Bật khóc trước “bí mật” của người thầy dành cho học trò tí hon 10 tuổi nặng 3,9 kg

(Dân trí) - Giữa “cơn bão” về “đạo đức” cô giáo phạt học sinh quỳ gối, uống nước giẻ lau thì trái ngược với đó còn rất nhiều những tấm gương sáng thầy cô giáo dành cho học sinh, điển hình là tình cảm của thầy Cương dành cho cậu học trò tí hon K’Rể 10 tuổi nặng 3,9 kg khiến nhiều người bật khóc.

Báo chí cũng đã nhắc rất nhiều đến hình ảnh cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể - người dân tộc Hơ rê ở Quảng Ngãi, em sinh ra đã mắc chứng bệnh hiếm gặp - Seckel (người lùn, đầu chim). Năm nay K'Rể 10 tuổi nhưng em chỉ cao vỏn vẹn 62 cm và nặng 3,9 kg.

Nhưng ít ai biết rằng, K’Rể được đến trường, được chăm sóc cẩn thận, được khám bệnh, thay đổi nhận thức là công lao to lớn của thầy giáo Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba - người đã đỡ đầu nhận nuôi Đinh Văn K’Rể và cùng em viết nên câu chuyện cổ tích về tình thầy trò giữa cuộc đời này.


Thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon K’Rể đã gắn bó với nhau được 3 năm.

Thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon K’Rể đã gắn bó với nhau được 3 năm.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Đặng Văn Cương, về mối nhân duyên với học trò K’Rể khiến mọi người cảm động.

Cảm xúc của anh như thế nào khi lần đầu tiên gặp bé K’Rể?

Vào khoảng tháng 8/2012, cũng như mọi người, lần đầu tiên không ai là không ngỡ ngàng và thương cảm. Hình ảnh đó mãi mãi không thể nào quên, một cái đầu nhỏ nhắn nhô ra khỏi cái khăn quàng trên cổ một phụ nữ, cứ tưởng là một chú khỉ con. Nó ngơ ngác như mẹ nó nhìn đoàn người lạ lên thăm bản nó. Lúc đó chúng tôi lại hỏi thăm thì nó… Trời ơi, một đứa trẻ! Qua hỏi thăm tình hình tôi buột miệng:

Nó có ăn được không? Có biết nói không? Được mấy tuổi rồi?....cứ thế hàng loạt câu hỏi. Nó co rúm khi thấy nhiều người lạ, còn mẹ nó đỏ mặt vì không hiểu được tiếng phổ thông, lặng lẽ bỏ đi.

Để tìm hiểu kỹ hơn chúng tôi ghé thăm nhà một số PHHS hỏi rõ ngọn nguồn. Thì ra nó đã được 4 tuổi, mọi người trong bản gọi nó là Tọc (Khỉ), nếu ở tuổi này dưới trường chính có lẽ nó đã đi học lớp mẫu giáo nhỡ rồi đấy.

Từ đó lóe lên trong tôi một suy nghĩ, đến nhà nó và hỏi người cha nó. Có muốn nó đi học không? Hôm nào đưa xuống trường, nếu ở với thầy được một ngày thì thầy nuôi luôn. Người cha e thẹn lắc đầu.


Cậu bé tí hon lần đầu đến trường (Ảnh: NLD)

Cậu bé tí hon lần đầu đến trường (Ảnh: NLD)

Và điều gì đặc biệt lôi cuốn để anh quyết tâm đưa Rể đến trường và ở cùng chăm sóc?

Khoảng một năm sau cha nó đưa nó xuống trạm xá khám bệnh, tôi tình cờ gặp lại. Mua bánh, sữa cho nó, nhìn nó vác hộp sữa tươi mà tôi phì cười, nó cũng leo trèo, tinh nghịch, chỉ mặc một cái áo sơ sinh rộng thùng thình, không quần. Mà làm gì có cái quần nào để vừa với nó.

Năm học 2014-2015 trường chúng tôi tuyển sinh đầu cấp, không đủ 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1. Chúng tôi lên thuyết phục gia đình, nhưng họ không muốn cho nó đi học, bởi lẽ nó có nói được đâu, ăn uống, vệ sinh đều phải có người phục vụ, chẳng biết xuống trường nó có chịu ở hay không.

Đến đầu năm 2015-2016 cha nó chở xuống trường đón anh trai nó lên, tôi lại vận động và thuyết phục, đưa nó xuống nhà trường sẽ nuôi toàn bộ, nếu nó không chịu ở thì lại chở nó lên.

Cha nó đang còn lưỡng lự. Tôi nói, tuần sau đưa nó xuống thầy dẫn đi may quần áo mới cho, nếu nó chịu ở thì để nó đi học cho vui. Ngay tối hôm tôi tổ chức họp Hội đồng sư phạm đưa ra trường hợp này để trao đổi thống nhất, rất may là CBGV ai đấy đều đồng tình.

Một điều khá bất ngờ, sáng thứ hai, cha nó chở nó xuống, tôi đã chuẩn bị bánh kẹo, sữa, một số đồ chơi và cố gắng gần gũi nó nhất có thể. Ban đầu nó rất nhút nhát, sau đó cũng như bao đứa trẻ khác, mải chơi với đống đồ chơi mà quên hết sợ sệt.

Tôi đánh liều nói với cha nó, để nó lại trường tối nay ngủ với thầy, có gì thầy chịu. Người cha nó ngập ngừng, nhưng tôi thuyết phục mãi rồi cũng đồng ý để nó lại và ra về.

Nó ở trường một ngày, hai ngày rồi cả tuần mà không khóc. Để nó đỡ buồn và làm quen với lớp học, tôi đặc cách cho nó vào học bất kể lớp nào nó thích học là cho theo lớp đó.

Nó vào lớp 4 để ngồi cùng mấy đứa cùng bản nó. Đích thân tôi dẫn đi may cho nó 4 bộ quần áo, nhưng khó nhất là không có một đôi dép nào vừa chân nó cả, tôi phải dùng miếng xốp cắt vừa bàn chân và thiết kế ngay một đôi dép, nhưng cũng chỉ đi được vài ngày.

Cuối cùng tôi phải chở xuống Thành phố hơn 80 km vào tiệm nói khó với họ mới đóng được đôi dép vừa với nó.


K’Rể của ngày hôm nay

K’Rể của ngày hôm nay

Những ngày đầu làm quen và tìm cách chăm sóc bé Rể chắc rất khó khăn. Anh làm thế nào để chăm sóc và giúp K’Rể có được tinh thần tốt như ngày hôm nay? K’Rể có những tiến bộ như thế nào so với ở nhà?

Nhớ lại khi mới xuống, nó chẳng có ý thức đi vệ sinh gì cả, mà cũng phải, ở trên nhà nó, nó mặc mỗi cái áo (Hai trong một) nên cu cậu quen đi tự do, không cần suy nghĩ.

Đây là vấn đề hết sức nan giải, nhưng mưa dầm thấm đất, cứ thế ngày qua ngày cu cậu cũng tiến bộ dần. Giờ đã biết tự cởi quần đi vệ sinh, tự mang dép, tự ăn cơm, nhưng vẫn cần có người hỗ trợ khi cần.

Đặc biệt là một số kỹ năng trong cuộc sống cũng đã được hình thành nhờ dạy bảo như: nhận quà bằng hai tay, biết ạ thay lời cảm ơn, biết bắt tay, chào tạm biệt…Nói chung rất nhiều kỹ năng ở nhà chưa có thì nay dần được hoàn thiện.

Những giây phút nhí nhảnh đáng yêu của Đinh Văn K’Rể

Được biết, anh sắm cho K’Rể 1 chiếc giường riêng trong phòng của anh, nhưng K’Rể nhất định không ngủ riêng và phải ngủ cùng thầy, thậm chí nhiều lúc cậu bé tè cả lên người anh. Chỉ có tình cảm ruột thịt, của người cha với con mới chăm sóc bé được như thế, điều gì giúp anh làm được điều thiêng liêng như vậy?

Khi mới đưa xuống chúng tôi không muốn mọi người xem nó là người khác biệt, nó cũng thực hiện nghiêm túc thời gian biểu, sáng dậy sớm nhặt rác và đi ăn đúng giờ, tối ngủ đúng giấc.

Nhưng khi sắm cho nó một cái giường mini để tập tính tự lập, nó dứt khoát không chịu ngủ riêng, tối đến lại trèo lên ngủ với thầy, mà cũng phải, từ hồi giờ nó có ngủ riêng đâu, hơn nữa để nó nằm một mình cũng nhiều nguy hiểm.

Nó cũng như bao đứa trẻ khác có lúc ngủ quên tè cả ra giường, chăn mền, gối, thầy đều bị ướt, phiền nhất là bị đau bụng…những lúc như vậy nó buồn lắm, nó biết như vậy là hư, nhưng lỡ rồi.

Thầy nó vừa làm vừa chỉ nó, dạy nó chứ có dám la rầy gì đâu. Thực ra mà nói, ai ở vị trí và hoàn cảnh của mình cũng sẽ làm như vậy. Nó không may mắn như những đứa trẻ bình thường khác, chịu nhiều thiệt thòi lại xa cha mẹ cả tuần, có khi cả tháng vì mùa mưa, không nhờ thầy cô thì biết nhờ ai.


Mọi sinh hoạt hàng ngày của K’Rể ở trường đều do thầy Cương và nhiều thầy cô trong trường chăm sóc

Mọi sinh hoạt hàng ngày của K’Rể ở trường đều do thầy Cương và nhiều thầy cô trong trường chăm sóc

Chúng tôi được nghe câu chuyện, khi anh đưa K’Rể ra Bệnh viện Nhi khám bệnh. Khi bệnh viện lấy máu của K’Rể để xét nghiệm, thấy trò khóc, thầy cũng khóc theo. Phải chăng, K’Rể với anh như có duyên trời định?

Chắc lúc đó bạn cũng sẽ giống mình, nó đi với mình thì mọi sự an toàn của nó mình hoàn toàn phải chịu trách nhiệm với cha mẹ nó, một đứa bé như thế mà lấy 5 ống máu, ai mà không mủi lòng.

Có một điều mình không khỏi suy nghĩ, tuổi thọ của nó, những biến chứng bệnh lý….nếu nó ở với mình mà xảy ra những chuyện không may, thì sẽ ra sao? Nhưng bằng lương tâm, trách nhiệm không cho mình được nghĩ nhiều như vậy, chỉ biết rằng nó ở với mình được chăm sóc, dạy dỗ, ăn uống đầy đủ hơn nhiều lần ở nhà nó, đây cũng là điều mình tự trấn an tư tưởng đấy.

Anh nó kể hồi còn nhỏ cha mẹ nó đi làm nương hai anh em ở nhà, anh nó mải chơi, nó đói trèo lên nồi cơm bốc ăn chẳng may nồi cơm úp lấy nó, nó ăn no rồi lăn ra ngủ, cả nhà được một phen đi tìm tóa hỏa, nghe tiếng nó ngáy mở nồi cơm ra, cu cậu vẫn đang tròn giấc.


Sau cuộc gặp gỡ xúc động cách đây hơn 4 tháng, chiều 30/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể cùng giáo viên và học sinh nơi đây. Bộ trưởng vui mừng khi học trò Đinh Văn K’Rể chỉ đúng ông trong bức vẽ

Sau cuộc gặp gỡ xúc động cách đây hơn 4 tháng, chiều 30/3, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể cùng giáo viên và học sinh nơi đây. Bộ trưởng vui mừng khi học trò Đinh Văn K’Rể chỉ đúng ông trong bức vẽ

Anh dự định sẽ gắn bó với K’Rể trong bao lâu?

Vấn đề này còn tùy thuộc vào sự luân chuyển cán bộ, nhưng cho dù có chuyển công tác, nếu cha mẹ nó đồng ý thì mình vẫn có thể nuôi dạy nó, bởi lẽ gia đình mình đã từ lâu coi nó như một thành viên, đặc biệt hai đứa con mình luôn coi nó là "anh Tí hon", mỗi tuần hay hỏi: Bố ơi tuần này chở anh Tí hon về nhà chơi với chúng con!

Rồi cả xóm nhà mình nữa, đều thương yêu nó, tết nó còn về nhà mình ăn tết cả nửa tháng mà không nhớ nhà nữa cơ đấy, lần đầu tiên nó được ăn tết của người Kinh được mừng tuổi, được tổ chức sinh nhật, những điều này có lẽ cả cuộc đời nó chưa từng được trải qua.


Thầy Cương chăm sóc K’Rể như tình yêu của người cha dành cho con

Thầy Cương chăm sóc K’Rể như tình yêu của người cha dành cho con

Được biết, anh đã dạy học tại trường Sơn Ba 20 năm. Điều gì khiến anh gắn bó với mảnh đất miền núi khó khăn này?

Công việc, tình yêu và trách nhiệm.


Hình ảnh K’Rể nghiêm nghị trong lớp học đã viết nên câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò

Hình ảnh K’Rể nghiêm nghị trong lớp học đã viết nên câu chuyện cổ tích tuyệt đẹp về tình thầy trò

Khó khăn nhất với các thầy cô giáo dạy học ở miền núi này là gì thưa anh? Làm thế nào để thu hút học sinh đến trường đầy đủ?

Khó khăn thì nhiều kể cả vật chất lẫn tinh thần, nhưng nếu thấy khó mà bỏ, thì lại có người khác sẽ tiếp tục nhận cái khó khăn của mình để lại.

Trước đây dạy theo lớp cắm Bản, mỗi Bản lại có vài lớp, có lớp chỉ 8 học sinh, cả trường có tới 9 điểm trường đường đi lại vất vả cho các thầy cô, phải băng rừng vượt núi.

Sau mình mạnh dạn gom trò về nuôi, hiện giờ chỉ còn lại 2 điểm trường, vừa tinh gọn được điểm trường, các em vừa có điều kiện tốt hơn trong học tập, vì vậy nhiều năm qua không có hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng.

Xin trân trọng cám ơn anh!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục