Bắc Giang: Trường THPT Lục Ngạn số 2 nỗ lực vượt khó
Trường THPT Lục Ngạn số 2 (tiền thân là trường PT cấp 2+3 Tân Hoa) được thành lập tháng 8/1996 theo quyết định số 105/QĐ - UB của UBND tỉnh Bắc Giang. Thời gian đầu, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trình độ đầu vào của học sinh.
Trước tình hình đó, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã quyết tâm vượt khó vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Những ngày cuối năm 2011, chúng tôi có dịp về thăm Trường THPT Lục Ngạn số 2, cũng là lúc miền Bắc đang đón đợt không khí lạnh tăng cường, tôi càng thấm thía hơn cái lạnh và nỗi khổ của người dân miền núi nơi đây khi mỗi dịp đông về, hình ảnh đầu tiên tôi bắt gặp là cảnh những cô, cậu học sinh tấp nập mang, vác bàn ghế dọn dẹp trường lớp để chuẩn bị nghỉ Tết. Bận rộn là vậy, nhưng nhà trường vẫn dành cho tôi sự đón tiếp chu đáo, trong cái bắt tay thân mật, cởi mở như người thân ở xa mới về của Đ/c Phạm Hồng Dương - Hiệu trưởng nhà trường, tôi như quên đi hết cái giá lạnh, mệt mỏi phải vượt hàng trăm cây số để đến với trường. Bên ấm trà xanh, chúng tôi cùng trò chuyện về những bước thăng trầm của trường, về cái quyết tâm bám trụ để mang cái chữ đến cho con em đồng bào nơi đây. Nhớ lại những ngày đầu mới thành lập, Đ/c Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Trung không khỏi bùi ngùi: Giáo viên giảng dạy chủ yếu tăng cường từ THCS lên nên rất yếu, cơ sở vật chất của trường còn quá nhiều thiếu thốn, khó khăn. Trường luôn phải học 2 ca, chung cho cả 2 bậc học nên công tác quản lý, triển khai công việc gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trường còn đối mặt với những khó khăn như: Địa hình đồi núi phức tạp, giao thông khó khăn, trình độ dân trí vùng chưa cao, dân cư không tập trung; cán bộ, giáo viên ở xa đến công tác, phần lớn còn trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề.
Trước tình hình đó, Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Cụ thể như xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học trên cơ sở các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính và các điều kiện xã hội khác. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, cá nhân trong công việc; hàng tháng có kiểm tra, đánh giá để động viên, nhắc nhở. Việc phân công nhiệm vụ đảm bảo hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên phát huy khả năng của mình; khuyến khích sự sáng tạo, học hỏi, tìm tòi nâng cao năng lực, trình độ trong công tác. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ, mọi nhiệm vụ đều được bàn bạc thống nhất trong chi bộ Đảng và Ban giám hiệu; chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Khuyến khích và hỗ trợ giáo viên đi học chuyên môn để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công tác.
Lãnh đạo nhà trường cùng các đoàn thể, bộ phận luôn có sự phối kết hợp chặt chẽ thông qua giao ban. Giáo viên chủ nhiệm thường xuyên thông tin hai chiều với cha mẹ học sinh thông qua sổ liên lạc, bản cam kết hè… Liên hệ chặt chẽ với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Ngoài ra công tác triển khai thực hiện các cuộc vận động của ngành và phong trào thi đua Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ: Các hội thi văn hóa văn nghệ, TDTT, các cuộc thi trí tuệ được tổ chức nhiều hơn, chất lượng hơn: Hội thi Tiếng hát học sinh (20/11/2011), Hội thi Theo dòng Lịch Sử (22/12/2011), Hội thi Rung Chuông vàng (20/02/2011), Hội thi Cắm hoa, làm bánh (06/03/2011), Hội thi Học sinh thanh lịch, Hội thi Trò chơi dân gian (26/03/2011); Hội thi Tài trí học đường: được giải ba cấp huyện và được giải nhất cấp Tỉnh… Đặc biệt, Hội chữ thập đỏ nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền cho phong trào hiến máu tình nguyện, đã có 8 CBGV, trên 120 học sinh đăng ký tham gia hiến máu, có 76 người đã trực tiếp cho máu. Tổ chức tốt ngày hội thắp sáng ước mơ năm 2012, trao tặng 23 xe đạp và các phần quà trị giá trên 40 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức cho HS khối 10,11 thi kiểm tra kiến thức về giới và giới tính, về sức khỏe sinh sản, về bạo lực học đường, bạo lực gia đình. Qua đó HS hiểu biết hơn về các lĩnh vực trên và có cách sống phù hợp, tự bảo vệ được mình…
Nhờ những nỗ lực nêu trên, đến nay tổng số CBCNV của trường là 82 người, trong đó tổng số giáo viên là 75 người, tất cả đều đạt chuẩn (trình độ thạc sỹ 3, đang học thạc sỹ 2, đại học 70). Nhà trường có 35 lớp với 1582 học sinh. Từ chỗ thiếu trầm trọng phòng học và phòng chức năng trong những ngày đầu thành lập, đến nay trường đã có 20 phòng học (trong đó 17 phòng kiên cố); 3 phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập của giáo viên và học sinh các môn Lý, Hóa, Sinh; nhà công vụ cho giáo viên có 20 phòng; Nhà làm việc của giáo viên được trang bị đầy đủ các điều kiện phục vụ công tác quản lý và các hoạt động của giáo viên.
Sự nỗ lực đó của nhà trường cũng được chứng minh bằng thực tế là: Chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng cao, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp qua các năm luôn đạt 95% - 99%, số lượng học sinh đỗ và các trường ĐH, CĐ có tổ chức thi hàng năm là trên 200 học sinh. Kết thúc năm học 2010 - 2011, nhà trường khen thưởng cho 10 GV có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HSG; 22 học sinh đạt các giải trong các kỳ thi cấp Tỉnh tổ chức, 06 học sinh đạt danh hiệu HSG và 501 học sinh đạt danh hiệu HSTT. Nếu ai đã từng gắn bó và chứng kiến những bước đi thăng trầm của ngôi trường miền núi này, mà hôm nay có dịp về thăm lại thì chắc chắn đều có chung một nhận xét là nó đã “thay da đổi thịt”. Thế nhưng nhìn gương mặt Đ/c Hiệu trưởng Phạm Hồng Dương, tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó trăn trở, phảng phất nỗi lo, khi được hỏi đồng chí chia sẻ: Tình trạng CBGV luân chuyển hàng năm nhiều, mà nguyên nhân chính là do chế độ của Nhà nước đối với giáo viên vùng núi nơi đây chưa đảm bảo để họ yên tâm công tác; phần lớn là giáo viên trẻ non về tuổi đời lẫn tuổi nghề, lại ở xa nhu cầu về chỗ ở ổn định là rất lớn mà nhà trường chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Nhà trường còn chưa có sân bãi tập TDTT, chưa có nhà đa năng; chưa có tường bao quanh; đất nhà trường chưa đủ diện tích để xây dựng trường chuẩn (hiện có 10.065m2, thiếu khoảng 8000 m2).
Chia tay với ngôi trường THPT Lục Ngạn Số 2, tôi ra về trong tâm trạng xen lẫn buồn vui, vui về sự đổi thay của nhà trường, nhưng lại buồn về những khó khăn mà Đ/c Hiệu trưởng vừa chia sẻ vẫn chưa được giải quyết. Mong các cấp và chính quyền địa phương cùng vào cuộc để tháo gỡ, tạo cho nhà trường có sức bật phấn đấu thực hiện mục tiêu đạt danh hiệu Trường chuẩn quốc gia vào năm 2014.