Bà giáo dành trọn cuộc đời “nâng bước” học trò nghèo

(Dân trí) - Dù ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng một bà giáo già ở TP Cần Thơ có vẫn ngày ngày tận tụy mang con chữ đến với trẻ em nghèo trong xóm. Lớp học đặc biệt này có học sinh ở nhiều lứa tuổi nhưng điểm chung là khi đến đây các em được dạy chữ miễn phí và được học bài học làm người tử tế.

Mất đàn gà, sinh ra lớp học

Trong căn nhà nhỏ nằm nép mình nơi con hẻm nhỏ thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ lớp học tình thương mang tên "phổ cập tiểu học” chưa bao giờ ngớt tiếng ê a của con trẻ. Lớp học đó do cô Võ Thị Son (71 tuổi, ngụ khu vực 3, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) đứng ra chăm nom, giảng dạy.

Lớp học này có trẻ lên 5, lên 6 nhưng cũng có trẻ đã lên 9 lên 10. Thậm chí, có em 14-15 tuổi mới bắt đầu biết đến những con chữ đầu tiên, những con số cơ bản nhất.

Cô Võ Thị Son năm nay đã 71 tuổi những hàng ngày vẫn tận tụy mang con chữ đến với học trò nghèo
Cô Võ Thị Son năm nay đã 71 tuổi những hàng ngày vẫn tận tụy mang con chữ đến với học trò nghèo

Cô Son vốn là giáo viên dạy tiểu học của một số trường tại quận Ô Môn từ trước năm 1970. Sau giải phóng, cô nhận dạy lớp Bình dân học vụ cho những người không biết chữ tại địa phương. Lúc bấy giờ, kinh tế xã hội còn khó khăn, nhiều gia đình không có điều kiện cho con đi học.

Cô kể, khoảng năm 1980, nhà cô rất nghèo, thứ thứ tài sản quý nhất năm đó có lẽ là đàn gà khoảng 7, 8 con đang độ tìm trống, tìm mái thì bị tụi nhỏ trong xóm bắt hết. Sau khi bị mất gà, cô đi tìm “thủ phạm”, rồi bắt tụi nhỏ đến nhà để “làm việc”, “lấy lời khai”. Cũng từ đây, cô dạy các con đạo làm người rồi chuyển qua dạy chữ miễn phí và lớp học của cô được hình thành. Nhiều trẻ em trong xóm năm đó bỏ thói hư, tật xấu, biết đọc, biết viết. Và cứ thế, nhiều thế hệ học trò trưởng thành từ lớp học của cô Son.

Năm 2009 được nghỉ hưu, cô Son có nhiều thời gian hơn dành cho lớp học đặc biệt của mình. Mỗi buổi sáng, cô bắt đầu lên lớp vào lúc 7h30 và kết thúc lúc 10h, buổi chiều từ 13h30 đến 17h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Hiện đang là dịp hè nên buổi sáng có hàng trăm em học sinh, còn buổi chiều có 40 em, đủ các lứa tuổi, các lớp học.

Nói là lớp học nhưng đó chỉ là một cái hiên nhà được lợp bằng những tấm tôn đã cũ. Trong lớp được trang bị một tấm bảng cũ và khoảng 20 chiếc bàn. Tuy không khang trang như phòng học ở trường, nhưng lớp cô Son lúc nào cũng rộn rã tiếng tập đọc của các em nhỏ.

Ở lớp học của cô Son lúc nào cũng rộn rã tiếng cười
Ở lớp học của cô Son lúc nào cũng rộn rã tiếng cười

Ngoài dạy chữ, làm toán, cô Son còn dạy các em phải biết vâng lời ông bà cha mẹ, đi thưa về trình, kính trọng thầy cô, người lớn tuổi,... nhờ vậy mà em nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép.

Ông Lương Dút - chồng cô giáo Son cho biết: "Lúc bấy giờ mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng bà ấy yêu nghề mến trẻ, muốn tụi nhỏ nên người nên tôi ủng hộ việc làm của vợ. Hàng ngày tôi vẫn phụ giúp bà quản lý tụi nhỏ. Nhưng cũng có lúc cha con chúng tôi sợ bà mệt nên động viên hay nghỉ dạy đi nhưng bà đâu có nghe…”.

Cô giáo Son và lớp học miễn phí của mình

Cả mẹ và con cùng học cô giáo Son

Một buổi chiều hè khi hòa chung với đám trẻ trong xóm làm học trò của cô Son, tôi thấy mắt cô ánh lên niềm vui khi em Thạch Quỳnh Trang (người dân tộc Khmer) học sinh lớp 5 làm bài tập toán đúng, làm bài tập tiếng Việt không mắc lỗi… Nhưng không khí còn vui hơn khi cô đang thực hiện phép chia chưa xong thì cả lớp đồng thanh đọc kết quả.

Sau bài toán chia, cô Son hỏi, ai còn thắc mắc không để cô trả lời nhưng gần như học trò nào cũng đã hiểu bài và tất cả hào hứng sang bài mới.

Cả hai mẹ con bé Phạm Gia Hân đều học chữ miễn phí tại nhà cô giáo Son
Cả hai mẹ con bé Phạm Gia Hân đều học chữ miễn phí tại nhà cô giáo Son

Trong lớp học “đặc biệt” của cô Son, tôi chú ý đến một bé gái bé xíu bởi bé có gương mặt sáng, đôi mắt thông minh. Bé tên Phạm Gia Hân, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Trưng Vương thuộc quận Ô Môn. Mặc dù bé lớp 3 nhưng vẫn theo kịp các anh chị lớn tuổi hơn. Khi đưa mắt ra khoảng xa hơn ở cuối lớp là một người phụ nữ khoảng 27- 28 tuổi, chị tên là Bích Trân là mẹ của bé Hân.

Chị Trân cho biết, hồi còn nhỏ, chị và nhiều người đã theo học chữ miễn phí ở nhà cô Son. Sau này chị lớn lên đi làm, lấy chồng sinh con và vẫn muốn gửi con vào nhờ cô Son dạy bảo. Ngoài việc học không tốn tiền, con của chị còn được dạy thêm nhiều điều hay lẽ phải mà ở trường học có thể các thầy cô không đủ thời gian để dạy cho các bé.

Có nhiều em học trò theo học miễn phí ở nhà cô Son suốt nhiều năm liền
Có nhiều em học trò theo học miễn phí ở nhà cô Son suốt nhiều năm liền

Trong số hàng nghìn học trò cũ, cô Son nhớ nhất là cậu bé Bắc Nam cô nhận nuôi từ lớp 2 đến lớp 12, bởi em Nam mồ côi cha, mẹ thì đi làm mướn. Sau khi học hết cấp 3, Nam được cô gửi đi học lớp cơ khí, rồi vận động con trai cô Son hỗ trợ tiền cho Bắc Nam tiếp tục học đại học. Bây giờ, Nam lập nghiệp ở TPHCM. Hầu như dịp lễ, tết nào Bắc Nam và mẹ cũng xuống Cần Thơ tới nhà cô giáo Son ăn Tết.

Cô Son cho biết: “Lớp học của tôi có nhiều hoàn cảnh rất đáng thương, bé thì cha mẹ bỏ rơi ở với ông bà hay bị bệnh không thể đến trường, gia đình nhiều em thuê trọ làm thuê, không có giấy khai sinh... và có rất nhiều lứa tuổi khác nhau... nên tôi mới mở lớp dạy chữ, dạy đạo đức để các em trở thành người có ích cho xã hội”.

Lúc chia tay cô giáo Son và lớp học cũng là lúc nắng chiều đã tắt và cô vẫn cần mẫn ngồi xem lại từng bài tập của các em học trò nghèo
Lúc chia tay cô giáo Son và lớp học cũng là lúc nắng chiều đã tắt và cô vẫn cần mẫn ngồi xem lại từng bài tập của các em học trò nghèo

“Do các em đi học không đều, vì phụ huynh rảnh giờ nào đưa đến giờ đó nên tôi phải kèm riêng từng em một và dạy theo trình độ của mỗi em... Sau mỗi giờ học, tôi đều trả bài kiểm tra kiến thức cũ, chấm điểm và cho bài tập mới để các em về nhà luyện tập thêm”.

Cũng nhờ lớp học đặc biệt này, nhiều thế hệ học trò cũ của cô Son giờ đây đã trở thành những người có ích cho xã hội, có nghề nghiệp, công việc làm ổn định.

Nhờ lớp học nhân ái của cô Son mà hàng ngàn đứa trẻ nghèo không bị “chôn vùi” cuộc sống trong tăm tối vì mù chữ, thoát khỏi cạm bẫy xã hội. Cũng từ đây biết bao mầm xanh đã được “chắp cánh” với cuộc đời, cuộc sống bao la ngoài kia.

Phạm Tâm

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm