Bạn thất nghiệp vì bạn muốn thế!
(Dân trí) - Ai cũng muốn có việc làm để đảm bảo cho cuộc sống của mình và có thể giúp đỡ người khác. Hầu như ai cũng có một kỹ năng nào đó để kiếm tiền. Vậy tại sao cử nhân đại học dù có học vấn, bằng cấp mà vẫn không có việc làm? Cử nhân thất nghiệp là do đâu?
Mỗi khi có thông tin số liệu về con số cử nhân thất nghiệp, dư luận lại rộ lên sôi nổi bàn về nguyên nhân thất nghiệp, nào là do chất lượng đào tạo kém, lý thuyết không đi đôi với thực hành; do bằng đại học mất giá; do cung quá nhiều so với cầu… Trong khi đó, nhân tố chủ thể trong “vấn nạn” thất nghiệp là bản thân người lao động lại ít được đưa ra bàn luận.
Tôi nghĩ rằng, cử nhân sẽ không thất nghiệp nếu họ thực sự muốn có việc làm! Sở dĩ cử nhân thất nghiệp là bởi vì họ kén việc.
Theo tôi, có một số khía cạnh liên quan đến tâm lý kén việc của cử nhân.
Thứ nhất, nhiều người vẫn theo xu hướng thích vào biên chế.
Trong buổi tiếp xúc với hơn 200 cử tri của phường Hưng Thạnh (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) ngày 27/4/2017, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, hiện cả nước có khoảng 200.000 sinh viên sau khi ra trường chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, quan điểm của người dân là con em mình phải làm việc ở cơ quan nhà nước, phải vào biên chế.
Chọn vào biên chế, tức là bạn chọn một “cuộc chơi” khó cho mình, vì chỉ tiêu biên chế vô cùng hạn chế, quá ít ỏi so với những chỉ tiêu việc làm khác ngoài xã hội. Vì cạnh tranh cho một số lượng rất ít chỉ tiêu, nên sự khó khăn, khắc nghiệt trong cuộc đua giành suất biên chế là điều dễ hiểu. Và thất nghiệp là kết cục của đa số người tham gia vào cuộc chơi này.
Thứ hai, nhiều người nghĩ phải làm một công việc xứng tầm với mình - vị trí tốt, lương cao.
Nhưng thế nào là công việc xứng tầm?
Trong cuốn sách “Học cách tiêu tiền” (NXB Lao động), tác giả Larry Winget (diễn giả, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng tại Mỹ) khẳng định: “Không có công việc lương thiện nào lại dưới tầm đối với tôi.”
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM từng khuyên sinh viên mới tốt nghiệp rằng: “Khi đi tìm việc, các bạn hãy bỏ qua tâm lý kén chọn mà hãy chấp nhận đi từ thấp đến cao bởi bạn vừa tốt nghiệp, bạn chưa có nhiều trải nghiệm.”
Còn TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng nhiều sinh viên mới ra trường nhưng có quan niệm "làm quan chứ không chịu làm lính", không bắt đầu với những công việc nhỏ nhất rồi phát triển từ từ.
Trên thực tế, trong khi nhiều cử nhân “kén cá chọn canh” thì cũng có những cử nhân chấp nhận làm các việc tạm thời như dạy kèm, hoặc các việc phổ thông như bán hàng, bảo vệ, phục vụ quán ăn hoặc thậm chí làm giúp việc gia đình để lo chi tiêu trước mắt.
Làm công việc phổ thông có thể là một lựa chọn cho tân cử nhân khi đứng trước bài toán kiếm sống, nhưng điều quan trọng là tâm thế của bạn khi làm công việc đó.
Bạn làm công việc phổ thông đó với suy nghĩ là “đường cùng nhắm mắt đưa chân”, hay là với suy nghĩ rằng đây chỉ là một bước khởi đầu trong toàn bộ cuộc đời làm việc dài lâu của mình? Bạn có đặt ra mục tiêu dài hạn cho mình không? Hay bạn đi làm chỉ cốt để có thu nhập? Đó là những câu hỏi bạn cần đặt ra cho mình khi chấp nhận làm công việc phổ thông.
Thứ ba, nói thẳng nhé, bạn thất nghiệp vì bạn lười chứ sao nữa!
Bạn đã học xong đại học, tức là bạn đã có những kiến thức nhất định để có thể kiếm sống, nhưng bạn vẫn đang chờ đợi tìm được một "công việc xứng đáng" - thực ra không hẳn là bạn sợ “mất mặt” khi đi làm những việc “dưới tầm”, mà chính là bạn lười làm việc.
Nhà tư vấn Larry Winget nói rằng: “Chúa đã chu cấp cho bạn khả năng kiếm sống. Đừng đổ lỗi cho Chúa về hoàn cảnh của bạn hay mong muốn Chúa sẽ chỉ cho bạn một kho báu. Thay vào đó, hãy thôi lười biếng và bắt tay vào làm việc đi nào!”.
Nếu bạn không phạm phải các yếu tố kén việc kể trên thì chắc chắn bạn sẽ tìm được việc làm.
Nhiều khi tình trạng “kén việc” của cử nhân được “hậu thuẫn” bởi sự bao bọc của gia đình. Việc cử nhân vẫn nhận “viện trợ” của gia đình sau khi tốt nghiệp đại học trong lúc chưa xin được việc thì cũng là điều chấp nhận được. Nhưng nếu đã tốt nghiệp cả năm trời mà cử nhân vẫn “ngửa tay nhận tiền” của gia đình, thì đây không phải là điều bình thường.
Bạn cần phải kiếm sống, ít nhất là nuôi được bản thân. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Trách nhiệm đầu tiên của một người là nuôi sống được bản thân, và sau đó là giúp đỡ những người khác”.
Còn tác giả cuốn “Vạch ranh giới” (NXB Lao động) khẳng định: “Một người trưởng thành mà không dựa vào chính khả năng tài chính của mình thì vẫn là một đứa trẻ. Để là người trưởng thành, bạn cần phải sống bằng các phương tiện của mình và tự trang trải cho các thất bại của mình”.
Nguyên Chi
(Email: minhthuong@dantri.com.vn)