Bí quyết giải “độ khó” bài thi tiếng Anh kỳ thi THPT quốc gia
(Dân trí) - Bài thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay có một số thay đổi so với năm trước. Theo đó, có thêm dạng bài viết lại câu sao cho nghĩa không đổi và bài viết luận tương ứng với 2 điểm và 64 câu hỏi trắc nghiệm tương ứng với 8 điểm.
Để đạt được điểm số cao ở bài thi tiếng Anh, các em học sinh cần ôn luyện kỹ
Về nội dung trắc nghiệm: Đề thi bao gồm các kiến thức từ cơ bản đến nâng cao về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cụm từ và thành ngữ. Nội dung các bài đọc và hoàn thành đoạn văn cũng được nâng dần lên về mức độ khó.
Để đạt được điểm số cao ở bài thi tiếng Anh, các em học sinh cần ôn luyện kỹ:
- Phần ngữ âm, trọng âm (5 câu): Ôn tập kỹ các quy tắc đánh trọng âm đặc biệt lưu ý các trường hợp ngoại lệ. Các quy tắc phát âm và các cách biến đổi âm khi chuyển đổi từ loại. Phần này các em nên cố gắng dành tối đa số điểm. Lưu ý: luôn áp dụng phương pháp loại trừ nếu các em gặp phải một từ mà mình không chắc cách phát âm hoặc trọng âm như thế nào.
- Phần hoàn thành câu gồm các câu hỏi từ vựng, ngữ pháp tổng hợp và chức năng giao tiếp (19 câu): Phần này có các câu tương đối dễ đó là các câu hỏi ngữ pháp cơ bản về từ loại, cấp so sánh, trật tự tính từ , thì của động từ, đảo ngữ, cấu trúc câu dự đoán trong quá khứ hay các loại mệnh đề. Các câu hỏi khó hơn là câu cụm tính từ, cụm động từ, thành ngữ. Các câu hỏi dễ của phần này các em cũng nên cố gắng dành tối đa số điểm. Phần thành ngữ nếu rơi vào các câu thành ngữ mà các em chưa được học thì cần vận dụng khả năng phán đoán và suy luận. Trong mọi trường hợp, các em cũng không nên bỏ trống bất kỳ đáp án nào. Khi điền bừa, khả năng đúng chỉ là 25% (1 trong 4 đáp án) nhưng nếu bỏ trắng cơ hội của các em là 0%.
- Chữa lỗi sai (5 câu): cần nắm chắc cấu trúc câu, sự phù hợp chủ ngữ và động từ, cấu trúc song song và các kiến thức liên quan đến từ loại. Đây là dạng bài tương đối cơ bản, các em cần nhìn kỹ cả bốn đáp án và xem xét trên toàn diện câu để có được đáp án chính xác.
- Từ đồng nghĩa trái nghĩa (5 câu): Phần này đòi hỏi kiến thức từ vựng rộng đi kèm với kỹ năng suy đoán nghĩa của từ trong câu. Đây là dạng bài tương đối khó đặc biệt với những học sinh “lười học từ vựng”. Luôn áp dụng kỹ năng suy luận và loại trừ với các dạng bài khó.
- Phần hoàn thành đoạn văn (10 câu) và 2 bài đọc hiểu (20 câu) : Dài và khó, gồm 3 bài và tổng số câu hỏi của 3 bài này chiếm gần một nửa phần bài trắc nghiệm (tổng số câu hỏi của phần trắc nghiệm là 64 câu). Đa số học sinh từ trung bình khá trở xuống không làm được phần này. Phần này đòi hỏi học sinh phải có lượng từ vựng phong phú và kỹ năng làm bài chắc chắn. Kỹ năng đọc hiểu ví dụ: kỹ năng skimming (đọc lướt để lấy ý chính), scanning (đọc lướt để lấy thông tin cụ thể) hay paraphrasing (cấu trúc tương đồng) là các kỹ năng bắt buộc phải nắm được đối với bài đọc hiểu. Hơn nữa, học sinh còn phải có lượng từ vựng đa dạng thuộc nhiều chủ điểm khác nhau như: Khoa học, xã hội, thể thao, âm nhạc, vvv… Phần này các em nên đọc kỹ câu hỏi và tìm thông tin trong bài ở những đoạn có chứa câu hỏi, sau đó dịch sơ qua ý nghĩa của đoạn đó và lựa chọn đáp án theo đúng yêu cầu của bài. Với những câu hỏi “NOT” hoặc “EXCEPT” (cái gì không được nhắc đến trong bài) áp dụng phương pháp loại trừ. Các em học yếu cũng không nên bỏ qua dạng bài này mặc dù đây là những dạng khó nhất của đề. Một bài đọc hiểu khó cũng có thể có đến 1-2 câu dễ, thông tin dễ dàng được tìm thấy trong bài.
Như vậy trong số 64 câu hỏi trắc nghiệm thì có thể nói lượng câu hỏi và bài tập khó lên tới 50%.
- Phần viết (writing)chia làm 2 phần khá hợp lý.
Dạng bài viết lại câu đồng nghĩa với câu cho sẵn (5 câu) đòi hỏi học sinh phải nắm vững và sử dụng thành thạo các cấu trúc ngữ pháp và cấu trúc câu.
Phần viết đoạn văn đòi hỏi học sinh phải có vốn từ vựng đủ tốt, biết cách trình bày một đoạn văn đúng chủ đề, có lô gich, đúng chính tả, ngữ pháp và có tính sáng tạo.
Đặc biệt, bài viết đoạn văn ở phần 2 sẽ là một thách thức đối với học sinh phổ thông khi thời lượng của bài thi chỉ là 90 phút. Nếu chia đều thời gian làm bài, thì toàn bộ phần viết (writing) cần được hoàn thành trong 18 phút. Điều này rất khó với học sinh đặc biệt là khi các em chỉ có khoảng 3 tháng để ôn luyện cho phần thi này. Hầu hết học sinh đã lựa chọn phương pháp học “tủ” một số bài luận mẫu để đối phí với phần thi này.
Phần Viết cũng là phần thi dành cho đối tượng học sinh khá giỏi.
Có thể nói, với những điểm mới của bài thi tiếng Anh kỳ thi THPTQG năm nay thì bài thi được đánh giá là một bài thi toàn diện, bao quát kiến thức học sinh được tiếp cận trong chương trình. Tuy nhiên cũng là bài thi phân hóa tốt năng lực của học sinh phục vụ cho xét tuyển vào các trường đại học đặc biệt là các trường khối Chuyên ngữ.
Cô Mai Phương – Giáo viên dạy trực tuyến tại moon.vn