Báo động khả năng viết của nhiều học trò là.... chép lại văn mẫu!
(Dân trí) - Khả năng viết thể hiện suy nghĩ, tư duy độc lập, không a dua nhưng hiện nay, khả năng viết của nhiều học trò chúng ta là đi chép lại văn mẫu hoặc lời thầy cô.
Nhiều vấn đề về việc dạy học Tiếng Việt được mổ xẻ tại hội thảo khoa học "Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm Tiếng Việt trong sáng hơn" do Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Trường EMASI tổ chức sáng nay 11/11 tại TPHCM.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình Tiếng Việt và Ngữ văn 2018 nhấn mạnh đến vai trò đọc - viết, cụ thể là với môn Ngữ văn, trong giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách học sinh. Nhưng thực tế hiện nay, hai khả năng này ở học trò nhìn chung còn rất nhiều vấn đề.
Về việc đọc, học sinh ngại đọc văn bản, không đọc tác phẩm. Hầu hết học sinh tiếp nhận một cách thụ động, bị áp đặt và ảnh hưởng nhiều từ cách hiểu của thầy, cô giáo hoặc phụ thuộc vào các tài liệu có sẵn trong các sách văn mẫu lan tràn trên thị trường và mạng internet.
Cả lớp 40 em tả con mèo đều giống nhau
Trong bài tham luận của mình, PGS. Đỗ Ngọc Thống chia sẻ: "Có lớp, cả lớp 40 em tả con mèo đều có bài viết giống nhau. Hầu hết học sinh khi làm bài là chép lại lời thầy cô cho ghi trên lớp hoặc tài liệu có sẵn".
Khả năng tự đọc, tự khám phá, tự hiểu theo cách của chính người đọc rất yếu, kéo theo hạn chế trong việc khám phá cái hay của tác phẩm.
Còn dạy viết là dạy học sinh biết suy nghĩ, biết tư duy một cách độc lập; không a-dua, nói theo người khác. Học viết là học cách nghĩ, cách diễn đạt suy nghĩ của người viết để hình thành và phát triển tư duy.
Nhưng hiện nay, năng lực viết của học sinh rất báo động, khả năng viết của học trò là... đi chép lại. Các em chép lại văn mẫu, toàn chép lại lời thầy cô giảng, chép lại tài liệu có sẵn, học thuộc lòng.
"Cái này báo chí đã nói rất nhiều. Một phần nguyên nhân xuất phát từ cách dạy học của giáo viên và do chưa thay đổi trong kiểm tra đánh giá", PGS. Đỗ Ngọc Thống bày tỏ.
Một bộ phận dân cư có tư tưởng xem thường tiếng Việt
Trong bài đề dẫn, TS Huỳnh Công Minh, Chủ tịch sáng lập hệ thống trường EMASI đánh giá, việc sử dụng tiếng Việt ở các bậc học nhìn chung đang có nhiều vấn đề lo ngại.
Ở tiểu học, một bộ phận học sinh đọc không rõ, viết không đúng, không thích đọc sách, thiếu khả năng tiếp nhận và trình bày diễn đạt, nói không thành câu.
Ở bậc phổ thông, nhìn chung các em năng động, nhạy bén, thông minh, sử dụng tốt Công nghệ thông tin và Ngoại ngữ nhưng về mặt ngôn ngữ Tiếng Việt dường như chưa được cải thiện tốt hơn bậc Tiểu học, có vấn đề trầm trọng trong đọc, viết, cảm thụ và trình bày diễn đạt của học trò.
Cả ở bậc Đại học hay các cơ quan nghiên cứu, vẫn còn nhiều người lúng túng vụng về trong việc sử dụng Tiếng Việt. Ngay trong đời sống xã hội, các kênh truyền thông cũng chưa thật sự quan tâm sử dụng Tiếng Việt chuẩn mực trong sáng và tiến bộ.
"Ở ta bậc trung học thì tập trung cho thi cử; ở tiểu học thì chất lượng không đồng đều; việc dạy học tiếng Việt với số đông dễ rơi vào thế qua loa, sơ sài trong những khâu quan trọng về đọc, viết ở tuổi thiếu thời, lớn lên rất khó sửa đổi", TS Huỳnh Công Minh
TS Huỳnh Công Minh lo ngại, những năm gần đây, trong xu thế hội nhập quốc tế, nhiều cơ sở dạy ngoại ngữ được mở ra, phong trào học ngoại ngữ phát triển mạnh mẽ khắp nơi. Đây là tín hiệu tốt cho một đất nước phát triển, nhưng bắt đầu xuất hiện tư tưởng xem thường Tiếng Việt trong một bộ phận dân cư.
Ngay trong nhà trường, môn Tiếng Việt giữ vai trò quan trọng, nhưng lại chịu ảnh hưởng khá nặng nề bởi tư tưởng đối phó thi cử, chưa thật sự chăm lo cho việc phát triển Tiếng Việt một cách căn cơ và làm cho Tiếng Việt trong sáng hơn.
Chương trình, sách hay cũng khó nếu thiếu... giáo viên
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh, tất cả mọi người, bất kể là ai đều có vai trò trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ. Nhưng vai trò lớn nhất phải nói đến chính là giáo viên phổ thông.
Theo TS Huỳnh Công Minh, giáo viên là người góp phần vào sứ mệnh làm Tiếng Việt trong sáng hơn
Cụ thể là làm cho thế hệ trẻ, học sinh đạt được những yêu cầu cơ bản để làm cơ sở phát triển vững chắc ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ như: phát âm chuẩn, viết đúng, nói đủ câu, nghe đủ ý, đọc cảm thụ, diễn đạt đúng câu từ và rõ ý.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, cái đích cuối cùng của việc học Ngữ văn là học sinh biết sử dụng Tiếng Việt một cách hiệu quả từ giao tiếp đến đọc, viết, nói, nghe các văn bản thông thường, từ đó tiếp nhận, giả mã những cái hay, cái đẹp của văn bản văn học.
Cao hơn nữa là các em biết biến cái hay, cái đẹp trong tác phẩm thành lẽ sống, niềm tin, tình cảm, tư tưởng; và nhất là thể hiện ra thành hành động trong mỗi hành vi, cử chỉ, các ứng xử hàng ngày.
Người thầy cứ dạy văn cho đúng là giờ văn, theo đúng các yêu cầu đổi mới, tạo được hứng thú cho học sinh... là góp phần giáo dục đạo đức, hoàn thiện nhân cách cho học sinh.
Theo ông Thống, những yêu cầu và định hướng về đọc, viết, nói và nghe đã được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong chương trình môn Ngữ văn 2018.
Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, mà trước hết là năng lực của đội ngũ giáo viên dạy Ngữ văn. Không có họ, dù chương trình và sách Ngữ văn có hay đến mấy cũng không thể tạo ra được chất lượng thực sự.