Khổ học thành tài:

“Bàn tay vàng” của một người khuyết tật

(Dân trí) - “Mình tuy khổ nhưng giờ còn có việc làm, có thu nhập. Ra đường bây giờ thấy có nhiều cảnh còn khổ hơn mình”, tôi giật mình khi những lời nói như vậy lại được cất lên từ một người bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam - anh Nguyễn Bá Hưng.

Hiện anh Nguyễn Bá Hưng đang làm trong Công ty mây tre đan xuất khẩu Phú Điền -Thái Thuỵ - Thái Bình.

 

Từ bàn tay khuyết tật...

 

Từ khi sinh ra Hưng đã không được giống như những đứa trẻ bình thường khác. Càng lớn, dị tật trên thân thể anh càng lộ rõ. Đến nay tuy đã 29 tuổi nhưng anh đứng có khi chỉ cao bằng một đứa trẻ đang ngồi. Bàn tay, bàn chân dị tật khiến việc đi lại của anh cũng cực kì khó khăn.

 

Gia đình anh gắn bó với nghề biển đã từ lâu lắm rồi. Bố mẹ những mong sinh được cậu con trai đầu lòng, đỡ đần công việc chài lưới vất vả. Khi anh ra đời, thấy con không được bình thường, bố mẹ cũng buồn lắm. Nhưng nhà nghèo quá. Hai người đánh cá đủ ăn đã là may, làm gì có tiền chạy chữa cho con.

 

Anh lớn lên, làm bạn với cái ghế, cái giường. Bố mẹ vẫn suốt ngày chài lưới. Học đi được rồi thì quanh quẩn góc nhà hay xó bếp, chẳng bao giờ thò mặt ra đường. Bố mẹ sinh thêm hai em một trai một gái. Hai đứa chưa kịp lớn cũng đã theo bố mẹ ra biển đánh cá.

 

Không giúp được công việc chài lưới nhưng Hưng cũng muốn đỡ đần mẹ việc nhà. Anh cười cười, kể lại: "Ngày ấy phải trèo hẳn lên bếp nấu cơm. Được nồi cơm có khi mất cả buổi."

 

Nhưng quanh quẩn mãi cũng chán. Anh muốn tìm hiểu thế giới xung quanh mình có bao điều kì diệu. Thế là anh quyết tâm học chữ. Không ai giúp, cũng chẳng có người cầm tay uốn nắn những nét chữ đầu tiên. Hai em của Hưng được đi học nhưng cứ về nhà, quăng cặp là lại ra biển với tôm với cá. 

 

Anh phải bắt đầu tự học từ việc cầm bút. Những ngày đầu không thể điều khiển được những ngón tay ngắn ngủn, mỗi ngón tay chỉ dài một đốt. Cây bút cứ trượt đi, rơi xuống. Nhiều lúc đau tay quá, Hưng đã quẳng bút đi, không tập nữa. Nhưng nghĩ đến việc đọc sách, anh lại tự nhặt lên, lại tập. Cho chắc ăn, Hưng đã buộc cả cây bút vào tay.

 

Cầm được bút rồi, Hưng lại tự mày mò xếp các chữ cái, rồi nhờ mấy người hàng xóm phát âm để anh đọc theo. Cứ thế, những lúc cả nhà đi vắng thì ở nhà Hưng vật lộn với những con chữ. Rồi, khi biết chữ, anh đã lao vào đọc sách, cầm được cái gì là đọc cái ấy.

 

Cũng từ những ngày tháng ấy, qua những câu chuyện thu nhặt được, anh ấp ủ ước mơ trở thành kĩ sư cơ khí. Nhiều người nghe vậy cười, bảo chuyện viển vông…

 

Đến bàn tay người thợ

 

Hiện tại anh Hưng đang là một trong hai bàn tay vàng của Công ty mây tre đan xuất khẩu Phú Điền. Ngay trong gian hàng trưng bày các sản phẩm mây tre đan tại hội chợ các doanh nghiệp dành cho nguời khuyết tật, anh vẫn đang hoàn thành nốt chiếc chụp đèn bằng mây. Những ngón tay của anh tưởng như cầm dây mây cũng khó, nhưng các thao tác lại khéo léo và nhanh nhẹn lạ thường.

 

Để làm những sản phẩm tưởng như bình thường là thế, anh phải mất 1 năm học hỏi trong khi một người bình thường chỉ học nghề trong 3 tháng. Lắm lúc nản chí, bỏ về nhà. Nhưng bác Phú Điền và bố mẹ động viên giúp anh vượt qua tất cả. 

 

Giờ đây mỗi tháng anh có thể kiếm được 450-500 nghìn đồng, tạm trang trải cuộc sống. Điều đáng ngạc nhiên là anh còn học được nghề kim hoàn truyền thống của bác Phú  Điền. Những công việc tỉ mẩn đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn giờ anh có thể thực hiện không khác những người bình thường. Đôi tay ngày nào cầm bút còn ngượng nghịu nay đã có thể cầm ghíp, cầm kẹp hay vòi xăng để làm từng mắt xích nhỏ.

 

Bác Phú Điền, chủ cơ sở tâm sự: "Ngày đầu tiên cháu Hưng đến tôi còn không tin là cháu có thể học nghề. Nhưng giờ thì cháu là bàn tay vàng trong nghề kim hoàn và đan hàng thủ công cũng rất giỏi. Đúng là cháu đã làm được một điều phi thường."

 

Nói chuyện với anh Hưng phải cúi xuống và thật lắng nghe vì giọng anh phát âm cũng khó khăn. Nhưng một điều dễ nhận thấy nhất là nụ cười không hề vắng bóng trên khuôn mặt người thanh  niên khuyết tật ấy. Đó là nụ cười của người khuyết tật đã và đang hoà nhập với cộng đồng.

 

Nguyên Hạnh