Bác sĩ nội trú – nhân lực ưu tú nhất ngành Y bị từ chối thi tiến sĩ

(Dân trí) - Theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, đối tượng dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ chỉ dành cho những người có bằng thạc sĩ hoặc bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên. Nhân lực ưu tú nhất ngành y hiện nay là nhóm bác sĩ nội trú bị từ chối thi nghiên cứu sinh.

Học nhiều hơn chương trình thạc sĩ vẫn bị từ chối thi

Trước quy định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng đã có công văn gửi đến Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Cục trưởng Cục khoa học Công nghệ và Đào tạo.

PGS Hinh cho biết, bác sĩ nội trú là những người được đào tạo với khối lượng kiến thức lý thuyết và thực hành nhiều hơn so với số lượng tín chỉ quy định cho đào tạo trình độ thạc sĩ. Bằng chứng này được Đại học Y Hà Nội tổng hợp, gửi kèm, so sánh giữa hai chương trình đào tạo thạc sĩ và bác sĩ nội trú.

Bác sĩ nội trú được coi là nguồn nhân lực ưu tú của ngành y bởi quá trình đào tạo, thực hành xuyên suốt từ khi học Đại học đến khi tốt nhiệp là 9 năm.
Bác sĩ nội trú được coi là nguồn nhân lực ưu tú của ngành y bởi quá trình đào tạo, thực hành xuyên suốt từ khi học Đại học đến khi tốt nhiệp là 9 năm.

Trong khi đó, Tthông tư số 08/2017/TT – BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ lại từ chối nhóm đối tượng là bác sĩ nội trú.

Bởi nhiều trường Đại học Y Dược đào tạo hệ bác sĩ nội trú trong nhiều năm vừa qua nhưng không được cấp bằng thạc (do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp).

“Hiện nay, đa số những người đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú là các giảng viên của các bộ môn trong trường Đại học Y, cũng như là các bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao tại các bệnh viện tuyến trên”, PGS Hinh khẳng định trong báo cáo.

Từ thực tiễn đào tạo sau đại học của trường Đại học Y Hà Nội và trên cơ sở ý kiến của thành viên Hội đồng Hiệu trưởng các Trường Đại học Y Dược Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi về học tập và nghiên cứu cho những người đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú, PGS Hinh thay mặt Hội đồng đề nghị Bộ Y tế đồng thuận đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép những người có bằng bác sĩ nội trú được dự xét tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như những người có bằng thạc sĩ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét cấp bằng Thạc sĩ cho các bác sĩ đã có bằng nội trú nhưng đến nay chưa được cấp bằng Thạc sĩ.

Sau công văn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn phúc đáp, do ông Đặng Quang Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục sau đại học kí.

Nội trung trả lời dẫn theo khoản 1 Điều 5 Thông tư số 08/2017 – BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, đối tượng dự tuyển đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người có bằng thạc sĩ, hoặc bằng tốt nghiệp loại giỏi trở lên.

Thiệt thòi rất lớn!

Liên quan đến sự việc bác sĩ nội trú bị từ chối thi nghiên cứu sinh do quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS. Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, Chủ tịch Phẫu thuật tim mạch VN, ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật viên Tim mạch và Lồng ngực châu Á, người rất tâm huyết trong sự nghiệp đào tạo và từng là một bác sĩ nội trú bày tỏ sự lo lắng khi nhân lực ưu tú của ngành y lại không được thi tiến sĩ.


GS Lê Ngọc Thành cho rằng nhân lực bác sĩ nội trú đều là những bác sĩ giỏi. Ảnh: H.Hải

GS Lê Ngọc Thành cho rằng nhân lực bác sĩ nội trú đều là những bác sĩ giỏi. Ảnh: H.Hải

“Tôi có thể khẳng định, phần lớn các bác sĩ có trình độ cao hiện nay đại đa số là bác sĩ nội trú ra. Nhiều người trong số đó là những người cầm cân nảy mực trong ngành y tế, là bác sĩ có tay nghề cao, giám đốc các bệnh viện… Họ là những người giỏi mà lại bị từ chối thi nghiên cứu sinh là một sự thiệt thòi rất lớn”, GS Thành nói.

Trong ngành y, cụm từ “Bác sĩ nội trú” là một “thương hiệu” khiến các sinh viên y ngưỡng mộ, các Giám đốc bệnh viện ưu tiên tuyển dụng, chỉ cần tốt nghiệp bác sĩ nội trú là được tiếp nhận vào các bệnh viện lớn.

Theo GS Thành, có được sự “ưu tiên” này bởi chương trình học bác sĩ nội trú rất nặng. Thực tế thời lượng cả lý thuyết, thực hành của nội trú hơn cả học cao học.

Bác sĩ nội trú bệnh viện là hệ đào tạo đặc thù của ngành y so với các ngành đào tạo khác. Thi tuyển ngặt nghèo, học tập gian khổ, khắc nghiệt,... nhưng sinh viên đại học y ai ai cũng khát khao thành bác sĩ nội trú bởi vì bác sĩ nội trú có thể sẽ thay đổi cả cuộc sống lẫn chuyên môn của họ...

“Muốn thi được bác sĩ nội trú phải là những sinh viên y khoa giỏi và có ý thức học hành ngay từ những năm đầu tiên. Tôi có thể khẳng định, đó là cả một quá trình học hành, rèn luyện, sinh viên ngay từ năm 3 đã phải lao vào học trên giảng đường, học ở bệnh viện họ mới có cơ hội được đỗ bác sĩ nội trú”, GS Thành nói.

Vì thế, GS Thành cho rằng quy định này gây thiệt thòi rất lớn cho những thế hệ bác sĩ tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Bởi đây là nguồn nhân lực ưu tú, chất lượng nhất trong ngành y.

Bác sĩ nội trú là một chương trình đào tạo đặc biệt dành cho các bác sĩ mới ra trường. Sau 6 năm học đại học, các bác sĩ mới ra trường, <27 tuổi, tốt nghiệp loại khá trở lên có thể thi Cao học hoặc bác sĩ nội trú. Thi vào nội trú khó khăn hơn nhiều so với Cao học và Chuyên Khoa 1. Chỉ có các sinh viên Y khoa chính quy mới được dự thi Bác sĩ nội trú và chỉ được thi duy nhất một lần trong đời.

Chương trình học nội trú khá nặng. Chữ "nội trú" hàm ý là sống và làm việc trong bệnh viện. Ngày nay, nội trú có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn và các bác sĩ nội trú không nhất thiết phải ở trong bệnh viện. Các Giáo sư đầu ngành của Y học Việt Nam hầu hết xuất thân từ các bác sĩ nội trú.

Hồng Hải