Bài học về lòng trung thực

Nghe lời bạn bè, tôi dùng hai phần ba tiền ăn trong tháng tới gõ cửa một trung tâm gia sư. Và tại đây, người ta đã “dạy” tôi nói dối một cách bài bản nhất.

Gia đình tôi đã có những thời điểm rất khó khăn, và việc tôi học đại học là một gánh nặng thêm cho những khó khăn đó. Có những lúc tôi đã nghĩ mình sẽ bỏ học và kiếm một việc gì đó để giúp đỡ gia đình, nhưng rồi chính tôi nhận ra rằng, nếu tôi từ bỏ lúc này, gánh nặng đó sẽ càng nặng thêm.

Nghe lời bạn bè, tôi dành hai phần ba tiền ăn trong tháng tới gõ cửa một trung tâm gia sư trên con đường Giải Phóng ngập bụi. Và tại đây, người ta đã “dạy” tôi  nói dối một cách bài bản nhất.

Họ dạy tôi rằng, muốn được các gia đình thuê dạy con em họ và muốn có thù lao cao, thì trước hết, phải đóng cho mình cái "mác” giáo viên” dù bạn có đang là bất kì ai chăng nữa. Và tôi, sinh viên năm hai một trường đại học không mấy danh tiếng, đã khoác lên mình lí lịch: giáo viên trường LTV, tốt nghiệp Đại học SP HN, khóa 04-08…

Để chắc chắn, trung tâm còn phát cho tôi một tờ lí lịch của chính mình với tên khác, ngành học khác, nghề nghiệp khác và dặn “về nhớ học thuộc lòng” lỡ gia đình họ cẩn thận muốn kiểm tra. Kèm theo đó là một tờ giấy photo tấm bằng tốt nghiệp của ai đó mà khuôn mặt và những dòng chữ đều nhòe nhoẹt.

Để lại hai phần ba tiền ăn trong tháng của mình lại đó, tôi mang về nhà những tờ giấy để “học thuộc” và ghi nhớ địa chỉ trung tâm đưa cho với mong muốn có tiền tiếp tục việc học ở trường.

Mọi chuyện không dễ như tôi tưởng, bài học thuộc lòng đã tập rất nhiều lần ở nhà vẫn làm tôi lúng túng đỏ mặt ngượng ngùng. Cái cảm giác có lỗi vì nói dối, khi trước mặt tôi là bà cụ gần 70 tuổi và cô nhóc đáng yêu, cháu nội của cụ năm nay bước vào cấp hai, làm tôi cúi gằm mặt suốt cả buổi nói chuyện.

Trái với thái độ của tôi là nụ cười phúc hậu và niềm nở của cả hai bà cháu, có vẻ cả hai rất trông đợi cuộc gặp này. Bố mẹ đang làm việc tại nước ngoài, cô bé ở nhà với ông bà nội, vì thế, thù lao dạy cho bé không thành vấn đề, chỉ làm sao cô bé học tốt và luôn có cảm giác vui vẻ là được.

Hoàn thành vai diễn trở về, tôi đổ vật xuống chiếc giường chua mùi mồ hôi trong kí túc xá. Tôi có thể tiếp tục vai diễn và nhận mức thù lao như đã thỏa thuận?

Tôi biết chắc rằng nếu mình làm như vậy gia đình cô bé cũng không thể biết rằng tôi đã nói dối, hơn nữa họ lại có điều kiện, chỉ cần mình dạy tốt là được. Ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu tôi như lời bào chữa cho những lời nói dối trá của mình. Tôi thiếp đi khi miên man nghĩ về một cuộc sống bớt chật vật trên đôi vai của bố mẹ.

Chìm trong giấc mơ về cô bé lộng lẫy váy áo như một thiên thần mà tôi mơ ước suốt thời thơ ấu đầy lam lũ, tôi choàng tỉnh khi thiên thần có đôi cánh mà không thể bay, ngóng đôi mắt chong chong mở lên cao xa vời vợi… thiên thần không nói dối.

Giấc mơ không ám ảnh tôi, tôi cũng không phải một thiên thần cả trong mơ lẫn ngoài cuộc sống. Nhưng tôi đã quyết định tới ngôi nhà hai bà cháu và nói tất cả sự thật khi tôi còn chưa tới dạy buổi đầu tiên.

Gia đình không muốn thuê tôi nữa vì cái họ thật sự cần là một giáo viên giàu kinh nghiệm vì cô bé sẽ thi vào trường cấp hai chuyên. Tôi trở về kí túc xá, không lấy được khoản tiền ở trung tâm gia sư nhưng thấy lòng mình thật thanh thản, thật khó để học một bài học nói dối.

Thật bất ngờ khi tôi nhận được điện thoại của người bà cô bé, và bất ngờ hơn khi người bà nói với tôi lời cảm ơn, vì đã dạy cô bé - cháu gái của bà bài học về sự trung thực.
Theo Thùy Linh
VTC