Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Không tấp nập đông đúc như Văn Miếu nhưng Đình Đông Ngạc những ngày qua tiếp hàng trăm lượt khách dâng lễ. Phần đông trong số họ là những người bà đến xin sớ cầu may cho cháu thi tốt nghiệp THPT.

Bà Trương Thị Lý, người làng Vẽ (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có cháu nội năm nay thi tốt nghiệp THPT 2024. Bà đến đình Đông Ngạc cùng bà ngoại của cháu mình. Bà ngoại lại rủ bà thông gia - mẹ chồng của con gái - đi cùng. 

Vậy là ba người bà cùng đến dâng lễ, xin sớ cầu may cho các cháu ở ngôi đình được dân làng Vẽ xem là "Văn Miếu" riêng của làng trong cơn mưa lớn sáng 26/6.

Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu - 1

Bà nội dâng sớ cầu may cho cháu thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Các bà tất bật sắp lễ, nhờ thầy viết sớ. Có chút lúng túng, hồi hộp, các bà quên địa chỉ nhà con, lại không biết số báo danh hay phòng thi, điểm thi của cháu. Con cháu nhắn tin thì mắt kém không đọc được. Vậy là các cuộc gọi liên tục được thực hiện, hỏi con hỏi cháu xem số báo danh là gì, địa chỉ nhà con ở đâu.

Cụ Lê Văn Châu - Phó Ban quản lý di tích đình Đông Ngạc - là người viết sớ. Có lẽ đã quen với cảnh này, cụ bình tĩnh hỏi từng người. Để chắc chắn thông tin, cụ nghe điện thoại trực tiếp từ sĩ tử, kiểm tra lại số báo danh cho thật chính xác.

Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu - 2

Bà nội, bà ngoại cùng đến đình dâng lễ cho cháu trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2024 (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Đình Đông Ngạc (còn gọi nôm là đình Vẽ) được khởi dựng từ năm 1637, có khu văn chỉ thờ 22 vị tiến sĩ của làng.

Kể từ khi Phan Phu Tiên thi đỗ thái học sinh thời Trần Nhuận Tông (1393) cho đến Hoàng Tăng Bí đỗ phó bảng năm 1910, làng Vẽ có tổng cổng 21 tiến sĩ văn và 1 tiến sĩ võ.

Không phải tất cả 22 tiến sĩ đều là người làng. Có nhiều người quê quán nơi khác nhưng được vua cắt đất làng ban thưởng, làm nơi an cư lạc nghiệp.

Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu - 3

Bia tiến sĩ làng Đông Ngạc thời Lê - Nguyễn đặt trong văn chỉ, thuộc khuôn viên đình Đông Ngạc (Ảnh: Tùng Anh).

"Bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng thờ các cụ tiến sĩ của làng. Bia ở Văn Thánh Miếu Huế cũng thờ các cụ tiến sĩ của làng. Nên người làng Vẽ không phải đi đâu xa", cụ Lê Văn Châu nói.

Những ngày này, cụ Châu đón tiếp nhiều lượt khách, số lượng sớ chuẩn bị trước không đủ để viết. Gần trưa, cụ phải từ chối viết sớ cho hai bà cháu vì đã hết sớ.

Khác với những địa chỉ tâm linh khác tại Hà Nội, đình Đông Ngạc không quá đông đúc. Người đến dâng lễ đa phần là người làng, hoặc quê quán ở làng. Các sĩ tử cũng không đi một mình mà đi cùng mẹ, cùng bà. Nhiều gia đình cả bà nội lẫn bà ngoại đi cùng cháu. 

Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu - 4

Hai học sinh đến đình cầu nguyện trước ngày thi (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Mỗi gia đình sắp hai lễ, một lễ dâng ở nội bái đường - nơi thờ 3 vị phúc thần gồm Thần Độc Cước (Thiên Thần), Thổ Thần và tướng Lê Khôi (Nhân Thần), một lễ dâng ở văn chỉ - nơi thờ quan Quốc sử viện Phan Phu Tiên cùng 21 tiến sĩ khác.

Lễ dâng ở đình do đích thân các bà, các mẹ chuẩn bị nên chỉn chu đúng theo truyền thống. Không có sách, bút, máy tính hay những đồ vật thiếu tôn nghiêm. Lễ chỉ gồm hoa quả, trà bánh, tiền vàng, thẻ hương. Đồng thời, các bà mang theo hoa tươi đến xin cụ từ đôi lục bình để cắm hoa dâng lên Thánh, Thần.

Chị Thu theo chồng về làng Vẽ sống gần 10 năm nay, làm dâu họ Phạm Đông Ngạc. Dẫn theo con trai tới dâng lễ ở đình trước ngày thi tốt nghiệp THPT, chị Thu mua chục cành sen Tây Hồ và hai đĩa quả.

Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu - 5

Chị Thu mua hoa sen Tây Hồ đến đình dâng lễ cầu may cho con trai (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Theo hướng dẫn của cụ Châu, một lễ được hai mẹ con dâng ở khu văn chỉ, 1 lễ do đích thân cụ Châu dâng trong nội bái đường. Đây là khu vực cung cấm không ai được phép vào ngoài những người quan trọng của làng. Hai mẹ con chị Thu bái vọng ở ban thờ phía ngoài.

Chị Thu cho biết, chị chỉ đi lễ ở hai nơi là đền thờ Chu Văn An tại Thanh Trì và đình làng. Chị bày tỏ niềm tự hào bởi trong lúc hàng nghìn sĩ tử đến Văn Miếu mong sờ đầu rùa bia tiến sĩ để cầu may thì con cháu của làng Đông Ngạc có 22 vị tiến sĩ là bậc tổ tiên của mình.

Chiều nay, 26/6, hơn 1 triệu thí sinh cả nước đi làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT 2024. Riêng tại Hà Nội có hơn 100.000 thí sinh.

Ngày mai, 27/6, thí sinh bắt đầu với bài thi môn ngữ văn buổi sáng và môn toán buổi chiều. Ngày 28/6, thí sinh làm bài thi tổ hợp khoa học xã hội và tổ hợp khoa học tự nhiên buổi sáng, bài thi môn ngoại ngữ buổi chiều.

Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng.

Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT 2024:

Bà ngoại rủ bà nội đến nơi thờ 22 tiến sĩ cầu thi đỗ cho cháu - 6

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (Ảnh chụp màn hình).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm