Hà Nội:
Áp đặt “độc quyền” đưa thực phẩm vào trường học
(Dân trí) - Bữa ăn bán trú là thỏa thuận thống nhất giữa phụ huynh với nhà trường. Tuy nhiên, khi chưa có sự thống nhất, bàn bạc với các bậc phụ huynh, UBND Hoàng Mai (Hà Nội) đã “cấp phép” cho 3 công ty “độc quyền” cung cấp thực phẩm vào trường học.
Qua đường dây nóng của báo Dân trí, nhiều bậc phụ huynh phản ánh: Với việc chỉ cho “độc quyền” 3 công ty cung cấp thực phẩm cho tất cả các trường học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) có tổ chức bữa ăn bán trú nên đã dẫn đến những câu chuyện bi hài. Ngày đầu tiên triển khai, nhiều học sinh đã phải nhịn cơm đến tận 2-3 giờ chiều do thực phẩm chuyển đến không kịp. Thậm chí có trường đã phải nấu mì tôm cho học sinh ăn để “chống đói”. Sau 4 ngày triển khai thì vẫn còn phát sinh nhiều bất cập.
“Chúng tôi đóng tiền để cho con ăn bán trú nhưng việc mua thực phẩm ở đâu, chất lượng ra sao thì chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Việc áp đặt các trường thực hiện theo văn của UBND quận là thiếu sự tôn trọng đối với các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, với việc mới chỉ cho 3 đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học thì liệu có sự “mập mờ” gì ở đây hay không?” - các bậc phụ huynh bức xúc.
Đi tìm lời giải đáp
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai cho hay: Việc này do Phòng Kinh tế - UBND quận Hoàng Mai đứng ra chủ trì. Các trường thực hiện là do UBND quận đã có văn bản gửi trực tiếp xuống yêu cầu chấp nhận kết quả thẩm định đối với 3 công ty cung cấp thực phẩm.
Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Lã Văn Hưởng - Trưởng Phòng Kinh tế, UBND quận Hoàng Mai. Ông Hưởng cho biết: Sở dĩ ra văn bản này là căn cứ vào Luật An toàn Thực phẩm, Thông tư 14/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tư số 26/2012 của Bộ Y tế. Trong đó, lĩnh vực về quản lý sản xuất kinh doanh nông lâm, thủy hải sản là do ngành Nông nghiệp, đối với các quận thì nó nằm trong Phòng Kinh tế. Từ việc quản lý này thì mình phải quản lý các cơ sở sản xuất chế biến.
“Thực tế ở trong trường học những năm qua thì nguồn cung cấp thực phấm xuất phát từ các tổ chức cá nhân hoặc do các trường tự mua để làm bữa ăn bán trú cho học sinh. Như vậy là không có ai kiểm soát về an toàn thực phẩm, kiểm soát về giá, kiểm soát số lượng...Điều này dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao. Ở địa bàn Giáp Bát cũng đã xảy ra ngộ độc nhưng nhỏ thôi. Về giá thì rất là bất cập. Từ những vấn đề này thì UBND quận đã có văn bản yêu cầu các trường lấy thực phẩm từ các đơn vị có điều kiện cung cấp thực phẩm và đã được thẩm định và làm sao cho giá cả nó phù hợp” - ông Hưởng nói.
Cũng theo ông Hưởng, sau khi có chủ trương thì UBND quận cũng đã thông báo công khai để các đơn vị có đủ điều kiện đăng ký tham gia. Dựa trên các quy định về tiêu chỉ, quy định thành lập tổ kiểm định, quy định về cách đánh giá để tiến hành thẩm định.
“Từ trước đến nay không có ai quản lý việc này, chỉ có giữa phụ huynh với nhà trường, giữa phụ huynh với các phòng giáo dục. Đây là vấn đề bất cập nên quận mới đưa ra quy định quản lý này” - Trưởng Phòng Kinh tế quận Hoàng Mai nhấn mạnh.
Theo điều tra của phóng viên, đối với các trường không có bếp ăn thì suất ăn trị giá bao nhiêu đã được thống nhất với các bậc phụ huynh sau đó khoán lại cho các công ty mà do UBND quận Hoàng Mai chỉ định thực hiện. Đối với các trường có bếp ăn thì căn cứ vào mức đóng của phụ huynh nhà trường sẽ tính toán mua thực phẩm đáp ứng. Tuy nhiên phải mua thực phẩm ở các công ty đã được UBND quận Hoàng Mai thẩm định cho phép.
Với câu hỏi, liệu có sự “mập mờ” khi UBND quận mới chỉ phê duyệt 3 đơn vị cung cấp hay không? “Ở đây không có sự mập mờ gì cả, chúng tôi làm công khai, minh bạch. Trong quá trình triển khai chúng tôi cũng đã nó rõ là tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký tham gia cung cấp thực phẩm của các tổ chức cá nhân, tiến hành kiểm định và kiểm tra thực tế, báo cáo kết quả về UBND quận” - ông Hưởng chốt vấn đề.
Phụ huynh cần phải được tham gia
Theo một cán bộ của ngành Giáo dục Hà Nội thì việc làm của UBND quận Hoàng Mai có vẻ “áp đặt”. Đáng lẽ ra cần phải trao đổi với các bậc phụ huynh để thống nhất cách thức thực hiện trước khi triển khai.
“Đây là khoản thỏa thuận nên ý kiến của phụ huynh là rất quan trọng. Nếu tự ý yêu cầu các trường thực hiện mà phụ huynh không biết thì rất dễ để mọi người nghi ngờ khi mà mới chỉ có 3 đơn vị được cấp phép. Hơn nữa, bây giờ mới tiến tục nhận hồ sơ để thẩm định cấp phép là điều rất khó hiểu bởi các trường khi ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp thường là 6 tháng hoặc 1 năm. Nếu có thêm đơn vị được công nhận với giá cả phù hợp hơn thì họ cũng rất khó để chen chân vào” - cán bộ này phân tích.
Cũng theo cán bộ này, lẽ ra UBND quận chỉ cần cung cấp danh sách các đơn vị đã được cấp phép đảm bảo an toàn thực phẩm để cho các bậc phụ huynh, nhà trường lựa chọn. Việc áp đặt một văn bản cố định là sai quy định, nhất là khi chưa được UBND thành phố phê duyệt.