“Bí mật học đường” bị đọc ra rả giữa giờ chào cờ
(Dân trí) - Có những sai phạm, bí mật của học sinh cần được xử lý "kín" thì không ít trường học... đọc ra rả giữa giờ chào cờ, trước hàng ngàn người như thể xem đó là cách thức giáo dục.
Cầm loa "vạch" tội học sinh
Một cựu giáo viên nhà ở quận 7, TPHCM kể nhiều năm qua cứ thứ 2 đầu tuần là cô ám ảnh với giờ chào cờ của một ngôi trường sát ngay nhà. Khi chuẩn bị cho một tuần mới, đứng bên này nhìn sang ngôi trường cô lại thấy cảnh cả nghìn học sinh (HS) tập trung kín mít dưới sân trường, một vị cầm micro đọc oang oang những lời la mắng, đe nẹt kiểu như "Các em không được.../Cấm...".
Tiếp đó là những từ khóa quen thuộc tuần nào cũng lặp đi lặp lại như kỷ luật, đánh bạn, mang điện thoại, hỗn với giáo viên... với tên, lớp cụ thể của HS. Nếu tập trung lắng nghe, sẽ thấy có nhiều thông tin lẽ ra cần giữ bí mật, xử lý kín đáo như chuyện học trò yêu đương, mâu thuẫn với giáo viên... được "lôi" ra công khai trước toàn trường.
Tại Trường THCS B.A. (Q.2, TPHCM) từng diễn ra hình thức xử phạt "bêu" học sinh kém trước toàn trường vô cùng đau lòng. Sau khi có kết quả điểm kiểm tra giữa kỳ, học sinh nào bị điểm kém các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh bị đọc rõ tên, nhắc nhở trong giờ chào cờ, lần lượt, mỗi tuần sẽ phê bình một môn.
Chưa hết, trường còn yêu cầu các em học sinh lên làm bài kiểm tra ngay giữa cờ trước sự chứng kiến của tất cả mọi người trong trường. Nhiều HS của trường hoảng loạn, nhiều em đến thứ 2 là không dám đi học.
Phía nhà trường cho rằng đây là hình thức áp dụng nhiều năm qua và không nghĩ lại gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh. Sau khi phụ huynh bức xúc, các cơ quan quản lý can thiệp, trường từ bỏ hình thức "dằn mặt, bêu riếu" này.
Hay tại Huế, từng xảy ra trường hợp, phụ huynh không đồng ý các khoản tiền vô lý, HS chưa kịp đóng thì bị bêu tên trong giờ chào cờ nhiều tuần liền. Hay một hiệu trưởng ở Thanh Hóa từng bị kỷ luật vì bêu tên phụ huynh thắc mắc, phản ứng về các khoản đóng góp trong giờ học chào cờ.
Khen công khai, chê bí mật
Không ít quản lý trường học dễ dãi buông tay kỷ luật các em với hình thức cảnh cáo trước toàn trường như một chuyện bình thường, xem đó là một phương pháp giáo dục, trong khi làm tổn hại tất cả, kể cả những người không liên quan. Hình ảnh cô/cậu học trò cúi gằm mặt xuống đầy tủi hờn hay vênh mặt lên đầy thách thức, bất cần trong giờ chào cờ... trở thành một "mối nợ lương tâm" trong rất nhiều người.
Một quản lý giáo dục kể, khi nhận công tác tại một trường học, việc đầu tiên là bà bắt dẹp ngay vụ "giáo huấn tập thể" trong giờ chào cờ bởi điều này gây tổn thương, không có tính giáo dục đối với những em học sinh vi phạm. Và theo bà, giờ chào cờ là sinh hoạt chung của tất cả mọi người, không thể bắt cả ngàn em HS còn lại nghe những thông tin tiêu cực, nặng nề để khởi động cho một tuần mới.
Ngoài việc xử lý chung chung với các quy định như một phản xạ, bà cũng phân tích, trong tiềm thức, nhiều quản lý, nhà giáo thích thể hiện sự oai phong, thích diễn vai quan trọng với hình phạt phê bình, chỉ trích, giận ghét, dằn mặt, trừng phạt ... Họ dễ dàng bỏ qua việc khen ngợi, khích lệ hay sự quan tâm, gợi mở với những câu hỏi vì sao lại như vậy? Thầy có giúp được gì cho con? Liệu có cách nào tốt hơn không?...
Chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ, một đứa trẻ vi phạm nội quy dễ dàng được gán cho ác từ “học sinh cá biệt”. Có thể là đứa trẻ cá biệt thật. Đứa trẻ ấy cá biệt là bởi vì trong nội tâm của em đầy giông bão, trái tim của em đầy vết thương... nhưng chúng ta lại có thể hành xử với các em như tội phạm.
Theo bà, hình thành nhân cách là một quá trình kéo dài dài. Đến khi về hưu, đến già vẫn còn nhiều điều chưa hoàn thiện. Khi đứa trẻ sai, càng cần được tạo điều kiện để được làm lại việc ấy một cách đúng đắn và lẽ dĩ nhiên điều này phải là sự tác động tích cực.
TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản nhất của ứng xử là khi khen cần khen nơi đông người, chê nơi riêng tư thì giáo dục chúng ta toàn làm ngược lại. Lễ chào cờ, sinh hoạt cần khen ngợi, động viên, khích lệ HS thì lại để trừng phạt, bêu riếu học sinh vi phạm. Không chỉ làm tổn thương HS mà còn làm mất đi ý nghĩa giáo dục đạo đức, giá trị sống, hành vi cho HS.
Hoài Nam