Bạo hành để lại dấu vết trong tâm trí của trẻ
(Dân trí) - Bên lề Hội thảo Tâm lý học khu vực Đông Nam Á lần thứ nhất vừa diễn ra sáng 29/11 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia tâm lý trong và ngoài nước đã bày tỏ quan điểm quanh vụ bạo hành trẻ mầm non ở cơ sở mầm non Mầm xanh (TPHCM). Phần lớn các ý kiến đều cho rằng, cần xử lý nghiêm khắc để làm gương cho các cơ sở giáo dục khác.
GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam: “Bạo hành để lại dấu vết trong não rất nguy hiểm”.
Tôi thấy việc bạo hành trẻ em là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Do đó phải xử lý thật nặng để làm gương cho người khác. Sở dĩ phải xử lý thật nặng bởi điều này từ trước đến nay đã nói rất nhiều, đã bàn nhiều nhưng vẫn không khắc phục được nên theo tôi phải có hình thức xử lý nghiêm và mạnh mẽ.
“Bạo hành trẻ em không chỉ ảnh hưởng về thể xác mà còn ảnh hưởng nhiều về tinh thần cũng như về tâm sinh lý của trẻ. Các nghiên cứu về tâm lý học cho thấy, việc bạo hành gây sang chấn về tâm lý và để lại dấu vết trong tâm trí của trẻ, để lại dấu vết trong não rất nguy hiểm.
Có những trẻ lúc nhỏ đã từng bị bạo hành như thế, sau này không phát triển được, tinh thần bị kiệt quệ, đôi khi biến thành con người có tâm tính khác hẳn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh điều đó”.
Ông James Bray, Đại học Texas, San Antonio (Hoa Kỳ): “Trẻ bị bạo hành có thể thành người dễ bạo lực”
Tôi không biết ở Việt Nam như thế nào nhưng như tôi được biết, nhiều trẻ em không chỉ bạo hành ở nhà trường mà còn bị bạo hành trong gia đình. Những trường hợp bạo hành với cường độ ít thì sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của trẻ sau này.
Tuy nhiên, tùy theo mức độ thích nghi của từng đứa trẻ. Có một số trẻ em thích nghi tốt có thể vượt qua được và trở thành người bình thường nhưng có những trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng về sau.
Tôi đã gặp nhiều trường hợp trẻ em bị gia đình bạo hành từ lúc bé, sau này lớn lên trở thành người rất khác. Chẳng hạn, đứa trẻ đó có thể trở thành người dễ dàng bạo hành người khác, dễ sử dụng chất kích thích hơn để vượt qua trầm cảm, hoặc ảnh hưởng nặng nề đến kĩ năng ngôn ngữ hoặc giao tiếp.
GS. Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục: “Bạo hành trong nhà trường là chuyện rất đau khổ”
Tôi thấy việc bạo hành trong nhà trường là chuyện rất đau khổ. Nhà trường là môi trường tốt đẹp nhất trong xã hội ta nên thầy cô phải là người hiền hậu, nhân đạo, giỏi giang cả về trí tuệ, đạo đức.
Tuy nhiên, để xảy ra bạo hành trong nhà trường là sự bất hạnh của chúng ta. Tôi mong chúng ta không để xảy ra những điều ấy.
Tôi cho rằng, sự việc giáo viên bạo hành ở cơ sở mầm non Mầm xanh là cực kỳ nghiêm trọng, không được phép tiếp diễn mà phải chấm dứt trong tất cả các trường học của chúng ta.
Tôi được biết, hiện tại sự việc đã được pháp luật xử lý. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để, cần sự vào cuộc của tất cả các ban ngành và phải làm kiên trì.
Nhiều người cho rằng, lắp camera ở các lớp mầm non sẽ góp phần giảm bạo lực học đường, GS. Hạc chia sẻ: “Camera không giúp nhiều trong việc giảm bạo lực. Cái chính người thầy cô giáo phải là người nhân hậu, phải là những người mẫu mực trong việc dạy dỗ trẻ em. Việc lắp camera chỉ là biện pháp tức thời, không phải lâu dài”.
Ngoài ra, cũng theo GS. Phạm Minh Hạc, cần phải xem lại trách nhiệm của Phường, của Phòng và Sở GD&ĐT. Tại sao những người không có bằng cấp gì lại được dạy ở cơ sở này? Đấy là sai lầm của các nhà quản lý.
“Tôi nghĩ, những người được học sư phạm mới được dạy các trường từ mầm non trở lên. Nhưng ở nước ta, yêu cầu này còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cái đó là do quản lý từ Sở GD&ĐT đến cấp Phòng còn chưa làm đúng quy định. Không được học hành sư phạm, sao được làm mẫu giáo và đánh trẻ con, chúng ta phải nói nhiều về điều này và không được để tiếp diễn." - GS. Hạc nêu quan điểm.
Mỹ Hà (thực hiện)