Bi kịch "hậu Gateway" và quy trình lương tâm

Mỹ Hà

(Dân trí) - Vụ bé tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón gợi lại nỗi kinh hoàng cách đây hơn 4 năm. Một bé tử vong trong ngày đầu tới trường, một bé tử vong trong ngày bế giảng năm học.

Bi kịch "hậu Gateway"

Những ngày này, Trường mầm non Hồng Nhung 2 (lô 2021, Khu tái định cư 26 ha, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình) vẫn đón học sinh tới lớp.

Ở vỉa hè cạnh trường, nơi chiếc ô tô màu tím định mệnh từng đỗ và bị phá cửa để cứu cháu bé tử vong vì bị bỏ quên trên xe, ai đó đặt mấy gói bim bim cùng những bông cúc trắng khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Thái Bình gợi lại nỗi kinh hoàng hơn 4 năm về trước khi một học sinh lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) cũng bị bỏ quên trên ô tô gần 10 tiếng ngay trong ngày đầu tiên tựu trường khiến bé tử vong. Và nay, một bé mầm non vĩnh viễn ra đi trong ngày bế giảng năm học, tất cả đều bắt nguồn từ sự tắc trách của người lớn.

Bi kịch hậu Gateway và quy trình lương tâm - 1

Bim bim và hoa được đặt ở chỗ chiếc xe định mệnh đỗ gần Trường mầm non Hồng Nhung 2 (Ảnh: Đức Văn).

Bi kịch xảy ra ngày 29/5 làm chấn động dư luận khi bé T.G.H (Thái Bình) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Hàng loạt hành động thiếu trách nhiệm của tài xế và giáo viên đưa đón trẻ đi cùng xe được chỉ ra. Vì sao khi bàn giao học sinh, mặc dù cô giáo đứng lớp thấy vắng cháu T.G.H nhưng nhà trường và giáo viên không thông tin đến gia đình hay tìm kiếm?... Sẽ không có từ "giá như", nếu cả giáo viên và tài xế đều có trách nhiệm với nhiệm vụ mình đảm nhiệm.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), vụ bé tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón tại Thái Bình gợi lại bài học cũ nhưng là nỗi đau mới.

"Còn nhớ, sau sự việc đau lòng hơn 4 năm trước, hầu hết các trường có dịch vụ xe đưa đón học sinh phải kiểm soát lại quy trình, siết chặt quản lý.

Có những trường đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp các thiết bị báo động trên xe, lắp thêm camera giám sát quy trình học sinh lên/xuống, lắp thiết bị giám sát học sinh bằng quẹt thẻ…, thế nhưng sau đó vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng học sinh mầm non và tiểu học bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Bắc Ninh, Hà Nội…

Và sự việc ngày hôm qua ở Thái Bình tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự tắc trách, bàng quan, thiếu trách nhiệm của một bộ phận giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc đưa đón trẻ đến trường", PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Bị thôi việc vì một sai sót nhỏ trong đưa đón

Chia sẻ về sự việc, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lô mô nô xốp (Hà Nội) xót xa nói rằng, những tưởng sau sự việc chấn động cách đây 4 năm, nhiều nơi đã rút ra bài học xương máu.

Thế nhưng vì chủ quan, thiếu trách nhiệm và thiếu lương tâm của những người đưa đón, cộng với việc thiếu giám sát của người quản lý khiến bi kịch đau lòng tiếp tục xảy ra với em bé 4 tuổi.

"Chúng tôi hiện có rất nhiều xe ô tô đưa đón. Sau một số vụ bỏ quên học sinh trên xe những năm trước, nhà trường đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để lắp hệ thống camera giám sát ở đầu và cuối mỗi xe.

Bi kịch hậu Gateway và quy trình lương tâm - 2

Chiếc ô tô đưa đón đỗ cạnh Trường mầm non Hồng Nhung 2 (Ảnh: Đức Văn).

Khi học sinh xuống xe hết, phụ xe kiểm tra một lượt. Lái xe kiểm tra trước khi rời khỏi xe. Bước cuối cùng, giám sát sẽ kiểm tra camera lần cuối.

Giám sát camera độc lập là người của nhà trường, không phải của công ty cung cấp xe đưa đón. Đặc biệt, khâu cuối cùng: Giáo viên chủ nhiệm kiểm tra sĩ số trong giờ truy bài, tức lúc 7h35-7h45 để xem em nào vắng/có mặt để báo với gia đình", thầy Tùng cho hay.

Cũng theo thầy giáo này, năm ngoái nhà trường đã cho 2 cô phụ trách xe nghỉ việc vì khi xe dừng ở cổng trường, theo quy định, các cô phải đứng ở cửa đếm số học sinh xuống xe trùng với số học sinh lên xe. Sau khi học sinh xuống hết, các cô phải xuống cuối xe chụp ảnh toàn bộ xe từ dưới lên và gửi lên mạng báo cáo.

"Sáng hôm đó, do cô giáo đau bụng, nôn nóng vào trường để vào nhà vệ sinh nên bỏ mất quy trình chụp ảnh gửi báo cáo. Cô giáo này cũng không nhờ lái xe xuống kiểm tra xe hoặc nhờ người phụ trách hỗ trợ.

Mặc dù nhà trường rất thông cảm với sự cố cô giáo đau bụng nhưng với sai sót này, nhà trường vẫn buộc phải chấm dứt hợp đồng vì việc đó liên quan đến tính mạng học sinh và làm gương cho những người khác", thầy Tùng cho biết.

Nhận xét về quy trình đưa đón học sinh bằng xe ô tô hiện nay, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, cho rằng ngoài quy trách nhiệm cụ thể cho từng người, có lẽ cần phải thêm thiết bị công nghệ, chẳng hạn gắn còi ở cuối xe và tài xế phải tắt còi mới xuống xe, đóng cửa.

Thế nhưng theo nhà giáo này, cho dù quy trình nào cũng bắt đầu từ con người. Chỉ một phút bất cẩn của người lớn, những đứa trẻ vô tội ấy phải trả giá bằng cả tính mạng. Vậy nên nếu nói quy trình, ắt hẳn đầu tiên phải là quy trình của lương tâm.

Còn theo PGS Trần Thành Nam, ngoài tất cả quy trình trong luật, cần cân nhắc chặt chẽ hơn đối với các trường hợp đưa đón trẻ mẫu giáo hay tiểu học. Và cho dù đó là bất kỳ quy trình nào cũng bắt nguồn từ sự tận tâm và của lương tâm.

"Nếu không yêu trẻ, đừng làm giáo viên, nhất là giáo viên mầm non. Một người có thể làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng làm giáo viên mầm non không đơn thuần chỉ để nhận lương hàng tháng, ở đó đòi hỏi giáo viên không được vi phạm quy tắc, bởi nó liên quan đến sinh mạng và sự an toàn của con trẻ. 

Điều này không quy định trong luật nhưng làm thế nào để nâng cao được trách nhiệm tận tâm của những người làm dịch vụ giáo dục, đặc biệt cho trẻ nhỏ mới là điều chúng ta cần phải làm", PGS Nam nói.