Câu chuyện giáo dục:

Bé vào lớp 1 nằng nặc đòi "con chỉ học cô giáo xinh đẹp"

Hoài Nam

(Dân trí) - Những ngày chuẩn bị cho con bước vào lớp 1 như đến tham quan trường, kể về cô giáo, chị Hoa bật cười khi con gái nằng nặc đòi "con chỉ học cô giáo xinh đẹp".

Sáng nay, chị Nguyễn Thu Hoa, ở Hoàng Mai, Hà Nội đưa con gái lớp 1 tựu trường. Cuối buổi ra về, cháu tỏ vẻ phấn khởi vì: "Cô trẻ, lại xinh đẹp lắm!". Cháu còn nhấn nhá: "Cô xinh đẹp hơn mẹ nhiều".

Bé vào lớp 1 nằng nặc đòi con chỉ học cô giáo xinh đẹp - 1

Học sinh tiểu học ở TPHCM trong lễ khai giảng năm học 2023-2024 (Ảnh: Nam Anh).

Người mẹ cho biết, những tuần qua mẹ con chị háo hức chuẩn bị để con vào lớp 1. Hai mẹ con đi mua đồng phục, chỉnh sửa lại cho vừa, rồi sắm đồ dùng học tập cùng bìa bao sách vở…

Để con làm quen về môi trường mới, trước khi chính thức nhập học, chị cũng dẫn đến trường tham quan, kể cho con hình dung về cô giáo mới...

"Nhắc đến cô giáo, lần nào con tôi cũng nằng nặc đòi: "Con phải học cô giáo thật trẻ, xinh đẹp cơ". Cháu còn nói không chịu đi học nếu cô giáo không... đẹp", chị Hoa cười kể.

Thật may mắn là cô giáo chủ nhiệm lớp con xinh đẹp, trẻ trung và cả sành điệu theo góc nhìn của cháu. 

Khi nghe đứa trẻ nói "cô giáo phải xinh đẹp", có thể nhiều người sẽ lo lắng trước suy nghĩ xem trọng hình thức bên ngoài của đứa trẻ. Chính chồng chị Hoa cũng mắng con… nhìn méo mó lệch lạc.

Nhưng chị Hoa lại bình tâm, cho rằng mong muốn của con là hoàn toàn tự nhiên, không có gì bất ổn.

Ở độ tuổi này, thứ trẻ nhìn thấy đầu tiên khi tiếp xúc với người khác chính là vẻ bên ngoài. Không thể phủ nhận, vẻ ngoài chỉn chu, gọn gàng, sáng sủa, xinh đẹp từ giáo viên tạo thiện cảm ban đầu với trẻ. Một người luộm thuộm, cẩu thả, sơ sài có thể "mất điểm" ngay trong mắt trẻ khi vừa gặp mặt. 

Chị cũng nói với con thêm nhiều góc nhìn về hai từ "xinh đẹp". Xinh đẹp không chỉ có nghĩa về hình thức bên ngoài mà còn ở cách giao tiếp, lời ăn tiếng nói, sự thân thiện, cách truyền tải kiến thức…

Đặc biệt là với giáo viên lớp 1, họ chính là người dìu dắt trẻ bước vào con đường học tập, cũng là người đầu tiên xây dựng mẫu hình người thầy trong mắt trẻ thơ.

Sẽ có những giáo viên không có vẻ đẹp bề ngoài xinh đẹp theo cái nhìn thẩm mỹ của trẻ nhưng vẫn có thể thu hút, lôi cuốn học trò bằng những khả năng khác.

Bé vào lớp 1 nằng nặc đòi con chỉ học cô giáo xinh đẹp - 2

Nhiều trẻ nhỏ bị ám ảnh tâm lý, sợ học ngay năm đầu tiên đi học (Ảnh minh họa: H.L).

Nếu người thầy, đặc biệt người thầy lớp 1 "không đẹp", chị Hoa lo ngại có thể để lại ảnh hưởng nặng nề lên quá trình học tập cũng như tâm lý của trẻ.

Thực tế không ít trường hợp trẻ vừa vào lớp 1 đã bị ám ảnh với việc đến trường, sợ hãi việc học. Mà có khi nỗi sợ đó đến từ cái cốc đầu, gõ tay, những lời chê bai, quát tháo, vẻ mặt hung dữ… của giáo viên.

Cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng cho hay, lớp 1 là cột mốc quan trọng trong hành trình học tập suốt đời của trẻ.

Bởi vậy, giáo dục phải thật sự ưu tiên, tập trung cho cô và trò lớp 1. Chẳng hạn, lớp cần thật ít học sinh, chỉ nên trong khoảng 20-25 em để giáo viên tránh áp lực, có thể chăm sóc, giáo dục các em được tốt nhất những bước đầu đời.

"Giáo viên lớp 1 phải thật sự có tâm, có năng lực và phải hết sức cẩn trọng trong ứng xử, giao tiếp, từng lời nói với trẻ", cô Hạnh bày tỏ.

Bé vào lớp 1 nằng nặc đòi con chỉ học cô giáo xinh đẹp - 3

Giáo viên lớp 1 ảnh hưởng lớn đến hành trình học tập của trẻ nhỏ (Ảnh minh họa: Hải Long).

Khi nói về tiêu chí chọn giáo viên, GS Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của Trường Thực Nghiệm thẳng thắn cho hay, tiêu chí đầu tiên khi chọn giáo viên của ông là… cô giáo phải xinh đẹp.

Ông kể, có người từng nói ông chọn giáo viên như chọn hoa hậu. Năm đầu tiên ở Trường Thực Nghiệm, có mấy trăm cô ứng tuyển, ông chỉ chọn được hơn chục người.

GS Hồ Ngọc Đại lý giải, chọn giáo viên không phải cho người lớn mà chọn cho học trò, cho trẻ nhỏ. Cái đẹp ở đây là giáo viên phải tạo được sự thiện cảm, thân thiện, thu hút, có sức ảnh hưởng đến học trò. Chỉ như vậy quá trình giáo dục mới đạt hiệu quả.