Bài thi mắc lỗi nào thì không được chấm?
(Dân trí) - Thời gian gần đây <i>Dân trí</i> liên tục nhận được thắc mắc của các bạn thí sinh về việc lỗi tô sai mã đề, vô tình gạch chân câu trả lời, kẻ lề vẽ đồ thị bằng bút chì… thì liệu bài thi có được chấm bình thường không.
Nhằm đề giải đáp về những vấn đề trên, Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định Chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT.
Thưa ông, đối những bài thi tô sai mã đề, số báo danh, thông tin trên phiếu trắc nghiệm không đầy đủ... thì sẽ được xử lý như thế nào?
Rất nhiều lần tôi đã nhắc nhở với các em là đối với môn thi trắc nghiệm thì cần phải chú ý ghi mã đề cho đúng. Tuy nhiên thực tế thi cử hàng năm không ít thí sinh vẫn mắc phải lỗi này. Trước hết phải khẳng định lỗi này thuộc về các em nhưng trong quá trình chấm thi quyền lợi thí sinh sẽ vẫn được đảm bảo tối đa. Tùy vào từng tình huống cụ thể mà việc tô sai mã đề sẽ có biện pháp xử lý khác nhau.
Trong quy trình chấm thi trắc nghiệm, sẽ có quy trình kiểm dò để phát hiện những thông tin sai. Quy trình này được bộ phận chấm thi thực hiện sau khi máy đã quét bài thi. Thực tế kiểm dò cho thấy: có những lỗi lôgic như có số báo danh trùng nhau, mã đề không tồn tại... máy sẽ phát hiện ra.
Trong trường hợp này bộ phận chấm thi trong đó có sự giám sát của công an sẽ sửa lại các lỗi lôgic và đưa vào chấm bình thường. Tuy nhiên, có những lỗi kỹ thuật mà máy không phát hiện được.
Ví dụ: TS tô sai mã đề thành một mã đề khác cũng có trong tổng số đề thi thì máy sẽ không nhận ra và sẽ chấm theo mã đề TS đã tô. Như vậy bài thi của TS sẽ bị máy đương nhiên chấm nhầm. Trường hợp này chỉ sau khi có kết quả thi, TS phải làm đơn phúc tra thì mới được xem xét và chấm lại.
Khi phúc khảo thì bài thi trắc nghiệm có được rút ra chấm bằng tay? Việc chấm bài thi phúc khảo sẽ như thế nào, thưa ông?
Việc chấm phúc khảo các bài trắc nghiệm vẫn do máy thực hiện. Việc phúc khảo chỉ là kiểm tra những thông tin trên bài thi của thí sinh có chuẩn xác hay không. Với những bài có những lỗi kỹ thuật thuộc về thí sinh thì phải đối chiếu bài thi với phiếu thu bài thi để xác định đúng các thông tin trên bài thi của thí sinh. Sau đó những lỗi kỹ thuật này sẽ được sửa lại và đưa vào máy chấm. Trường hợp mà thí sinh ghi thông tin trên phiếu thu bài thi cũng không chính xác thì thí sinh phải chịu trách nhiệm.
Bài thi trắc nghiệm cũng sẽ được chấm phúc khảo như đối với thi tự luận. Riêng về quy trình chấm phúc khảo bài thi trắc nghiệm có hơi khác một chút: bài thi (phiếu trả lời câu hỏi trắc nghiệm) của thí sinh sẽ được rút ra để đối chiếu với bản text đã được máy chấm quét trong lần chấm đầu để xác nhận bài thi và bản quét là một. Sau đó, các cán bộ chấm thi phải so sánh, kiểm tra trực tiếp xem trên bài thi có vấn đề gì ảnh hưởng đến kết quả hay không. Ví dụ như: vì tô câu trả lời mờ khiến máy không đọc được thì phải điều chỉnh ghi nhận câu trả lời đúng cho thí sinh... Kết quả của lần chấm lại căn cứ trên thực tế bài thi sẽ được lấy làm điểm chấm phúc khảo và được công nhận là kết quả thi của thí sinh.
Nhiều bạn thí sinh cũng mắc những lỗi như dùng bút chì để vẽ đồ thị, gạch chân câu trả lời…Những bài thi như vậy sẽ được xử lý như thế nào?
Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh không được làm bài thi bằng hai màu mực. Chỉ những hình tròn vẽ bằng compa mới được sử dụng bút chì, còn toàn bài thi, kể cả hình vẽ, biểu đồ, đồ thị..., thí sinh đều phải kẻ vẽ bằng cùng một màu mực với chữ viết trong bài thi.
Những trường hợp bài thi có hai màu mực hoặc trường hợp có hình vẽ bằng bút chì, gạch chân câu trả lời, kẻ lề… sẽ xếp vào dạng những bài thi đặc biệt, có dấu hiệu khác thường. Hội đồng chấm thi sẽ lọc riêng những bài thi này và tổ chức chấm tập thể.
Nếu bài thi được xác định bình thường, thí sinh vô tình phạm lỗi thì bài thi sẽ không bị trừ điểm. Đối với những bài thi hội đồng chấm xác định đủ căn cứ xác đáng là thí sinh cố tình đánh dấu bài sẽ bị xử lý theo quy chế.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hùng (thực hiện)