Bật mí chiến thuật giúp học sinh đạt tối đa điểm bài thi môn Hóa học
(Dân trí) - Sự thay đổi về cấu trúc đề thi và thời gian làm bài đặt ra cho học sinh yêu cầu cải thiện về tốc độ làm bài và độ chính xác trong thời gian 50 phút. Đối với môn Hóa học, nếu biết phân bổ thời gian làm bài thi, thí sinh sẽ cải thiện tối đa điểm số bài thi.
Thầy Vũ Khắc Ngọc đã bật mí đưa ra chiến thuật giúp học sinh hoàn thành bài thi suôn sẻ nhất.
Làm trước lí thuyết để nắm chắc 5-6 điểm
Đề thi môn Hóa học được sắp xếp từ dễ đến khó, đây được là một điểm thuận lợi giúp cho thí sinh bắt đầu làm bài thi một cách suôn sẻ, cũng là thuận lợi để học sinh dễ dàng phân bổ thời gian khi làm bài.
Tận dụng lợi thế này, học sinh nên đọc và làm trước một lượt và ưu tiên làm trước lí thuyết. Theo như cấu trúc của đề thi tham khảo mà Bộ GD-ĐT vừa mới công bố, trong đề thi môn Hóa, lí thuyết chiếm đến 60% đề thi.
Trong đó, phần lớn là dạng câu hỏi mà học sinh có thể tìm ra đáp án trong thời gian rất ngắn. Số còn lại, học sinh sẽ mất nhiều thời gian hơn với những câu hỏi lí thuyết vận dụng, ví dụ như câu hỏi lí thuyết dạng câu hỏi đếm (đếm phát biểu đúng sai, đếm số đồng phân, đếm số phản ứng Hóa học xảy ra, đếm số chất thỏa mãn điều kiện nào đó…).Ví dụ câu 71 trong đề thi tham khảo:
Câu hỏi này đỏi hỏi học sinh phải vận dụng linh hoạt nhiều kiến thức để lựa chọn hoặc loại trừ các phát biểu đó. Thời gian để xác định tính đúng/sai của một phát biểu là khoảng 15 giây, học sinh sẽ mất khoảng 1 phút 30 giây để tìm ra đáp án. Tính chung lại, với khoảng 25-30 câu lí thuyết, học sinh cần hoàn thành trong thời gian khoảng 20 phút.
Bởi vì thời gian làm bài chỉ có 50 phút nên khi làm lí thuyết, học sinh nên chốt đáp án ngay lần làm bài đầu tiên. Đặc thù của lí thuyết là nếu biết sẽ tìm ra ngay đáp án, nếu không biết thì dù quay lại làm lần thứ 2 cũng rất khó để suy luận. Học sinh chỉ nên tạm thời bỏ qua câu hỏi về đếm đồng phân, biện luận công thức cấu tạo, ...vì đây là dạng câu hỏi cần khá nhiều thời gian.
Ngưỡng thời gian tối đa cho một câu hỏi bài tập là khoảng 1 phút 30 giây.
Khi làm câu hỏi bài tập Hóa học, việc ấn định một ngưỡng thời gian tối đa cho một câu hỏi là vô cùng quan trọng. Theo đó, với thời gian 50 phút cho 40 câu hỏi thì ngưỡng thời gian tối đa cho một bài tập là khoảng 1 phút 30 giây. Quá thời gian này, học sinh nên bỏ qua để làm câu hỏi tiếp theo.
“Cho dù, bạn có cảm giác là sắp ra đáp án rồi thì vẫn không nên mạo hiểm để tiếp tục tránh việc sa lầy quá nhiều thời gian mà vẫn không tìm ra đáp án đúng. Tâm lí phòng thi rất phức tạp, nhiều khi cảm giác sắp tìm ra đó lại chỉ là ảo giác”, thầy Vũ Khắc Ngọc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để việc “bỏ qua” này không bị lãng phí thì học sinh nên nháp một cách khôn ngoan. Trừ các bài tập có thể dễ dàng nhìn ra đáp án, học sinh nên nháp rõ ràng, ngắn gọn, mạch lạc những bài tập phức tạp, nhiều bước lắt léo. Nháp sẽ thể hiện quá trình mà học sinh đã triển khai, có thể là số mol, sơ đồ biến đổi các chất, tìm ra hỗn hợp X.. hoặc là những đại lượng khác trong quá trình giải. Sau khi hoàn thành một lượt và quay lại giải quyết những bài tập này, chúng ta không cần tính lại những đại lượng này nữa.
Để giải quyết nhanh, đúng bài tập Hóa học trong đề thi, học sinh cần phải thành thạo các phương pháp giải nhanh để linh hoạt sử dụng, đặc biệt là các phương pháp giải nhanh hay dùng như: bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron, quy đổi, bảo toàn điện tích, phương pháp trung bình. Việc chăm chỉ làm bài tập sẽ giúp học sinh hình thành phản xạ, khôn ngoan chọn hướng đi đúng, tránh được các hướng làm "gây nhiễu".
Ngoài cách phân bổ thời gian làm lí thuyết và bài tập, thầy Vũ Khắc Ngọc còn đưa ra lưu ý khi tô đáp án. “Tô đáp án tưởng là việc vô thưởng vô phạt nhưng học sinh có thể tận dụng khoảng thời gian này để cân bằng tâm lí, cân bằng cảm xúc khi làm bài thi.
Học sinh nên giữ nhịp độ làm bài liên tục, không bị phân tán, gián đoạn bởi việc tô đáp án từng câu riêng lẻ. Đến khi gặp liên tiếp những câu hỏi khó khiến tâm lí hoang mang, học sinh mới nên quay lại tô đáp án những câu đã làm được để giải tỏa sự lo lắng này”, thầy Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.
Áp dụng chiến thuật phân bổ thời gian làm bài như trên, học sinh sẽ có lộ trình làm bài thi khoa học, triệt tiêu khoảng thời gian loay hoay để đạt điểm tối đa trong khả năng của mình.
Nhật Hồng