“Bài ca” kiên cố hóa

(Dân trí) - Ngày 2/4, Văn phòng Chính phủ, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị triển khai đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012. Sẽ có 25.200 tỷ đồng được chi trong giai đoạn này.

Với 25.200 tỷ, sẽ có 141.300 phòng học kiên cố và 1,6 triệu m2 nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn được ra mắt trong 5 năm tới.

Kiên cố hóa trường học là một trong những chương trình “ngốn” nhiều tiền của nhất của ngành giáo dục và đây cũng là một chương trình tạo nên nhiều “huyền thoại” nhất. Chẳng hạn như huyền thoại về tình dân: Nhiều tỉnh thuộc ĐBSCL rất khó khăn về mặt bằng xây dựng đã vận động được nhân dân hiến đất để xây dựng trường học: Người dân ở tỉnh Hậu Giang 17.000m2, Bạc Liêu 62.324m2, Kiên Giang 174.000m2, Sóc Trăng 29.570m2....Có những người là thương binh, công nhân dù cuộc sống còn rất nghèo khổ nhưng họ vẫn hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây trường.

Kiên cố hóa, càng xóa càng tăng!

“Việc quyết định đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng cho chương trình Kiên cố hóa trường học, nhà công vụ cho giáo viên vùng khó khăn giai đoạn 2008-2012 thể hiện sự quan tâm và cọi trọng công tác giáo dục.

 

Đây là chương trình đầu tư lớn nhất dành cho công việc này từ trước tới nay với hy vọng tăng thêm điều kiện học tập, đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các thầy cô vùng núi, vùng dân tộc khó khăn.”

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

Chương trình kiên cố hóa trường học được “khai sinh” vào năm 2002. Năm 2002, sau khi rà soát lại tình hình phòng học của tất cả các địa phương trên cả nước căn cứ trên báo cáo của các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xây dựng tổng số phòng học dự kiến là 67.500 phòng học với mục tiêu đến cuối năm 2003 xóa bỏ tình trạng học 3 ca, đến năm 2005 không còn lớp học tạm tranh tre, nứa, lá.

Nhưng vào thời điểm đầu năm 2005, trong khi tổng số 67.500 phòng học này còn chưa giải quyết xong thì các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ lại tiếp tục báo cáo về danh sách số phòng học cũng đang trong diện rất “khẩn thiết” được giải quyết với tổng số lên tới hơn 110 nghìn phòng!

Nếu tính cả số phòng học 3 ca, phòng học tạm thời, tranh tre nứa lá đã báo cáo với Chính phủ tháng 8/ 2002 đến nay chưa xây dựng thì tổng số phòng học các loại cần xây dựng khoảng 122.481 phòng, gấp đôi số phòng học trong dự kiến cần xây dựng ban đầu! Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được ngành giáo dục tìm ra là do một số tỉnh trước đây đã chạy theo bệnh thành tích, e ngại và... xấu hổ nên báo cáo không trung thực về thực trạng cơ sở vật chất trường học của địa phương mình...

Vất vả lắm đến cuối năm 2007, ngành giáo dục mới “giải quyết” được khoảng 60.000 phòng học.

Phải chặn đứng tình trạng tiền “biến dạng”!

Tổng kinh phí nhà nước đầu tư thực hiện chương trình kiên cố hóa giai đoạn 1 từ cuối năm 2002 đến năm 2007 là 7.714 tỷ đồng. Tuy nhiên, hết 4 năm thực thi, vẫn còn trên 7% kinh phí chưa giải ngân. Tính đến cuối tháng 6/2007 có 29 tỉnh chưa hoàn thành việc này.

Chậm giải ngân nhưng vẫn có hơn 500 tỷ đồng dùng để "xóa phòng học tranh tre nứa lá" bị sử dụng vào mục đích khác. Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Tài chính ở 36 tỉnh, số vốn đã sử dụng để thực hiện các công việc khác lên tới hơn 513 tỷ đồng.

Tỉnh Hà Giang đã sử dụng hơn 59 tỷ đồng để thanh toán nợ khối lượng xây dựng trước năm 2002, xây dựng trường Chính trị của tỉnh, huyện và trường CĐSP; Đặc biệt, tỉnh Lạng Sơn dùng 4 tỷ đồng vốn công trái giáo dục cho doanh nghiệp vay để... sản xuất cửa nhựa. Tỉnh Yên Bái sử dụng 31,860 tỷ để thanh toán...nợ khối lượng các dự án đã có nguồn vốn từ các chương trình khác...

Chính vì thế, chương trình kiên cố hóa trong giai đoạn 2008-2012 sẽ có 3 điểm mới. Đó là:

  1. Phân cấp mạnh mẽ hơn đi đối với cơ chế tự chịu trách nhiệm. Địa phương có quyền quyết định chủ đầu tư các công trình KCH trường lớp học cho: Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, UBND cấp huyện, xã hay hiệu trưởng nhà trường tùy vào tính chất và quy mô công trình.
  2. Định suất kinh phí/phòng học/trường học cũng do địa phương quyết định phù hợp với đặc điểm nền móng, địa chất, dân số... trong thực tế. Việc phân bổ tiền xây dựng sẽ do địa phương quyết định, sao cho hiệu quả nhất. Địa phương nào xây dựng tiết kiệm, kinh phí thấp thì sẽ làm được nhiều trường.
  3. Tăng cường cơ chế giám sát từ nhiều kênh: Hội đồng nhân dân các cấp, các sở chuyên ngành, các tổ chức và lực lượng xã hội: Mặt trận tổ quốc, Hội Khuyến học... để đầu tư hiệu quả, chất lượng, chống thất thoát; Ngay khi lập tiến độ triển khai các công trình thuộc Đề án này, các địa phương cần lập kế hoạch kiểm tra giám sát công trình song song.

Mai Minh