Anh: Phụ huynh lên "chiến thuật" giúp con vào những trường học hàng đầu
(Dân trí) - Cuộc đua vào trường trung học top đầu ở Anh khiến nhiều học sinh và phụ huynh ở xứ sương mù rơi vào tình trạng rất căng thẳng.
Cô Sheri Jacobson, nhà trị liệu tâm lý, người đồng sáng lập nền tảng trị liệu Harley therapy, một bà mẹ ở Anh, đang bị ung thư và phải hóa trị. Nhiều người nghĩ rằng, mắc bệnh nặng có thể khiến nhiều thử thách khác trong cuộc sống của cô Sheri trở nên tầm thường khi so sánh.
Tuy nhiên như cô Sheri Jacobson chia sẻ thì sự căng thẳng để đưa cô con gái Cobie vào trường cấp hai phù hợp cũng có mức độ nghiêm trọng tương tự và vấn đề này khiến cả nhà đau khổ, lo lắng.
Khi nói đến các tổ chức giáo dục hàng đầu, nhiều người cho rằng, có sự cạnh tranh ở mọi giai đoạn - từ nhà trẻ đến nghiên cứu sau đại học.
Nhiều bậc cha mẹ xác định độ tuổi 11 hoặc 13 (khi học sinh bắt đầu vào các trường trung học) là thời điểm quan trọng nhất của sự nghiệp học tập. Tại Anh, sĩ số trung bình của một lớp học tại trường trung học tư thục là 18, nhưng ở nhiều trường, con số này còn nhỏ hơn. Ví dụ, ngôi trường nổi tiếng Millfield ở Somerset có sĩ số lớp học tối đa là 13.
Trong khi đó, ở khu vực trường công, theo dữ liệu của chính phủ Anh vào năm 2019, sĩ số học sinh trong mỗi lớp học là 31. Sĩ số học sinh, cùng với chất lượng giảng dạy được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả thi cử, yếu tố rất quan trọng để vào các trường đại học hàng đầu.
Theo một báo cáo năm 2019 của ủy ban xã hội Anh, 7% dân số Anh nói chung học tại một trường trung học tư thục, 48% CEO của các công ty hàng đầu nước Anh từng học trường tư. Con số này với các thẩm phán là 74%; nhà báo là 44%. 57% người giàu nhất nước Anh cũng từng học trường tư.
Sự cạnh tranh để giành được những suất học tại các trường tốt nhất ở Vương quốc Anh đang ngày càng gia tăng.
Các yếu tố gây ảnh hưởng là dân số ngày càng tăng, nhiều học sinh, sinh viên quốc tế hơn (các trường tư thục của Anh ghi nhận mức tăng trưởng 6% về số lượng sinh viên nước ngoài vào năm 2020) và sự xuất hiện của các "chiến thuật" giúp phụ huynh có thể đưa con cái của họ vào một số trường hàng đầu.
Để đảm bảo chỉ những học sinh giỏi nhất được chọn, nhiều trường học ở Anh thực hiện những quy trình xét tuyển nghiêm ngặt. Ví dụ, trường St Paul's, một trong những trường tư hàng đầu ở xứ sương mù cung cấp nền giáo dục xuất sắc, toàn diện cho các nam sinh từ 7 đến 18 tuổi, thường nhận được khoảng 500 đơn xin nhập học mỗi năm từ học sinh 13 tuổi.
500 học sinh sẽ làm bài kiểm tra trực tuyến trắc nghiệm về tiếng Anh, toán, lý luận bằng lời nói và lý luận phi ngôn ngữ kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi và sau bài thi này, trường sẽ loại khoảng 200 ứng viên.
Những nam sinh vượt qua loạt bài thi đầu tiên sẽ chuyển sang vòng thi tiếp theo. Họ làm thêm các bài đánh giá bằng tiếng Anh và toán. Tham gia hai cuộc phỏng vấn kéo dài 25 phút.
Các ứng cử viên vượt qua phần thi này sẽ được đưa vào danh sách dự bị. Sau đó trường St Paul's sẽ hỏi các trường về tình hình học tập của các nam sinh trong danh sách dự bị và đánh giá lại các em về môn tiếng Anh và toán trước khi quyết định chọn học sinh vào trường của mình. Trong số 500 ứng viên, chỉ có 90 em được nhận.
Các chuyên gia tuyển sinh của trường nói rằng, đây là một quá trình cẩn thận và cần thiết để đảm bảo rằng các cậu bé được nhận vào sẽ không bị tụt hậu khi học tại trường. "Các bài học của chúng tôi dài 35 phút và tốc độ học của học sinh rất nhanh. Chúng tôi muốn mọi học sinh đều có thể theo kịp", một giáo viên của trường cho biết.
Tuy nhiên, cường độ của một số quy trình tuyển sinh có thể gây hậu quả cho trẻ em. Christine Leslie, người điều hành một dịch vụ chuyên cung cấp lời khuyên về việc học của con trẻ cho phụ huynh, cho biết: "Tôi thấy rất đau lòng khi nhận ra rằng, đó là tham vọng của cha mẹ hơn là nhu cầu của trẻ và nó có thể gây hại cho trẻ.
Đôi khi việc một đứa trẻ được nhận vào một trường hàng đầu là niềm tự hào của cả gia đình. Nhiều bố mẹ nghĩ rằng, con không vào được trường top đầu thì họ xấu hổ muốn chết".
Jeremy Monsen, một nhà tâm lý học giáo dục và trẻ em ở các quận Westminster, Kensington và Chelsea, cho biết, có khách hàng đến gặp ông với những lo ngại rằng con trai họ có thể gặp khó khăn trong học tập sau khi không vào được trường mong muốn.
Trong một trường hợp khác, một cô con gái khao khát được sống xứng đáng với thành công của cha mẹ mình. Monsen nói: "Mặc dù cô bé nỗ lực nhưng cô bé không có năng khiếu và cha mẹ cô bé cảm thấy cô ấy lười biếng. Sau đó cô bé gặp các vấn đề về tâm thần và phải điều trị".
Cô Christine Leslie nói: "Nhiều học sinh học chơi nhạc hoặc ngoại ngữ khi mới ba tuổi. Chúng không hề có thời gian vui chơi thật sự bởi vì chúng được bố mẹ lên lịch cho các hoạt động mà cha mẹ nghĩ rằng sẽ giúp ích cho cuộc sống tương lai của con cái".
Nhiều học sinh ở Anh cũng rất bận rộn với việc học thêm bởi cha mẹ chúng cho rằng, học ở lớp thôi là không đủ để tham gia các kỳ thi.
"Tất nhiên, trẻ em nên được cung cấp tất cả các công cụ cần thiết để phát huy hết khả năng của mình. Nhưng việc dạy kèm cần phải hợp lý, theo Alex Sever, người sáng lập một trung tâm dạy thêm nổi tiếng của Anh.
Ông Alex Sever nói: "Nếu trẻ tham gia những kỳ thi mà chưa từng làm dạng bài tượng tự hoặc ôn luyện thì về cơ bản, chúng đang làm bài với một tay bị trói sau lưng.
Tuy nhiên một đứa trẻ chỉ cần khoảng 20 giờ chuẩn bị cho bài lập luận phi ngôn ngữ. Nếu bạn ép con học tới 200 giờ, đứa trẻ có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và kiệt sức".
Trong khi nhiều phụ huynh cho rằng con mình phải được học các trường tốt nhất về mặt giáo dục thì với nhiều học sinh, học thuật không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với tốt nhất. Ví dụ, con gái của cô Sheri Jacobson muốn học tại trường Godolphin và Latymer vì ở đó, cô bé có thể học môn thể thao bóng vợt.
Tiến sĩ Andy Mayfield, giáo viên toán của trường St Paul's, nói: "Con học trường nào không phải chỉ để bố mẹ khoe khoang. Điều quan trọng là con bạn có hạnh phúc, được quan tâm và vui vẻ khi đến trường hay không. Sự căng thẳng của quá trình tuyển sinh đến từ việc nhiều cha mẹ cố gắng đẩy con trẻ vào những ngôi trường không phù hợp với chúng".
Phụ huynh Sheri Jacobson cho biết: "Tôi nghĩ cần phải thay đổi hoàn toàn hệ thống thi cử. Trẻ con cần thể hiện kỹ năng thực tế và ít học thuộc lòng hơn". Con gái cô, Cobie Jacobson đã nộp đơn cho mười trường và được đưa vào danh sách chờ tại ba trường là Godolphin và Latymer và South Hampstead.
Sheri nói: "Việc con có tên trong danh sách chờ thật khổ sở. Ngày nào con tôi cũng hỏi: "Họ đã gọi chưa hả mẹ?". Nhà trị liệu tâm lý nổi tiếng này cho biết, cô đã dạy con cách đối phó với những áp lực, khó khăn trong cuộc sống nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có thể làm được như vậy.
"Trong thâm tâm, tôi cảm thấy việc loại bỏ toàn bộ hệ thống tuyển sinh kiểu cũ này có thể có lợi cho trẻ nhỏ. Các kỳ thi cho thấy sự chăm chỉ của học sinh nhưng có nhiều điều quan trọng hơn trong cuộc sống", cô Sheri Jacobson bày tỏ.
Tất nhiên vẫn luôn có những phụ huynh có suy nghĩ đơn giản hơn về việc học hành, thi cử và chọn trường của con cái. Cô Sophie Oakes gần đây đã hoàn thành thủ tục nhập học cho hai cậu con trai của mình và không cảm thấy quá căng thẳng. Cô nói rằng cô chỉ dạy kèm cho một cậu con trai và cho con tập các cuộc phỏng vấn giả định ở mức tối thiểu.
Cô Oakes là một nhà tư vấn giáo dục. Cô cho biết: "Tôi cảm thấy công việc của nhà trường là giúp học sinh phát triển. Tôi không gây áp lực cho các con của mình. Tôi cảm thấy rằng nếu đó không phải là ngôi trường phù hợp với chúng, chúng sẽ không vào học và nếu đó là nơi phù hợp với các con tôi thì chúng sẽ học tốt".
Tiến sĩ Mayfield nói thêm rằng: "Chúng tôi hy vọng là phụ huynh và các cậu bé đã từng đến trường St Paul's hiểu rằng, trong môi trường thích hợp, chúng sẽ phát triển mạnh còn nếu chọn sai trường, mọi thứ có thể sẽ không được như thế".