Báo động nạn xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em

Quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản và quan trọng của con người, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Nhưng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, quyền đó đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng, từ việc trẻ em bị tiết lộ hình ảnh, bí mật đời tư trên truyền thông đến việc trở thành “công cụ” để các nhà sản xuất chương trình truyền hình kiếm tiền.

Các chương trình truyền hình thực tế hiện nay khai thác quá sâu đời tư của trẻ em.
Các chương trình truyền hình thực tế hiện nay khai thác quá sâu đời tư của trẻ em.

Vô tư tiết lộ hình ảnh trẻ em

Những câu chuyện về việc trẻ em bị bạo hành tinh thần, thể xác, xâm hại thân thể vẫn là vấn đề nhức nhối được cả xã hội quan tâm. Thời gian gần đây, với sự phát triển của Internet, trẻ em còn bị xâm phạm về hình ảnh, đời tư, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông.

Theo khảo sát của Trung tâm Phát triển cộng đồng và Công tác xã hội trên 5 tờ báo điện tử lớn nằm trong Top 50 trang web được truy cập hàng đầu Việt Nam, chỉ trong một năm, đã có đến 548 bài báo có nội dung không bảo đảm quyền riêng tư của trẻ em. Trẻ em vốn là đối tượng dễ bị tổn thương về tinh thần do các em còn non nớt về nhận thức, việc đưa tin theo hướng không có bất kỳ thông tin nào được cho là riêng tư và cần được giữ kín của truyền thông đã khiến tình trạng vi phạm quyền trẻ em trên các ấn phẩm báo chí ngày càng đáng báo động.

Đó là việc đưa tin và hình ảnh về một bé gái đang ở tuổi vị thành niên bị xâm hại, hay đăng công khai hình ảnh con của người nổi tiếng dù gia đình muốn giấu như trường hợp của vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh. Một câu chuyện về bé gái học lớp 7 mang thai được một tờ báo khai thác đã từng tạo nên một cuộc khủng hoảng truyền thông rộng khắp về đạo đức báo chí và quyền riêng tư của trẻ em. Thậm chí, nhiều người còn cố tình chụp lén con của nghệ sĩ để nhằm mục đích câu view, hút khách.

Việc đưa thông tin “nhiễu loạn” được thạc sĩ Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT gọi là cẩu thả, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, coi thường độc giả, làm giảm đi tính nhân văn của báo chí; làm cho người dân sợ báo chí, không hợp tác với báo chí. Còn TS. Nguyễn Thành Lợi - Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí gọi đây là hành động làm tổn thương đến tâm lý trẻ em. Thực tế đã ghi nhận, tác động thông tin báo chí đã khiến một số trẻ em bỏ học vì xấu hổ, thậm chí đưa đẩy các em tới những hành vi tiêu cực như tự tử.

“Mượn” hình ảnh, đời tư trẻ em để kiếm tiền

Không phải vô lý mà mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm trẻ em tham gia các chương trình truyền hình giải trí, vì lợi bất cập hại. Cũng không ngẫu nhiên mà tờ Korea Times của Hàn Quốc vừa đặt ra nghi vấn: Liệu những đài truyền hình có đang khai thác sức lao động của đối tượng trẻ em, mượn đời tư trẻ em nhằm mục đích tăng lượng người xem?

Đừng để trẻ em mất đi tuổi thơ của mình.
Đừng để trẻ em mất đi tuổi thơ của mình.

Ở một số quốc gia Châu Á khác, cơ quan chức năng đã có những cảnh báo với các đài truyền hình, cơ quan truyền thông để gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lạm dụng trẻ em trên các phương tiện truyền thông. Còn ở Việt Nam, trẻ em lại đang trở thành đích ngắm của các show truyền hình vốn là sân chơi vô cùng khắc nghiệt của người lớn, nay lôi trẻ em vào “vòng xoáy” giữa nổi tiếng và thị phi.

Hiện nay, ở nước ta có khoảng 15 chương trình truyền hình giải trí có khai thác trẻ em, con số này có thể còn tăng lên trong tương lai vì khai thác hình ảnh trẻ em đang mang đến cho các nhà sản xuất lợi nhuận lớn. Đặc biệt, vì yếu tố cạnh tranh, tính thương mại hóa nên nhiều nhà sản xuất đang biến trẻ em trở thành “món hàng” kinh doanh. Thừa nhận rằng sự vô tư, hồn nhiên của trẻ em đã mang đến gam màu mới lạ cho bức tranh truyền hình thực tế đang có sự bão hòa hiện nay, nhưng việc truyền thông, truyền hình khai thác quá mức đến đời tư của trẻ em đã khiến vấn đề trẻ em bị lợi dụng, xâm phạm quyền riêng tư càng thêm nhức nhối.

“Có tàn nhẫn và bất công không khi bắt con trẻ trở thành “nạn nhân”, làm tăng kịch tính trong những trò chơi của các nhà sản xuất? Khi sân chơi của trẻ nhỏ bị ám ảnh bởi giải thưởng và danh tiếng thì các em khó tránh khỏi việc đánh mất tuổi thơ. Vì vậy cha mẹ cần tỉnh táo và phải ý thức được con mình hoàn toàn có nguy cơ bị xâm hại bất kể lúc nào, bất kể ở đâu và đừng tiếp tay để “vắt kiệt sức” con em mình” - là những chia sẻ của TS. Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đối với những nước có nền công nghiệp truyền hình phát triển, họ có những quy định rõ ràng và chặt chẽ về việc trẻ em lao động trong lĩnh vực truyền hình. Chẳng hạn, nhà đài có trách nhiệm phải giữ kín thông tin cá nhân của các em, hạn chế khung giờ làm việc trong ngày và phải tôn trọng thời gian đi học của các em. Còn ở ta thì việc mượn đời tư của trẻ em để PR cho chương trình được nhiều nhà sản xuất sử dụng.

Chương trình “Vietnam Idol Kids 2016” vừa lên sóng đã gây tranh cãi về việc miêu tả quá chi tiết về cuộc đời của cậu bé Hồ Văn Cường để làm nổi bật câu chuyện: Nhà nghèo, mê hát, tham gia truyền hình thực tế và bỗng chốc một đêm trở thành ngôi sao. Các chương trình “Giọng hát Việt nhí”, “Bước nhảy hoàn vũ nhí” liên tục gây tranh cãi khi “giải trí” trên nước mắt của trẻ thơ. Đặc biệt, các đài truyền hình địa phương một năm trở lại đây cũng thi nhau sản xuất các chương trình giải trí liên quan đến trẻ em, mà không hề có sự tham vấn của các tổ chức liên quan, đóng vai trò giám sát về việc bảo vệ quyền riêng tư của trẻ. Bà Ninh Thị Hồng - Ủy viên Thường vụ Thường trực Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, việc làm này đã vô tình làm các em bị đánh mất tuổi thơ của mình.

Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Đào Hồng Lan: Đưa hình riêng tư của trẻ em lên mạng phải hỏi ý kiến

Trước việc lạm dụng, xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em đang diễn ra tràn lan và gây nhức nhối như hiện nay, vào tháng 4 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Luật Trẻ em, trong đó có điểm đáng chú ý là quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ, bằng việc nghiêm cấm hành vi đăng tải hình ảnh và tiết lộ đời tư của trẻ em khi chưa được người giám hộ cho phép. Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực vào tháng 6.2017 sẽ góp phần bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em, để các em có môi trường học tập tốt nhất và phát triển nhân cách.

Luật sư Trương Anh Tú - Đoàn luật sư TP Hà Nội: Quyền riêng tư là quyền bất khả xâm phạm

Quyền riêng tư được hiểu là tất cả những gì thuộc về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, nơi ở, thư tín, các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác cũng như danh dự, uy tín cá nhân. Đây là quyền bất khả xâm phạm theo Hiến pháp 2013. Quyền riêng tư của trẻ em được quy định rõ ràng trong luật pháp quốc tế như: Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị 1966; Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1989 và trong Luật trẻ em sẽ có hiệu lực vào tháng 6.2017. Điều 21 Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam có quy định về Quyền bí mật đời sống riêng tư: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Theo chính sách Lao động xã hội về bộ nguyên tắc hàng đầu trong bảo vệ trẻ em trên báo chí: “ Cần làm mờ/che mặt nạn nhân trước khi đăng, đăng ảnh chụp phía sau hoặc tránh khuôn mặt; Chỉ chụp và đăng hình khi có sự cho phép”.

Theo Bích Hà

Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm