Bàn về “Nhân cách của cán bộ quản lý giáo dục trong thời kỳ 4.0”

(Dân trí) - Cán bộ quản lý giáo dục là những người quyết định đến sự phát triển của ngành. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục của thời kỳ 4.0 thì đòi hỏi cán bộ quản lý là người như thế nào?

GS.TS Phạm Quang Trung, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, người cán bộ quản lý giáo dục trước hết là người có tài, là người có tầm nhìn xa trông rộng trong thời đại 4.0, thời đại ngày nay phải có ngoại ngữ, phải am hiểu CNTT biết ứng dụng kết nối và lan tỏa, phải đi nhiều để tổng kết thực tiễn, dũng cảm so sách với bạn bè quốc tế, từ đó định vị đúng mình, xem mình là ai?, mình đang ở đâu?.

Theo GS Trung, thế giới họ chọn cán bộ người tài qua tranh cử - chọn cán bộ có đức sàng lọc qua lá phiếu tín nhiệm của nhân dân, còn tài thì xem họ đã làm được những việc gì, kết quả ra sao, mang lại gì cho dân cho nước.

Những phẩm chất đó, cụ thể bao gồm: Có lòng say mê làm việc, có mục tiêu lý tưởng rõ ràng, định hướng hoạt động nhất quán; người có tính nguyên tắc, tính nhạy cảm ở người lãnh đạo quản lý, sự đòi hỏi cao đối với người dưới quyền; tính đúng mực, tự chủ, có văn hóa trong quan hệ ứng xử của người quản lý.

Bàn về “Nhân cách của cán bộ quản lý giáo dục trong thời kỳ 4.0” - 1

Đạo đức khó nhất của cán bộ quản lý giáo dục là gương mẫu để được mọi người tin yêu, đó là cán bộ giáo viên và học sinh.

 

Với sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghiệp, những máy móc phương tiện kỹ thuật số thông minh sẽ gắn kết với con người và tạo ra sự phát triển chưa từng có. Chính vì vậy giáo dục rất cần những con người tiên phong đi đầu trong việc tạo ra cái mới và đón nhận cái mới trong tương lai mà hiện tại không có. 

Những đòi hỏi rất cao của xu thế xã hội cũng đặt ra cho cán bộ quản lý giáo dục những yêu cầu mới, những yêu cầu về nhân cách không như những giai đoạn lịch sử trước kia.

Ở thời kỳ công nghiệp 4.0, yêu cầu cán bộ quản lý giáo dục phải có những phẩm chất nhân cách cụ thể, xung quanh vấn đề này cần nhiều ý kiến bàn luận và đưa ra nhiều vấn đề để mọi người cùng bàn bạc và suy ngẫm, với mục tiêu để lãnh đạo ngành giáo dục phát triển đáp ứng yêu cầu xã hội.

Ý kiến góp ý xin gửi về hộp thư: giaoduc@dantri.com.vn

Xin trân trọng cám ơn!

Khó nhất của cán bộ quản lý giáo dục là gương mẫu

GS Phạm Quang Trung cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0, nhân cách người cán bộ quản lý giáo dục cần có đủ 3 tiêu chuẩn: Đức, tài và bản lĩnh.

Người có đức phải hội đủ 3 phẩm chất: Gương mẫu, tôn trọng và có văn hóa.

Đạo đức khó nhất của cán bộ quản lý giáo dục là gương mẫu để được mọi người tin yêu, đó là cán bộ giáo viên và học sinh. Để người tốt có chỗ tin cậy và dựa, người xấu không dám lộng hành. Gương mẫu là lời nói để làm, làm để chứng minh lời nói. Hành động trước, hưởng thụ sau.

Tiêu chuẩn bao trùm của đạo đức cán bộ quản lý là thực sự dân chủ, tôn trọng trong các mối quan hệ. Tôn trọng là cách tốt nhất để tập hợp trí tuệ của mọi người xung quanh. Tôn trọng người khác là mục tiêu để đoàn kết nội bộ, đặc biệt trong giáo dục khi làm việc với con người – đội ngũ tri thức bậc cao và học sinh – những nhân cách đang phát triển thì tôn trọng càng phải được thể hiện.

Theo đó, có thể hiểu khái quát một cán bộ quản lý có đạo đức là tận tụy để cấp dưới thương; là gương mẫu để cấp dưới trọng; là tôn trọng để cấp dưới tin cậy dễ gần để cung cấp thông tin; là sáng tạo để cấp dưới có đủ việc làm và có thêm thu nhập chính đáng; là kỷ cương để người tốt luôn có chỗ dựa và người xấu không dám thách đố, lộng quyền, và như vậy cán bộ quản lý mới không mắc sai lầm trong công việc.

Sản phẩm thể hiện qua nhân cách của học sinh

Theo GS Trung, người có tài – thể hiện năng lực của cán bộ quản lý phải hội tụ 3 nội dung: có tầm nhìn, biết tập hợp nhân tài, có sản phẩm thể hiện qua nhân cách của học sinh.

Trước hết người lãnh đạo tài giỏi là người có tầm nhìn xa trông rộng trong thời đại 4.0. Muốn nhìn xa trong thời đại ngày nay phải có ngoại ngữ, phải am hiểu CNTT biết kết nối và lan tỏa, phải đi nhiều để tổng kết thực tiễn, dũng cảm so sánh với bạn bè quốc tế, từ đó định vị đúng mình, xem mình là ai? Mình đang ở đâu? Và mình phải làm gì để sánh vai với các cường quốc 5 châu – Phải hiểu: Một cán bộ quyết đoán là một cán bộ đoán được tương lai để quyết định. Đó chính là tiêu chuẩn trí tuệ.

Một cán bộ quản lý giáo dục có tài là một người cán bộ luôn tìm cách tiếp cận, giao việc để phát hiện đúng nhân tài, đào tạo, quản lý, sử dụng và bảo vệ nhân tài, phải sử dụng người được việc trong giáo dục tức là sử dụng được đội ngũ giáo viên giỏi, chứ không phải người được lòng, luôn xu nịnh. Bởi suy cho cùng người có tài là người biết tập hợp mọi cái tài của người khác. Không tập hợp được người tài cùng đồng nghĩa là người người bất tài. Tập hợp được người tài là tiêu chuẩn cao nhất, cần nhất của người lãnh đạo.

“Đã là cán bộ có tài thì phải có sản phẩm; đo đếm bằng thành quả do vai trò lãnh đạo của mình tạo ra trên 3 lĩnh vực chủ yếu: thành quả kinh tế (thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm), thành quả chính trị (đội ngũ cán bộ kế cận và tín nhiệm của học sinh và cha mẹ học sinh) và ra các quyết định có hiệu quả để lại cho đời sau” – GS Trung nhấn mạnh.

“Yên dân và dạy tốt”

GS Trung cho rằng, sự nghiệp của cán bộ là làm 4 chữ: “yên dân và dạy tốt”. Muốn yên dân phải chăm lo chính sách xã hội, từ thiện, nhân đạo, giáo dục đào tạo và tiến bộ xã hội. Muốn dạy tốt phải có chính sách về vật chất và tinh thần tạo động lực cho giáo viên dạy học.

Một cán bộ có bản lĩnh cũng cần hội đủ 3 tiêu chí: Dám nghĩ, dám làm, dám nói.

Dám nghĩ những điều đổi mới và sáng tạo, những cái chưa có trong đời sống, chưa ai làm để làm sự nghiệp giáo dục, để củng cố niềm tin của nhân dân và chấn hưng đất nước phù hợp với thời đại KHCN.

Khi đã nghĩ đúng thì dám dấn thân để làm, hết lòng vì học sinh thân yêu, quyết dâm đưa cái đúng vào sự nghiệp giáo dục, lấy kết quả cuối cùng để bảo vệ cái đúng của mình. Phải tích cực đổi mới, gắn với cải tạo môi trường để cho ra đời cái đúng, cái tốt nhiều hơn.

Dám nghĩ, dám làm còn phải dám nói. Im lặng, thủ tiêu đấu tranh cũng là môi trường dung dưỡng cho cái xấu nảy sinh và phát triển trong môi trường giáo dục.

“Thực tiễn cuộc sống đã chỉ ra rằng: Rất nhiều tiêu cực vừa qua trong giáo dục là do dân phát hiện khá sớm, nhưng các quan chức mãi mới nhận ra nên khi buộc phải xử lý thì tổn thất lớn hơn, cái giá về uy tín và danh dự của ngành phải trả là nặng nề to lớn” – GS Trung nhận định.

Hồng Hạnh (ghi)