Bao giờ được hưởng quyền lợi chính đáng?

Sau khi tìm thấy công văn hướng dẫn việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với NLĐ ở các cơ sở mầm non, huyện Mê Linh đã vào cuộc để tìm lại quyền lợi cho các giáo viên.

Nhưng đến nay, các GVMN ở Mê Linh vẫn đang chờ đợi kết luận về quyền lợi mà lẽ ra họ đã được hưởng từ nhiều năm trước.

Phải trông trẻ, bán bánh rán ngoài chợ

Về nghỉ mà không có lương hưu, nhiều giáo viên phải tìm cách bươn trải để kiếm sống. Cô giáo Tạ Thị Viền công tác trong ngành giáo dục từ trước năm 1972 ở tận tỉnh Yên Bái. Đến năm 1977 cô Viền theo chồng về huyện Mê Linh và bắt đầu dạy ở cấp mầm non.

Theo danh sách các GVMN công tác lâu năm chưa được hưởng chế độ lương hưu, cô Viền là người có thâm niên cao nhất: 40 năm công tác trong nghề. Trước khi về hưu, cô Viền còn là Chủ tịch Công đoàn của trường trong 6 năm. Hết tháng 1.2012, cô Viền về nghỉ hưu nhưng chỉ được hưởng chế độ 1 lần chưa nổi 10 triệu đồng.

Cô giáo Tạ Thị Viền cho hay: “Hiện nay tôi làm bánh rán bán ở chợ Vạn Yên để có thu nhập hằng ngày. Dạy học gần 40 năm nhưng trước khi về hưu 5 tháng tôi mới được vào biên chế, rồi nghỉ hưu không được hưởng chế độ hưu trí”.

Không chọn con đường ra chợ kiếm sống, các cô giáo Ngô Thị Minh, Nguyễn Thị Thêu, Lê Thị Nguyên từng “mạnh dạn” xin làm công nhân vệ sinh KCN Quang Minh nhưng Cty phát triển hạ tầng Nam Đức đã không nhận bởi lý do các cô “già quá”. Cô Minh cố thêm bước nữa bằng cách đi xin nấu cơm thuê cho Cty trong KCN nhưng cũng không được nhận.

Không làm được công nhân quét đường, các bà giáo già tìm kế sinh nhai bằng việc bế con thuê cho công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh. Cô Nguyễn Thị Bông - nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Vạn Yên - hiện cũng đang kiếm thu nhập thêm bằng công việc này.

Hầu hết các cô giáo đang đi tìm chế độ hưu trí ở huyện Mê Linh thuộc lớp giáo viên đầu tiên dựng lớp nuôi trẻ. Cô giáo Nguyễn Thị Hợi - đang là giáo viên Trường Mầm non Chi Đông - sẽ về hưu vào năm 2014 kể: “Ban đầu chúng tôi nhận lương 40kg thóc/1 tháng rồi lên đến 180kg thóc. Sau này bắt đầu thu của phụ huynh học sinh 7.000 đồng/cháu/năm từ năm 2003. Đến nay tôi mới được hưởng lương theo bậc 2,66. Sắp tới về nghỉ nếu không được hưởng chế độ lương hưu, tôi không có nguồn thu nhập nào cả”.

Quyền lợi chính đáng

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh - cho biết: “Đây là quyền lợi chính đáng của các GVMN công tác lâu năm cần được quan tâm giải quyết. Sau khi tiếp nhận thông tin UBND huyện Mê Linh đã tập trung giải quyết, nhiều lần làm việc với các cơ quan ban ngành liên quan để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các cô giáo”. Sau khi phát hiện ra công văn số 2150, UBND huyện Mê Linh cũng đã cùng vào cuộc với các GVMN để tìm lại quyền lợi chính đáng cho các giáo viên.

Theo ông Tuấn, việc chế độ chính sách của các GVMN ở Mê Linh chưa được thực hiện là do tồn tại cơ chế cũ từ trước khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội. Ở thời điểm đó, không chỉ có huyện Mê Linh mà còn có những địa phương khác thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cũng chưa thực hiện theo hướng dẫn tại công văn 2150.
 
Các cô giáo đề nghị được thực hiện chế độ theo công văn 2150.
Các cô giáo đề nghị được thực hiện chế độ theo công văn 2150.


Năm 2010 báo cáo UBND TP.Hà Nội về giải quyết chế độ cho các GVMN có thâm niên, UBND huyện Mê Linh cho biết, còn 34 người có số năm công tác trường mầm non bán công huyện Mê Linh từ 28 - 40 năm. UBND huyện Mê Linh đã đề nghị UBND TP cho ý kiến để số giáo viên này được truy đóng BHXH từ tháng 1.1995 đến hết tháng 12.2001 theo hướng dẫn tại công văn 2150 của Bộ GDĐT và BHXH Việt Nam.

Đề nghị thực hiện theo công văn số 2150

Ngày 29/3/2012, UBND TP.Hà Nội có công văn gửi các đơn vị BHXH TP, Sở GDĐT, Sở LĐTBXH và Sở Tài chính về việc giải quyết đơn thư của giáo viên mầm non đã công tác nhiều năm hiện đã đủ tuổi về hưu. Trong công văn này có nhắc lại việc UBND TP ngày 30.6.2010 đã từng giao BHXH TP phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét, báo cáo nhưng UBND TP.Hà Nội vẫn chưa nhận được báo cáo của BHXH TP. Một lần nữa, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã yêu cầu BHXH TP thống nhất với Sở GDĐT, Sở LĐTBXH, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan đề xuất giải quyết.

Ngày 31/5, BHXH TP.Hà Nội đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề xuất 3 phương án giải quyết. Cụ thể, phương án 1 đề nghị cho truy thu BHXH bắt buộc theo công văn 2150/GDĐT-BHXH thời gian từ tháng 1.1995 đến khi tham gia BHXH bắt buộc, sau đó NLĐ tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm. Phương án 2 đề nghị các GVMN kể trên được đóng BHXH tự nguyện kể từ khi hết tuổi lao động cho đủ 20 năm. Phương án 3 đề xuất đối với những GVMN đã giải quyết chế độ BHXH một lần đề nghị cho nộp lại số tiền và đóng bổ sung BHXH theo một trong hai phương án trên.

Tổ chức CĐ đã tham gia tích cực vào việc xây dựng chính sách, pháp luật, đặc biệt là Luật CĐ sửa đổi và BLLĐ sửa đổi, được Quốc hội thông qua, đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 được tiếp thu, trong đó xác định CĐVN là tổ chức duy nhất đại diện NLĐ.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện để đưa ra phương án giải quyết quyền lợi cho các giáo viên đã nằm ngoài tầm quyết định của UBND huyện. Được biết, UBND TP.Hà Nội cũng đã đề xuất 3 phương án như kể trên với Bộ LĐTBXH để giải quyết quyền lợi cho các giáo viên. Trong thời gian tới, UBND huyện Mê Linh sẽ tiếp tục làm việc với đại diện Bộ LĐTBXH để tìm được phương án giải quyết tốt nhất.

Cô giáo Ngô Thị Minh - đại diện cho 23 giáo viên đang làm đơn kiến nghị - cho biết: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cho phép thực hiện theo phương án 1 như BHXH TP.Hà Nội đã đưa ra. Bởi nếu chúng tôi phải đóng BHXH tự nguyện kể từ khi nghỉ hưu cho đủ 20 năm thì không biết đến bao giờ mới được hưởng lương hưu, tổng số tiền phải đóng tự nguyện cũng rất lớn, chúng tôi không có thu nhập biết lấy tiền đâu để đóng”.

Theo Vinh Hải

Báo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm