Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm 8 - 10% dân số
(Dân trí) - Sáng 10/9, tại Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm hoạt động của hệ thống thư viện công cộng.
Theo thống kê của Thư viện Quốc gia Việt Nam, bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 - 10% dân số, khoảng 30.000 bạn đọc thường xuyên, trong khi thư viện cấp tỉnh chỉ khoảng 1.000 - 2.000 bạn đọc ở thành phố, cấp huyện 500- 600 bạn đọc; thư viện, phòng đọc cấp xã chỉ khoảng 100 - 200 bạn đọc.
Theo một cuộc điều tra của Trung tâm văn học trẻ em trên quy mô cả nước đã cho kết quả khá bất ngờ. Trong tổng chi phí của gia đình cho một trẻ em/tháng, số tiền dành cho việc mua sách báo chỉ chiếm 2%, thậm chí có bậc phụ huynh trả lời rằng “không có tiền dành để mua sách báo” hoặc, “không có thói quen đọc sách báo”…
Hệ thống thư viện ở nhiều địa phương không được duy trì. Nếu có thì cũng rất nghèo nàn. Nguồn ngân sách chủ yếu là do sự tài trợ của Trung ương, của nhà xuất bản hoặc sự quyên góp của các cá nhân…
Xu hướng hiện nay, một số bộ phận lớn thế hệ trẻ ngại đọc sách kinh điển, lý luận…với nhiều trang, nhiều tập; tập trung những truyện tranh có nội dung đơn giản, thậm chí thiếu lành mạnh trong khi gần như không quan tâm đến các thể loại văn học (tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dịch, thơ…) và những loại hình văn hóa, nghệ thuật có tác dụng giáo dục lý tưởng, tư tưởng, thẩm mỹ…
Hội nghị cũng chỉ ra rằng, thực tế, bạn đọc trẻ không chỉ đọc sách báo giấy mà còn trên mạng, sử dụng thư viện số, sử dụng e - book (sách điện tử)… để tích lũy kiến thức, có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi và tìm được thông tin nhanh. Giới trẻ năng động đã tạo cho mình một thư viện bỏ túi qua điện thoại có sẵn file truyện tương thích (chứa khoảng hơn 5.000 đầu sách các thể loại) có thể đọc sách tiện lợi trong mọi lúc, mọi nơi, kể cả những cuốn tiểu thuyết văn học hàng ngàn trang, thậm chí cả những cuốn sách ngoại văn chuyên ngành rất khó tìm, hoặc có ở Việt Nam thì cũng rất đắt.
Tính đến cuối năm 2010, cả nước đã hình thành mạng lưới thư viện rộng khắp với gần 18.000 thư viện, tủ sách công cộng; hơn 400 thư viện đại học và cao đẳng, gần 1.000 thư viện, tủ sách trong lực lượng vũ trang, hơn 80 thư viện chuyên ngành và gần 25.000 thư viện trường phổ thông…