Bất bình đẳng giới trong nhân lực ngành Công nghệ thông tin?
(Dân trí) - Tại tọa đàm “Bình đẳng giới trong việc lựa chọn ngành nghề” do ĐH Thành Đô (Hà Nội) tổ chức ngày 3/4, một sinh viên đặt câu hỏi thắc mắc: “Hiện tại thực tế ở trường, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tỷ lệ nam giới chiếm 3/4, vậy đây có phải là bất bình đẳng giới trong lựa chọn việc làm hay không?”.
Định kiến con gái chỉ nên làm công việc nhẹ nhàng…
Theo nhận định của các chuyên gia, hiện vẫn còn định kiến giới trong lĩnh vực nghề nghiệp. Bởi từ lâu, xã hội đã có những rào cản từ quan niệm truyền thống; đánh giá thấp khả năng của phụ nữ từ trình độ, kiến thức và năng lực trong khi đó chức năng làm mẹ, chăm sóc con vẫn là trách nhiệm chính của phụ nữ.
Nhà giáo ưu tú, Giáo sư, Bác sĩ Vương Tiến Hòa, giảng viên ĐH Thành Đô, nguyên giảng viên ĐH Y Hà Nội cho rằng, chúng ta từ xưa đến nay thường mặc định rằng đàn ông là trụ cột, quyết định những công việc lớn trong gia đình và xã hội, còn phụ nữ là hậu phương chăm lo gia đình.
“Những suy nghĩ nam giới nên làm nghề ngày, nữ giới nên làm nghề kia từ trước đến nay không xuất phát từ các cơ sở khoa học về y - sinh học, mà thường từ định kiến. Rất nhiều nhiều phụ nữ được khuyên là nên học ít thôi, đừng giữ những chức vụ cao hơn chồng, đừng học nhiều hơn chồng, không được vượt mặt chồng, nếu không sẽ khó có gia đình hạnh phúc”, GS Hòa chia sẻ.
Bà Trần Thị Phương Nhung, chuyên gia tư vấn về giới và giáo dục của văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay nhiều người mặc định cho rằng con gái thì chỉ hợp với các nghề văn phòng, còn con trai thì làm kỹ thuật. Phụ nữ nên làm công việc xã hội “nhẹ nhàng” thì mới có thời gian và sức khỏe phục vụ gia đình, chồng con.
Theo bà Nhung, chính định kiến ăn sâu trong suy nghĩ đã khiến không ít phụ nữ gặp rào cản trong phát triển bản thân: là nữ giới đến tuổi này thì nên lấy chồng, nếu không lấy chồng thì hình như có gì đó không bình thường; là phụ nữ nếu thông minh quá, mạnh mẽ quá, dám thể hiện tiếng nói trước đám đông hoặc dám phản bác ý kiến của sếp thì hình như cô này có gì đó không bình thường… Hay nếu nam giới lại không “manly”, râu ria, không hoành tráng thì có gì đó không bình thường…
Có bạn nữ muốn thay đổi, muốn ra ngoài học hỏi, thể hiện bản thân nhưng lại e ngại không dám thể hiện vì chính những định kiến giới bao trùm.
Cô Phan Thị Hương Thảo (giảng viên khoa Du lịch ngoại ngữ, thạc sĩ chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch - ĐH Thành Đô) tâm sự, từ thực tế tiếp xúc với các bạn trẻ cần sự tư vấn chọn ngành vào trường, cô đã nhận thấy rào cản giới chi phối.
“Hầu như bố mẹ có tâm lý cho con gái học ngành nghề nhẹ nhàng nữ tính để sau này phù hợp với việc chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, mình cho rằng các gia đình nên nhìn nhận rằng, bản thân các em có sở thích, sở trường về lĩnh vực nào đó (kể cả lĩnh vực về kỹ thuật như công nghệ ô tô, công nghệ điện, kỹ thuật thông tin… mà hầu hết nam giới theo đuổi) thì bạn sẽ thành công. Nếu hướng bạn ấy sang ngành nghề không phù hợp thì các bạn vẫn làm nhưng làm cho qua ngành thôi chứ không thể tạo ra sức sáng tạo, đột phá, gây hạn chế trong việc phát triển năng lực của bản thân”, cô Thảo nói.
Bình đẳng giới trong chọn nghề: do chính bạn trẻ quyết quyết định!
Tại tọa đàm, một sinh viên đặt câu hỏi thắc mắc: “Hiện tại thực tế tại ĐH Thành Đô, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tỷ lệ nam giới chiếm 3/4), vậy đây có phải là bất bình đẳng giới trong lựa chọn việc làm hay không? Các chuyên gia có lời khuyên thế nào cho các bạn nữ khi lựa chọn học ngành CNTT?”.
Bà Trần Thị Phương Nhung đáp: “Câu trả lời luôn là thế này, bất bình đẳng hay không, chính mình là người quyết định, chính do mỗi cá nhân chúng ta. Việc các bạn chọn học ngành nào, đó là phụ thuộc vào mong đợi của cá nhân các bạn. Về nguyên tắc, không ai có thể ép mình làm gì mà mình không muốn cả.
Tôi chỉ nhắn rằng, khi lựa chọn ngành nghề các bạn hãy nhìn vào thực trạng của xã hội và có dữ liệu cơ bản để đưa ra quyết định phù hợp nhất. Theo thống kê gần đây nhất do Tổng cục Thống kê UBND TP. Hà Nội và TP.HCM, trong 10 năm tới, Việt Nam chúng ta sẽ thiếu rất nhiều nhân lực trong lĩnh vực CNTT.
Quay ngược trở lại, tại sao nam giới lựa chọn CNTT nhiều hơn nữ giới, vì thực ra nó cũng liên quan một chút đến vấn đề giới tính. Theo một khảo sát nhỏ của ĐH Sư phạm Hà Nội, tư duy về con số của nam và nữ dường như tương đồng, không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, tư duy về tưởng tượng hình học không gian thì nữ giới kém hơn nam giới. Với thực tế như vậy, khi lựa chọn ngành nghề đáp ứng được tương lai thì nên nhìn rõ, đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu của chúng ta.
Nếu chúng ta học kém môn nào mà cần nhiều thời gian hơn để học tốt, hãy lựa chọn hình thức phù hợp. Chẳng hạn, bạn nam làm bài toán hình học mất 1-2 tiếng đồng hồ thì nữ giới có thể làm mất cả ngày mới xong. Rõ ràng, đối với lĩnh vực như vậy chúng ta cần bổ sung thêm sự kiên trì.
Bình đẳng giới không có nghĩa là cứ nam làm được cái gì thì nữ phải làm được cái đấy. Bình đẳng giới ở đây là các giải pháp phù hợp nhằm bù đắp điểm yếu - thúc đẩy điểm mạnh.
Cho nên, tôi khuyến khích các bạn nữ, nếu yêu thích ngành CNTT mà vẫn thấy năng lực bản thân chưa đủ thì cần đầu tư thêm thời gian, ý chí vì đây là ngành mà thời gian tới cần rất nhiều nhân lực và đem đến thu nhập cao”.
Bổ sung tư vấn, GS Hòa nhấn mạnh: “Vấn đề các bạn đã tự nguyện thi vào. Tôi khẳng định, chọn nghề nghiệp chọn dựa vào các yếu tố trình độ (tri thức), đam mê, kỹ năng. Nếu chúng ta chỉ chọn ngành nghề kiếm ra tiền thì sáng cắp ô đi, tối cắp ô về nhưng nếu có đam mê thì ta sẽ tìm cách vươn lên.
Đối với ngành CNTT, xã hội cũng rất cần. Tại sao nam giới chọn ngành này nhiều như thế? Có thể vì họ ước mơ nhiều hơn, muốn thành đạt nhiều hơn thì người ta chọn. Nhưng các bạn nữ cũng đừng bao giờ tự đánh giá thấp. Ngay cả người Việt Nam sang Mỹ thành danh ở Silicon - thung lũng công nghệ thế giới cũng khá nhiều, trong đó có phụ nữ chiếm không ít”.
Bà Hà Thị Vân Khánh nhắn nhủ sinh viên không nên chọn nghề theo trào lưu hay e ngại vì định kiến giới.
Bà Hà Thị Vân Khánh, chuyên gia bình đẳng giới, điều phối viên dự án quốc gia, văn phòng UN-ACT Việt Nam khuyên các bạn sinh viên không chọn ngành nghề theo số đông mà hãy chọn ngành nghề phù hợp với sự yêu thích, sở trường - sở đoản của mình. Vì nếu có đam mê, dù việc nhỏ hay việc to chúng ta đều có thể làm được hết và vượt qua mọi khó khăn. Nhưng nếu không có đam mê thì việc cỏn con thôi cũng hỏng.
Không phải theo trào lưu hay số đông mà sau này chúng ta có thể thành công ở ngoài đời. Không phải con gái thì nên làm giáo viên, con trai nên làm bác sĩ hay học kỹ thuật.
"Đó là định kiến xã hội quá lâu rồi, bây giờ chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Miễn chúng ta có tình yêu và thấy phù hợp với bản thân thì chúng ta làm thôi. Không nhất thiết rằng, xã hội quan niệm thế nào thì chúng ta theo thế ấy", bà Vân Khánh nói.
Lệ Thu