm kiếm, quy tụ những học sinh xuất sắc về trường. Đó là ngay khi các em còn đang học tại các trường THCS, đặc biệt là các trường trọng điểm, thầy đã đích thân đến tận nơi để gặp mặt các trưởng phòng giáo dục, các hiệu trưởng, tìm hiểu những học sinh giỏi, xuất sắc nhất để “đặt hàng”, mời gọi về trường.
Một năm học mới sắp cận kề, tập thể lãnh đạo trường THPT chuyên Lam Sơn chuẩn bị bước vào một giai đoạn tìm kiếm nhân tài mới nơi đất học xứ Thanh.
Điều mà NGƯT Chu Anh Tuấn luôn trăn trở là vài năm nữa, nhiều giáo viên của trường sẽ nghỉ hưu. Nếu ngay từ thời điểm này, không tìm nguồn kế cận thì e rằng trong tương lai nhà trường sẽ thiếu hụt đội ngũ giáo viên giỏi để có thể tiếp tục đào tạo nhân tài. Đây là điều mà thầy hiệu trưởng cùng tập thể lãnh đạo nhà trường đang quan tâm, tìm hướng khắc phục.
Nguyễn Thùy